Những địa danh gắn liền với Ngày Giải phóng Thủ đô

Những địa danh gắn liền với Ngày Giải phóng Thủ đô

NDO - Ngày 10/10/1954, cả Hà Nội rợp trong cờ hoa, hân hoan chào đón đoàn quân giải phóng về tiếp quản Thủ đô. Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), mời bạn đọc cùng Báo Nhân Dân ghé thăm những địa danh mang dấu chân lịch sử, gắn liền với ngày lễ trọng đại này.

1. NĂM CỬA Ô HÀ NỘI: NƠI ĐOÀN QUÂN GIẢI PHÓNG TIẾN VÀO TIẾP QUẢN THỦ ĐÔ

Từ ngày 7 đến 9/10/1954, các đơn vị bộ đội đã đi qua 5 cửa ô: ô Quan Chưởng, ô Cầu Giấy, ô Cầu Dền, ô Đống Mác, ô Chợ Dừa, tiến vào tiếp quản Thủ đô Hà Nội.

Những địa danh gắn liền với Ngày Giải phóng Thủ đô ảnh 1

Ô Quan Chưởng ngày nay. (Ảnh: THẾ ĐẠI)

Theo sách “Bắc thành dư địa chí” soạn đầu thế kỷ 19, Hà Nội có 21 cửa ô. Cửa ô vốn là lối ra vào thành, có vọng gác, chốt chặn để kiểm soát, thu thuế, ngăn ngừa đạo chích, canh chừng hỏa hoạn… Các cửa ô được đặt tên theo làng, theo tổng.

Từ ngày 7 đến 9/10/1954, các đơn vị bộ đội đã đi qua 5 cửa ô: ô Quan Chưởng, ô Cầu Giấy, ô Cầu Dền, ô Đống Mác, ô Chợ Dừa, tiến vào tiếp quản Thủ đô Hà Nội.

Sau này kinh đô chuyển vào Huế, các cửa ô cũng dần thay đổi hoặc mất đi. Những cửa ô xưa đã thành phố xá. Chỉ còn duy nhất một cửa còn nguyên vẹn đến nay, đó là cửa ô Quan Chưởng nằm trên phố Hàng Chiếu (quận Hoàn Kiếm).

Cửa ô Quan Chưởng được xây dựng vào năm Cảnh Hưng thứ 10 (1749), có tên chữ là Đông Hà Môn (cửa Đông Hà - cửa ô ở phường Đông Hà trước kia). Đây là cửa ô được mở qua tường phía đông của tòa thành đất bao quanh kinh thành Thăng Long xưa.

Cửa ô Quan Chưởng được thiết kế theo kiểu vọng lâu - một kiểu kiến trúc đặc trưng thời Nhà Nguyễn, bao gồm 2 tầng: Tầng dưới có 3 cửa, một cửa nằm chính giữa, cao và rộng khoảng 3m, hai cửa phụ nằm ở hai bên, rộng khoảng 1,65m, cao 2,5m. Cả 3 cửa đều được thiết kế theo kiểu vòm cuốn. Tầng trên có vọng lâu 4 mái, thu nhỏ ngay tại vị trí phía trên nóc cửa chính, chung quanh có lan can trang trí các hình lục lăng, tứ giác, hoa thị. Giữa phần trên nóc cửa chính và vọng lâu là một khung hình chữ nhật (cao gần 1m, rộng khoảng 3m), ở mặt trước có đắp nổi ba chữ Hán bằng mảnh sứ màu xanh: “Đông Hà Môn”.

Ô Chợ Dừa hiện nay là nút giao thông lớn trên địa bàn quận Đống Đa. Đây là điểm giao cắt của 6 phố: Xã Đàn, Khâm Thiên, Tôn Đức Thắng, Tây Sơn, Đê La Thành, Ô Chợ Dừa.

Ô Cầu Dền nay là ngã tư, giao cắt các phố: Phố Huế, Bạch Mai, Trần Khát Chân, Đại Cồ Việt.

Ô Đống Mác nằm cuối phố Lò Đúc, ở đoạn giao với đường Trần Khát Chân và phố Kim Ngưu.

Ô Cầu Giấy được cho là nằm ở phố Thanh Bảo giao với phố Sơn Tây.

2. CẦU LONG BIÊN: NƠI NHỮNG NGƯỜI LÍNH PHÁP CUỐI CÙNG RÚT KHỎI HÀ NỘI

Những địa danh gắn liền với Ngày Giải phóng Thủ đô ảnh 2

Cầu Long Biên. (Ảnh: THẾ ĐẠI)

Năm 1987, Paul Doumer nhậm chức Toàn quyền Đông Dương. Ngay sau khi nhậm chức, ông đã đưa ra ý tưởng xây dựng một cây cầu bắc qua sông Hồng dài 1.600m và vấp phải nhiều ý kiến cho rằng ý tưởng này điên rồ, không thể thực hiện được.

Tuy vậy, ngày 15/12/1897 đã diễn ra cuộc đấu thầu - một quyết định cho việc xây dựng cầu. Hội đồng nhóm họp xem xét các bản dự thầu trong 15 ngày. Một tiểu ban kỹ thuật của hội đồng được lập ra để đánh giá những ưu điểm cũng như nhược điểm của các đồ án tham gia. Có 6 công ty lớn của Pháp tham gia và Công ty Daydé et Pillé đã giành chiến thắng. Ngoài các giải pháp kỹ thuật được đề xuất, mức giá dự thầu của công ty không vượt quá mức kinh phí quy định là 5,5 triệu franc.

Những địa danh gắn liền với Ngày Giải phóng Thủ đô ảnh 3

Cầu Long Biên ngày nay. (Ảnh: THẾ ĐẠI)

Ngày 12/9/1898, cầu Long Biên được khởi công xây dựng. Cầu được làm với 19 nhịp, 20 trụ. Tổng chiều cao là 61m. Cầu có 2 nhịp hai đầu dài 78,70m và 9 nhịp dài 75m, xen kẽ với 8 nhịp dài 106,20m.

Ngày 3/2/1902, hai bờ sông Hồng được nối liền.

Cây cầu được đặt theo tên của Doumer, người khởi xướng dự án xây dựng này. Ngày 8/4/1902, đoàn tàu chính thức đầu tiên của tuyến đường sắt Hà Nội-Hải Phòng rời ga. Cây cầu được xây dựng với tốc độ ấn tượng, trong 3 năm 7 tháng, trong khi thời hạn xây dựng là 5 năm. Chi phí thực tế để xây dựng cầu Doumer là 6,2 triệu franc.

Ngày 12/9/1898, cầu Long Biên được khởi công xây dựng. Cầu được làm với 19 nhịp, 20 trụ. Tổng chiều cao là 61m. Cầu có 2 nhịp hai đầu dài 78,70m và 9 nhịp dài 75m, xen kẽ với 8 nhịp dài 106,20m. Cây cầu được xây dựng với tốc độ ấn tượng, trong 3 năm 7 tháng. Chi phí thực tế để xây dựng cầu Doumer là 6,2 triệu franc.

Những địa danh gắn liền với Ngày Giải phóng Thủ đô ảnh 4

Một góc cầu Long Biên ngày nay. (Ảnh: THẾ ĐẠI)

Mục đích xây cầu phục vụ cho việc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, nằm trong kế hoạch nâng cấp hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất, phục vụ cho việc lưu thông hàng hoá từ đồng bằng Bắc Bộ đến Hải Phòng và từ Hải Phòng lên Hà Nội. Từ khi cầu đi vào hoạt động, việc giao thương giữa các vùng trở nên dễ dàng hơn.

Ban đầu, cây cầu được thiết kế chỉ dành cho đường sắt, cánh gà hai bên rộng 1,3m dành cho người đi bộ, xe kéo và người đi xe đạp. Do đó, ô-tô phải qua sông bằng phà. Từ năm 1914, việc cải tạo cầu dành cho ô-tô đã từng được tính đến. Tuy nhiên, phải sau chiến tranh thế giới thứ nhất, việc mở rộng làn đường bộ trên cầu mới được tiến hành.

Cầu Long Biên gắn liền với biết bao thăng trầm lịch sử của dân tộc Việt Nam và của Thủ đô Hà Nội. Trong chiến tranh chống Pháp, cầu Long Biên chính là nhân chứng sống động về tinh thần quyết chiến-quyết thắng của nhân dân ta.

Những ngày đầu tháng 2/1947, cầu Long Biên gắn với cuộc rút lui thần kỳ của quân đội ta. Dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Tổng chỉ huy, Thành ủy, Bộ chỉ huy mặt trận Hà Nội quyết định tổ chức cho Trung đoàn Thủ đô rời liên khu I ra hậu phương để bảo toàn và xây dựng lực lượng nhằm kháng chiến lâu dài.

Trong 9 năm kháng chiến trường kỳ, cả dân tộc đã làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Geneva ngày 21/7/1954 công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Đông Dương, chấp nhận rút quân khỏi miền bắc Việt Nam.

Ngày 8/10/1954 quân Pháp làm lễ hạ cờ và ngày 9/10/1954 bắt đầu rút khỏi Hà Nội. Quân Pháp rút đến đâu bộ đội ta vào tiếp quản tới đó.

Đến 16 giờ ngày 9/10/1954, những người lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên, quân dân ta hoàn toàn kiểm soát thành phố. Cây cầu là nơi chào đón đoàn quân chiến thắng về tiếp quản Thủ đô.

Những địa danh gắn liền với Ngày Giải phóng Thủ đô ảnh 5

Hình ảnh cầu Long Biên ngày nay. (Ảnh: THẾ ĐẠI)

Trong những năm tháng chống Mỹ, cây cầu đã hứng chịu không ít bom đạn của Đế quốc Mỹ rải xuống. Dù có bị hư hỏng, nhưng cầu đã được các đơn vị sửa chữa và khắc phục, để bảo đảm luôn là tuyến giao thông huyết mạch của Thủ đô nối liền với các địa phương.

Vắt qua ba thế kỷ, trải qua biết bao thăng trầm của thời cuộc, cầu Long Biên vẫn sừng sững đứng đó như một nét gạch nối thời gian. Vượt lên giá trị là một công trình giao thông, cây cầu trở thành biểu tượng của văn hóa, một chứng nhân của lịch sử song hành cùng sự phát triển của Thủ đô và đất nước

3. BẮC BỘ PHỦ - PHỦ TOÀN QUYỀN, NƠI ĐƯỢC LỰC LƯỢNG CỦA TA TIẾP QUẢN TRONG SÁNG 9/10/1954

Bắc Bộ phủ, nay là Nhà khách Chính phủ (12 Ngô Quyền, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm), là một di tích lịch sử-văn hóa quan trọng của Thủ đô Hà Nội. Đây là nơi ghi dấu cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền (ngày 19/8/1945) của nhân dân Thủ đô, cũng là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng sống, làm việc sau Cách mạng Tháng Tám cho đến Ngày Toàn quốc kháng chiến.

Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, người Pháp triển khai xây dựng hàng loạt khu phố mới cùng nhiều công trình văn hóa, dân sinh, quân sự... tại Hà Nội nhằm khẳng định dấu ấn của chính quyền thực dân tại các nước thuộc địa.

Năm 1918, người Pháp đã xây dựng dinh Thống sứ Bắc Kỳ tại vị trí giao nhau giữa đại lộ Henri Rivière (phố Ngô Quyền ngày nay) và phố Chavassieux (phố Lê Thạch).

Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, dinh Thống sứ Bắc Kỳ được đổi thành phủ Khâm sai Bắc Kỳ. Ngày 19/8/1945, Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám nổ ra ở Hà Nội. Lực lượng Việt Minh cùng nhân dân Hà Nội đã chiếm giữ tòa nhà này. Sau Cách mạng Tháng Tám cho đến ngày Toàn quốc kháng chiến vào năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã làm việc tại đây. Tòa nhà lúc này được đổi tên thành Bắc Bộ phủ.

Mở đầu ngày Toàn quốc kháng chiến, tại đây đã nổ ra một trận đánh ác liệt giữa một đại đội Vệ quốc đoàn bảo vệ Bắc Bộ phủ với quân Pháp. Năm 1954, chiến tranh Đông Dương kết thúc, Bắc Bộ phủ được tu sửa lại và trở thành Nhà khách Chính phủ, hiện do Vụ Lễ tân (Bộ Ngoại giao) quản lý. Năm 2005, công trình được gắn biển Di tích lịch sử cách mạng.

4. PHỐ HÀNG ĐÀO

Những địa danh gắn liền với Ngày Giải phóng Thủ đô ảnh 6

Đoàn xe chở các chiến sĩ Đại đoàn 308 tiến qua phố Hàng Đào, sáng 10/10/1954 trong niềm hân hoan chào đón của hàng vạn người dân. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Phố Hàng Đào là nơi các tầng lớp nhân dân Hà Nội tề tựu đón chào đoàn quân tiến về giải phóng Thủ đô ngày 10/10/1954.

Đây cũng là nơi đón đoàn xe đầu tiên do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính và bác sĩ Trần Duy Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính dẫn đầu, đi qua phố Hàng Đường, Hàng Ngang, Hàng Đào vào trung tâm thành phố.

Trung đoàn Thủ đô, các đoàn cơ giới và pháo binh cũng tiến vào thành phố qua cung đường này.

Phố Hàng Đào là nơi các tầng lớp nhân dân Hà Nội tề tựu đón chào đoàn quân tiến về giải phóng Thủ đô ngày 10/10/1954.

5. DI TÍCH CỬA BẮC

Những địa danh gắn liền với Ngày Giải phóng Thủ đô ảnh 7

Cửa Bắc (Ảnh: THẾ ĐẠI)

Vào 9 giờ 30 phút ngày 10/10/1954, Đoàn cơ giới và pháo binh, cùng chỉ huy “tiếp quản Hà Nội”, do Chủ tịch Ủy ban Quân quản Vương Thừa Vũ, và Phó chủ tịch Trần Duy Hưng dẫn đầu, xuất phát từ sân bay Bạch Mai, đi đến Ngã tư Vọng, sang Ngã tư Trung Hiền, theo đường Bạch Mai, phố Huế, qua hồ Hoàn Kiếm, đi đường Hàng Đào, Hàng Ngang, qua chợ Đồng Xuân, lên Hàng Giấy, vườn hoa Hàng Đậu… vào “Thành cổ Hà Nội” bằng Cửa Bắc.

Xây dựng năm 1805 dưới thời nhà Nguyễn, Cửa Bắc là cổng thành duy nhất còn sót lại trong các cổng thành. Di tích có vị trí quay hướng Bắc, chếch Tây 15 độ, phần lầu ở trên, thành ở dưới. Phần thành được xây dựng kiên cố bằng đá và gạch, chân kè bằng đá. Mép cửa kè đá hình chữ nhật, diềm trên bằng đá trang trí hoa sen. Hai cánh cổng bằng gỗ chạy trên bánh xe bằng đồng. Nổi bật phía ngoài bên trên cổng là dòng chữ Hán khắc “Chính Bắc Môn”.

Di tích Cửa Bắc còn là nơi gắn liền với tên tuổi hai vị Tổng đốc Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu trong cuộc chiến bảo vệ Thành Hà Nội vào năm 1873, năm 1882. Trên vọng lâu của di tích này là nơi thờ hai vị Tổng đốc Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu để tỏ lòng nhớ ơn tinh thần chiến đấu giữ thành đến hơi thở cuối cùng của 2 vị Tổng đốc.

Những địa danh gắn liền với Ngày Giải phóng Thủ đô ảnh 8

Một vết đạn đại bác còn lưu dấu vết trên Cửa Bắc (Ảnh: THẾ ĐẠI)

Hiện nay trên mặt thành Cửa Bắc còn lưu 2 vết đại bác sâu 80cm do pháo hạm Pháp bắn ngày 25/4/1882. Sau khi bình ổn Bắc Kỳ, giặc Pháp cho phá hết Thành Hà Nội, nhưng giữ lại Bắc Môn.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, một trong số những người nghiên cứu về văn hóa Hà Nội đã chia sẻ về lý do đoàn xe của Chủ tịch Ủy ban Quân quản Vương Thừa Vũ, và Phó Chủ tịch Trần Duy Hưng chọn Cửa Bắc để đi vào Hoàng thành Thăng Long như thế này: Cửa Bắc là cửa chính để đi vào các cơ quan tham mưu, các cơ quan đầu não của quân đội Pháp đóng ở trong thành. Trong khi đó khu vực phía đông phần lớn là doanh trại của binh lính. Khu vực phía tây là doanh trại của sĩ quan quân đội Pháp. Do vậy, việc đại đoàn quân chọn Cửa Bắc để tiến vào rõ ràng giống như việc muốn tiến thẳng vào đơn vị đầu não của quân đội Pháp, để chứng minh chúng ta đã trở về, chúng ta đã chiến thắng.

6. CỘT CỜ HÀ NỘI: NƠI DIỄN RA LỄ CHÀO CỜ ĐẦU TIÊN TRONG NGÀY HÀ NỘI ĐƯỢC GIẢI PHÓNG

Những địa danh gắn liền với Ngày Giải phóng Thủ đô ảnh 9

Cột cờ Hà Nội. (Ảnh: THẾ ĐẠI)

Kỳ đài “Cột cờ Hà Nội” nằm trên đường Điện Biên Phủ (quận Ba Đình), được xây dựng vào năm 1805, trên phần đất phía nam của Hoàng thành Thăng Long, đến năm 1812 hoàn thành dưới thời vua Gia Long.

Cột cờ gồm ba tầng đế, thân cột và vọng lâu cao 33,4m, nếu tính cả trụ treo cờ khoảng 40m. Bên trong 3 tầng đế có các bậc cầu thang lên xuống, thân cột cờ có 54 bậc xếp theo hướng xoáy trôn ốc lên vọng lâu, có các lỗ thông hơi hình hoa thị và dẻ quạt chạy chung quanh thân cột cờ.

Năm 1873, sau khi thực dân Pháp chiếm được Hà Nội, chúng đưa quân vào ở trong thành, đập phá một số kiến trúc, xây dựng nhà ở cho lính. Cột cờ được quân Pháp sử dụng đặt đài thu phát thông tin, làm đài quan sát.

Những địa danh gắn liền với Ngày Giải phóng Thủ đô ảnh 10

Cờ đỏ sao vàng trên Cột cờ Hà Nội. (Ảnh: THẾ ĐẠI)

Năm 1954, chuẩn bị cho lễ thượng cờ chào mừng Thủ đô được giải phóng, bộ đội Công binh được giao nhiệm vụ rà soát kiểm tra an toàn, làm trụ treo cờ trên đỉnh cột cờ.

Ngày 10/10/1954, cả Hà Nội tưng bừng cờ hoa chào đón các đoàn quân chiến thắng trở về, Thủ đô Hà Nội hoàn toàn giải phóng. Nhân dân Thủ đô và các đoàn quân tiến về khu vực “Cột cờ Hà Nội” xếp hàng ngay ngắn chờ đón giây phút lịch sử: Lễ thượng cờ Tổ quốc trên đỉnh “Cột cờ Hà Nội”.

15 giờ ngày 10/10/1954, còi tại Nhà hát Lớn nổi lên một hồi dài. Đoàn quân nhạc cử Quốc thiều, lá cờ Tổ quốc được kéo lên từ từ theo nhịp khúc quân hành. Lần đầu tiên, lá cờ đỏ sao vàng - cờ Tổ quốc tung bay trên đỉnh “Cột cờ Hà Nội”.

Trải qua thời gian và chiến tranh, nhất là cuộc tập kích bằng máy bay B-52 của Mỹ vào Thủ đô Hà Nội tháng 12/1972, cột cờ Hà Nội sừng sững, hiên ngang, lá cờ Tổ quốc luôn tung bay trong gió, là niềm tin tất thắng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Những địa danh gắn liền với Ngày Giải phóng Thủ đô ảnh 11

Dấu vết thời gian trên Cột cờ Hà Nội. (Ảnh: THẾ ĐẠI)

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (trước đây là Bảo tàng Quân đội) được thành lập ngày 17/7/1956, địa điểm xây dựng Bảo tàng được Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn bên cạnh Cột cờ Hà Nội. Từ đó, Cột cờ Hà Nội là một phần không gian cảnh quan, kiến trúc, nội dung trưng bày của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

“Gần 70 năm quản lý, khai thác Cột cờ Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã bảo đảm nguyên vẹn sự cổ kính, uy nghi của di tích Cột cờ Hà Nội, góp phần xây dựng biểu tượng của Thủ đô anh hùng, ngàn năm văn hiến” - Thượng tá Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cho biết.

SÂN ĐOAN MÔN

Những địa danh gắn liền với Ngày Giải phóng Thủ đô ảnh 12

Sân Đoan Môn. (Ảnh: THẾ ĐẠI)

Cổng Đoan môn là cổng chính, cổng quan trọng nhất dẫn vào Cấm thành Thăng Long, nơi sống và làm việc của các đức vua khi xưa. Phía trước của cổng Đoan môn là một khoảng sân rộng.

Những địa danh gắn liền với Ngày Giải phóng Thủ đô ảnh 13

Một góc sân Đoan Môn. (Ảnh: THẾ ĐẠI)

Sân Đoan môn chính là nơi Binh đoàn Thủ đô và hàng trăm nghìn người dân Thủ đô đã đứng dưới cột cờ để chứng kiến thời khắc lịch sử khi lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên, tung bay trong gió chiều 10/10/1954.

Những địa danh gắn liền với Ngày Giải phóng Thủ đô ảnh 14

Sân Đoan Môn ngày nay. (Ảnh: THẾ ĐẠI)

“Tại sân Đoan môn này, trước đó người Pháp gọi là sân Mangin, sáng 9/10/1954, người Pháp đã làm lễ hạ cờ. Khi ấy trời rất là mưa. Lạ lùng, trời tháng 10 rất ít khi mưa nhưng hôm đó trời đã mưa to. Lễ hạ cờ của người Pháp diễn ra trong một cơn mưa. Sau này, rất nhiều người lính Pháp viết lại trong các hồi ký của mình về buổi rút khỏi thành Hà Nội như thế này: có lẽ nước mắt của người Pháp hòa lẫn trong nước mưa khiến cho nhiều người đã không biết những người Pháp khi rút khỏi đất nước này đã khóc như thế nào” - Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến chia sẻ.

7. NHÀ HÁT LỚN

Những địa danh gắn liền với Ngày Giải phóng Thủ đô ảnh 15

Nhà hát Lớn Hà Nội. (Ảnh: THẾ ĐẠI)

Sau Ngày Giải phóng Thủ đô, Nhà hát Lớn Hà Nội là nơi tổ chức kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa I, kỳ họp đầu tiên trong hòa bình của Thủ đô Hà Nội (ngày 20 đến 26/3/1955).

Đây cũng là nơi người dân Hà Nội treo ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, băng-rôn biểu ngữ và cờ đỏ sao vàng đón chào đoàn quân chiến thắng tiến về Thủ đô.

8. NHỮNG CON PHỐ MÀ ĐOÀN QUÂN GIẢI PHÓNG ĐÃ ĐI QUA

Những địa danh gắn liền với Ngày Giải phóng Thủ đô ảnh 16

Các đơn vị cơ giới của Đại đoàn 308 tiến vào Thủ đô trên đường Kim Mã, sáng 10/10/1954. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Cùng với những địa danh tiêu biểu, rất nhiều con đường của Hà Nội đã ghi dấu của đoàn quân giải phóng tiến vào tiếp quản Thủ đô như:

Đường tiến quân từ phía tây Thủ đô:

Trung đoàn Thủ đô thuộc Sư đoàn 308 đã đóng quân tại Sân vận động Quần Ngựa, nay là Cung thể thao tổng hợp Quần Ngựa nằm trên đường Liễu Giai. Đây chính là chỗ đóng quân của Trung đoàn Thủ đô ở mạn phía Tây.

Đúng 8 giờ sáng 10/10/1954, Trung đoàn Thủ đô xuất phát từ Sân vận động Quần Ngựa, đi đến Kim Mã, đi qua Ô Thanh Bảo, đến Hàng Đẫy lên Cửa Nam, Hàng Bông, Hàng Gai rồi ngoặt về Cửa Đông, tiến vào cửa Bắc Hoàng thành Thăng Long lúc 9 giờ 30phút.

Đường hành quân từ phía nam Thủ đô:

Tại hướng Nam Thủ đô, bộ binh thuộc Sư đoàn 308 đã đóng quân tại khu Đông Dương học xá, hay còn gọi là khu Việt Nam học xá. Ngày nay, tại đây đã xây Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội.

Cũng tại hướng nam, bộ binh, cơ giới và pháo binh của Sư đoàn 308 đã đóng quân tại sân bay Bạch Mai - sân bay được Pháp xây dựng, nay vùng đất đấy chính là bảo tàng Phòng không-Không quân.

Cánh quân phía nam cũng xuất phát từ 8 giờ sáng 10/10, hai trung đoàn bộ binh đóng quân tại Việt Nam học xá tiến quân ra đường Bạch Mai, đi lên Phố Huế.

Đơn vị bộ binh lên Phố Huế và Hàng Bài, sau đó diễu hành quanh bờ hồ Hoàn Kiếm rồi tạt về khu Đấu Xảo, nay là Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt-Xô.

Sau đó, đơn vị bộ binh này của Sư đoàn 308 đã đưa một lực lượng tạt về phía đông và đóng quân tại Đồn Thủy, nay là Bệnh viện 108 và Bệnh viện Việt-Xô.

Còn đơn vị bộ binh, cơ giới và pháo binh xuất phát từ sân bay Bạch Mai cũng đi qua phố Bạch Mai và Ô Cầu Dền, lên phố Huế, Hàng Bài rồi diễu quanh hồ Hoàn Kiếm. Sau đó ngược lên Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Hàng Giấy. Đoàn quân vòng qua vườn hoa Hàng Đậu rồi theo đường Phan Đình Phùng tiến vào cổng thành cửa Bắc Hoàng thành Thăng Long, tiếp quản thành Hà Nội.

70 năm đã trôi qua. Những tên phố, tên đường đã ít nhiều đổi khác. Thế nhưng những câu chuyện về thời khắc lịch sử hào hùng Thủ đô vẫn sẽ được kể như một khúc tráng ca bất diệt.

----------------------

Tổ chức thực hiện: KIỀU HƯƠNG - HỒNG MINH

Nội dung: THANH DUNG

Ảnh: THẾ ĐẠI, Trình bày: ANH CHI

back to top