Giao lưu trực tuyến với các nhân chứng lịch sử Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10

NDO - Chiều 10/10, tại Tòa soạn 71 Hàng Trống, Báo Nhân Dân tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với các nhân chứng lịch sử tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp và công tác tiếp quản Thủ đô ngày 10/10/1954.
Giao lưu trực tuyến với các nhân chứng lịch sử Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10

Chương trình ý nghĩa này diễn ra đúng dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024). Ba nhân chứng lịch sử tham gia buổi giao lưu trực tuyến gồm:

Đại tá Nguyễn Hữu Tài, nguyên Cục Phó Cục Quân huấn, Bộ Tổng tham mưu, từng công tác tại Bộ Tư lệnh Pháo binh, một trong những đơn vị vào tiếp quản Thủ đô ngày 10/10/1954.

Giao lưu trực tuyến với các nhân chứng lịch sử Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10 ảnh 1

Các nhân chứng lịch sử dự giao lưu trực tuyến chụp ảnh lưu niệm cùng phóng viên Báo Nhân Dân tại Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội.

Đại tá Lê Văn Tính từng là chiến sĩ liên lạc của Đại đội trưởng Nguyễn Đình Phòng, Đại đội 238, Trung đoàn Thủ đô (Trung đoàn 102), Đại đoàn quân Tiên phong (Sư đoàn 308). Ông cũng là người được theo Đại đội trưởng về Đền Hùng gặp Bác Hồ nhận nhiệm vụ “Tiếp quản Thủ đô” của Sư đoàn 308 sau Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ông cũng là nhân chứng có mặt trong đoàn quân của Đại đoàn Quân tiên phong tiến về Thủ đô trong ngày 10/10/1954.

Còn một khách mời nữ đặc biệt của chương trình là Trung tá Ngô Thị Ngọc Diệp từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ và được trở về Hà Nội, tham gia biểu diễn văn nghệ dịp Giải phóng Thủ đô.

Giao lưu trực tuyến với các nhân chứng lịch sử Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10 ảnh 2

Trước khi trả lời giao lưu trực tuyến với bạn đọc, các nhân chứng lịch sử tham quan Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội tại tòa soạn Báo Nhân Dân, trò chuyện với các phóng viên. Tại buổi giao lưu trực tuyến với độc giả, các nhân chứng lịch sử chia sẻ ký ức về ngày 10/10/1954 và những cảm xúc trong dịp kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô vào tháng 10 năm nay.

Bạn đọc quan tâm có thể gửi câu hỏi tới chương trình qua email nhandandientutiengviet@gmail.com và fanpage của Báo Nhân Dân.

Bạn đọc

Bạn đọc Hùng Anh (Bắc Ninh):

Thưa bà Ngô Thị Ngọc Diệp, chứng kiến những đổi thay ngày hôm nay của Thủ đô, bà có suy nghĩ và cảm xúc như thế nào và có lời nhắn nhủ gì đến các thế hệ sau?

Trung tá Ngô Thị Ngọc Diệp

Trung tá Ngô Thị Ngọc Diệp:

Tôi vẫn có một lòng tin với thế hệ ngày nay vì họ có điều kiện học hành, được sống trong môi trường hòa bình, và được ở ngay tại Thủ đô văn minh, hiện đại.

Giao lưu trực tuyến với các nhân chứng lịch sử Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10 ảnh 5

Trung tá Ngô Thị Ngọc Diệp, nguyên là diễn viên Đội văn công Đại đoàn Quân tiên phong (Sư đoàn 308).

Tôi mong các cháu chăm chỉ học hành để có trí tuệ, để sau này giúp đất nước sánh ngang với các cường quốc trên thế giới.

Tôi cũng mong các cháu, các em gìn giữ nét đẹp thanh lịch của người Hà Nội.

Bạn đọc

Bạn đọc Lê Thu Hiền, huyện Quế Võ, Bắc Ninh:

Thưa bà Ngọc Diệp, những năm tháng làm văn công trên chiến khu như bà kể có những nhiệm vụ vất vả nhưng cũng rất thú vị. Được biết, vợ chồng bà cũng nên duyên trên chiến trường. Bà có thể chia sẻ một chút về mối nhân duyên đó không?

Trung tá Ngô Thị Ngọc Diệp

Trung tá Ngô Thị Ngọc Diệp:

Vào năm 1954, sau khi về lại Hà Nội, tôi lên Đoàn văn công Tổng cục Chính trị, ông nhà tôi ở Đại đoàn 320, cũng lên đoàn này. Hai chúng tôi cùng được phân công về đội múa. Có nhiều tiết mục chúng tôi được phân múa đôi với nhau, và ông ấy bắt đầu để ý tôi. Khi đó tôi cũng nhận ra và mỗi lần vào múa cùng lại cảm thấy hơi ngượng. Có lúc, anh phụ trách góp ý rằng khi diễn phải giao tiếp với nhau bằng mắt, phải có sự giao lưu với nhau, không được nhìn xuống đất. Có những lúc tôi ngượng nên cứ nhìn vào áo ông ấy, rồi ông ấy đùa rằng “tình cảm gì mà cứ nhìn vào cúc áo”.

Giao lưu trực tuyến với các nhân chứng lịch sử Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10 ảnh 8

Khi ăn cơm, chúng tôi cũng thường ăn cùng mâm, thường là ông ấy tìm đến chỗ tôi để kiếm cớ ngồi cùng. Cứ như vậy mà chúng tôi yêu nhau. Ban đầu, tôi cũng khá ngại vì sợ có khoảng cách, tôi ở Hà Nội, còn ông ấy ở Hải Phòng. Có lúc tôi định chia tay, nhưng nghĩ đến lời mẹ dạy là phải giữ chữ tín. Cho nên, như tôi vừa nói vui với các cháu lúc nãy, tôi là người chỉ yêu và lấy một người.

Về sau, ông nhà tôi thành đoàn trưởng, đi học ở nước ngoài, còn tôi chuyển ngành, đi học Đại học Văn hóa ngành thư viện và về làm việc tại Thư viện Quân đội. Chúng tôi có 2 con, một trai, một gái, cả hai đều có năng khiếu văn nghệ nhưng không theo nghề mẹ.

Bạn đọc

Bạn đọc Nguyễn Anh Đức, quận Cầu Giấy, Hà Nội:

Cháu mong muốn ông chia sẻ những câu chuyện về thời gian tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, đặc biệt là câu chuyện đêm đông cùng đồng đội vượt sông Đà đánh chiếm đồn Pa Lay trong Chiến dịch Tây Bắc năm 1952?

Đại tá Nguyễn Hữu Tài

Đại tá Nguyễn Hữu Tài:

Trong chiến dịch Tây Bắc năm 1932, địch lập một phòng tuyến ngăn chặn quân ta tiến về Sơn La ở bên hữu ngạn sông Đà. Trong đó, có hai vị trí địch đóng một tiểu đoàn, Pa Lay và Bản Hoa. Khi chúng tôi chuẩn bị vượt sông Đà, công binh định bắc cầu phao qua sông nhưng thời điểm đó, nước lũ rất cao, cuốn đứt phăng dây cáp. Nếu chờ công binh lắp cầu phao mất thời gian. Khi đó, cấp trên đã chờ hơn 10 ngày. Nếu chờ lâu hơn nữa, địch củng cố vị trí hơn, và chúng ta càng chờ càng không có đủ lương thực.

Giao lưu trực tuyến với các nhân chứng lịch sử Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10 ảnh 11

Cấp trên chỉ đạo đơn vị tôi bơi qua sông, chiếm đầu cầu bên kia và bao vây địch cho các đơn vị khác đi sang. Tôi vốn là vận động viên bơi lội từ khi còn là học sinh, nên khi đó với nhiệm vụ là quyền chính trị viên tiểu đoàn (do đồng chí chính trị viên đi vắng), đã tập hợp những anh em biết bơi. Trung đoàn trưởng quyết định đơn vị chúng tôi bơi qua sông. Lúc đó, nước chảy rất siết. Tôi dẫn đầu đoàn vượt sông. Khi đó, Chính ủy Trung ương Đoàn gọi chúng tôi là đội thủy quân lục chiến.

Đơn vị sau khi vượt sông, tiến lên bao vây đồn Pa Lay, không cho địch rút chạy, chờ đơn vị khác vượt sông sang đánh đồn. Đơn vị tôi đã tiêu diệt được đồn Pa Lay, bắt sống đại úy - chỉ huy đồn Pa Lay, thu toàn bộ vũ khí. Đó là một chiến công của đơn vị. Sau đó, tôi được đề nghị tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng hai. Sau này, tôi có bài viết “Giữa đêm đông vượt sông Đà đánh chiếm Pa Lay”.

Bạn đọc

Bạn đọc Dương Minh Hà, huyện Kinh Môn, Hải Dương:

Thưa Đại tá Nguyễn Hữu Tài, ông vừa nhắc đến những người bạn chiến đấu, những người đồng đội không còn nữa”. Vậy, ông có thể chia sẻ, điều mà ông tiếc nuối nhất là gì? 

Đại tá Nguyễn Hữu Tài

Đại tá Nguyễn Hữu Tài:

Đồng đội chiến đấu của tôi, kể cả bạn bè, đồng cấp và cấp dưới đều hy sinh nhiều. Ngay cả 2 người công vụ của tôi cũng hy sinh trong chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Tôi coi những người công vụ của tôi như anh em ruột thịt. Chúng tôi luôn cùng nhau chia ngọt sẻ bùi.

Giao lưu trực tuyến với các nhân chứng lịch sử Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10 ảnh 14

Đại tá Nguyễn Hữu Tài, nguyên Cục Phó Cục Quân huấn, Bộ Tổng tham mưu, từng công tác tại Bộ Tư lệnh Pháo binh.

Còn nhớ ngày đi chiến trường ở Đông Nam bộ, đồng chí công vụ của tôi mắc sốt rét ác tính, thập tử nhất sinh. Tôi được bồi dưỡng mấy củ sâm, liền đưa hết cho đồng chí đó. Thật may, uống xong, đồng chí đó tỉnh lại.

Thế nhưng sau đó, trong một lần bom B52 đánh trúng hầm, đồng chí ấy đã hy sinh. Sau này, ra bắc, tôi cũng cố gắng đi tìm gia đình đồng chí đó mà không tìm được. Đấy là một trong những điều làm tôi tiếc nuối.

Bạn đọc

Độc giả Lại Văn Ninh, Yên Mô, Ninh Bình:

Xin hỏi Trung tá Ngô Ngọc Diệp, cháu đọc báo được biết, bà cùng đồng đội đã từng nhận nhiệm vụ may lá cờ Quyết chiến Quyết thắng trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Xin bà có thể chia sẻ đôi lời về kỷ niệm đó?

Trung tá Ngô Thị Ngọc Diệp

Trung tá Ngô Thị Ngọc Diệp:

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ngoài việc biểu diễn, tôi và anh Phùng Đệ- là chiến sĩ trong đội cảm tử duy nhất hiện còn sống - còn được cấp trên giao cho may lá cờ Quyết chiến quyết thắng, khi đó địa phương chưa chuẩn bị kịp.

Ban Tuyên huấn đưa cho chúng một miếng vải đỏ để tự may cờ. Chúng tôi dùng băng cá nhân để cắt và khâu hình ngôi sao. Khi đi chiến dịch, mỗi người thường được phát một cuộn băng cá nhân để băng bó nếu bị thương. Chúng tôi đem cuộn băng nhuộm ký ninh là thuốc sốt rét có màu vàng sau đó cắt và khâu lại thành ngôi sao. Chúng tôi cắt và nhuộm cả chữ Quyết chiến quyết thắng. Tua rua của cờ làm bằng vải dù, cũng nhuộm vàng từ thuốc ký ninh.

Giao lưu trực tuyến với các nhân chứng lịch sử Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10 ảnh 17

Một đơn vị của Trung đoàn Thủ đô với lá cờ 'Quyết chiến, quyết thắng' của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng tham dự Lễ chào cờ đầu tiên trong Ngày giải phóng Thủ đô, diễn ra tại sân Cột Cờ (nay là Đoan Môn-Hoàng thành Thăng Long) vào lúc 15 giờ ngày 10/10/1954. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Hai năm gần đây tôi mới được biết, anh Quý Hiển ở trung đoàn chúng tôi chính là người cầm lá cờ và cắm lá cờ khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc. Anh Quý Hiển kể lại, trong chiến dịch, người ta coi cái chết nhẹ như lông hồng. Có những người lính khi gặp anh đã đưa sổ nhờ anh ghi lại bài hát để về hát khiến anh rất xúc động. Ở nơi sống chết, người ta vẫn lạc quan, nghĩ đến ngày trở về và muốn được hát lên trong thời khắc trở về ấy.

Bạn đọc

Bạn đọc Phương Anh (Hải Phòng):

Cháu xin được hỏi Đại tá Nguyễn Hữu Tài. Thưa ông, sau tiếp quản thủ đô, việc xây dựng lực lượng pháo binh tại đơn vị của ông được triển khai như thế nào?

Đại tá Nguyễn Hữu Tài

Đại tá Nguyễn Hữu Tài:

Sau tiếp quản thủ đô, lực lượng pháo binh có: Trung đoàn 105, Trung đoàn Sơn pháo 675, Trung đoàn cao xạ 37 ly. Sau đó đến năm 1955, chúng ta phát triển ra 3 Sư đoàn pháo, sau đó rút thành Lữ đoàn pháo.

Giao lưu trực tuyến với các nhân chứng lịch sử Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10 ảnh 20

Đại tá Nguyễn Hữu Tài trải nghiệm công nghệ thực tế ảo tăng cường tại Báo Nhân Dân.

Lúc đó, tôi là Trưởng Ban Tuyên huấn, Bộ tư lệnh Pháo binh. Nhiệm vụ của tôi là theo dõi tình hình tư tưởng, kỷ luật của bộ đội, truyền đạt những chỉ thị, nghị quyết của Đảng ủy cấp trên xuống các đơn vị.

Bạn đọc

Độc giả Bảo Nam, Phủ Lý, Hà Nam:

Xin hỏi Đại tá Lê Văn Tính, những ngày tháng 10 lịch sử này, cá nhân bác cảm thấy như thế nào?

Đại tá Lê Văn Tính

Đại tá Lê Văn Tính:

Từ 10 ngày qua, tôi luôn cảm thấy phấn khởi. Dù phải đi nhiều nơi, nói chuyện nhiều, nhưng vẫn rất rộn ràng. Mà không phải đợi đến tháng 10, trước đó, dịp Kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ, khi tôi ra đường, bà con ở tổ dân phố đã vẫy tay và nói: "Chào chiến sĩ Điện Biên". Chúng tôi, những cựu chiến binh, cảm thấy được trân trọng và tôn vinh khi sự cống hiến của mình đã được ghi nhận.

Giao lưu trực tuyến với các nhân chứng lịch sử Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10 ảnh 23

Đại tá Lê Văn Tính chia sẻ cảm xúc trong những ngày tháng 10 lịch sử.

Bạn đọc

Bạn đọc Nguyên Anh (Nam Từ Liêm, Hà Nội):

Cháu muốn đặt câu hỏi tới Đại tá Lê Văn Tính. Theo bác, điều gì làm nên sức hút của Hà Nội, Thủ đô ngàn năm văn hiến?

Đại tá Lê Văn Tính

Đại tá Lê Văn Tính:

Giao lưu trực tuyến với các nhân chứng lịch sử Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10 ảnh 26

Đại tá Lê Văn Tính, nguyên chiến sĩ Đại đội 238, Trung đoàn Thủ đô (Trung đoàn 102), Đại đoàn Quân tiên phong (Sư đoàn 308), nguyên cán bộ Quân chủng Phòng không-Không quân.

Tôi nghĩ có 3 yếu tố chính.

Thứ nhất, Hà Nội là nơi có lịch sử cả ngàn năm. Người Hà Nội có nền nếp, đạo đức và lối sống riêng.

Thứ hai, đời sống của Hà Nội đang ngày càng văn minh, hiện đại.

Và cuối cùng, Hà Nội cũng phát triển nhanh, mạnh mẽ, từ kinh tế-chính trị tới văn hóa; đặc biệt là nhân dân phát triển được tư duy và tầm nhìn.

Bạn đọc

Bạn đọc Hoàng Trọng Quang, quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh:

Vậy cháu xin hỏi bác Nguyễn Hữu Tài, sau ngày tiếp quản Thủ đô, ông phải đảm nhiệm nhiệm vụ gì, và các chiến sĩ ta cần thực hiện nhiệm vụ nào ở vùng mới giải phóng?

Đại tá Nguyễn Hữu Tài

Đại tá Nguyễn Hữu Tài:

Khi đó, tôi làm nhiệm vụ Trưởng Ban Tuyên huấn của Bộ Tư lệnh Pháo binh, không phải làm việc trực tiếp với nhân dân. Nhiệm vụ chính là triển khai những chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đến các đơn vị pháo binh và theo dõi việc thực hiện các chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước và quân đội đối với nhân dân ở vùng mới giải phóng.

Giao lưu trực tuyến với các nhân chứng lịch sử Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10 ảnh 29

Việc đầu tiên, khi tiếp quản Thủ đô là tôi và đồng đội muốn ra Bờ Hồ để nhìn lại những kỷ niệm xưa. Những hình ảnh tiêu biểu thời đó là hồ Hoàn Kiếm, Tháp Rùa với đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc.

Một kỷ niệm khá sâu sắc khi đó là bộ đội phải tuân theo kỷ luật không được ăn uống, không được mua bán trong vùng mới giải phóng. Chúng tôi đi ra Bờ Hồ, cũng khát nước và ngồi ở trên ghế đá nghỉ ngơi, một cháu bán kem xách kem chạy lại mời các chú bộ đội mua kem. Mặc dù 8 năm chưa biết kem là gì, rất thèm nhưng chúng tôi cũng không dám mua và không dám ăn để thể hiện tinh thần chấp hành đúng kỷ luật khi vào thành.

Một kỷ niệm nữa, trước khi vào thành, tất cả mọi cán bộ, chiến sĩ phải học 10 điều kỷ luật và 8 chính sách với vùng giải phóng, để đồng bào hiểu rõ bộ đội ta khác với các lực lượng chiếm đóng khác, rất nghiêm túc, rất thân ái với đồng bào, gần gũi với nhân dân và không vi phạm kỷ luật.

Công việc sau tiếp quản của tôi là theo dõi tình hình hằng ngày của bộ đội xem đời sống, sinh hoạt, tiếp xúc với nhân dân như thế nào. Hằng ngày phải có báo cáo lên Tổng cục Chính trị về các hoạt động của quân đội khi ở trong thành phố. Tinh thần kỷ luật rất nghiêm và cũng là kỷ luật rất tự giác. Điểm hay của bộ đội là công tác giáo dục chính trị, giáo dục tư tưởng xuyên suốt từ đầu các chỉ thị, ý định cấp trên.

Bạn đọc

Bạn đọc Bảo Minh, Hà Nam:

Cháu xin hỏi bác Lê Văn Tính, sau buổi gặp gỡ lịch sử với Bác Hồ, nhiệm vụ tiếp theo của các bác là gì?

Đại tá Lê Văn Tính

Đại tá Lê Văn Tính:

Sau buổi gặp này, chúng tôi trở về và được học về cách thức dân vận, học pháp lệnh quân quản để chuẩn bị cho ngày tiến về Thủ đô.

Sát ngày lịch sử, chúng tôi còn được phát mỗi người một bộ quần áo mới. Chỉ có quần áo mới thôi, còn mũ thì phải dùng lại mũ cũ. Do tôi người nhỏ nên mặc bộ quần áo được phát gần như lọt thỏm. Ngoài ra, anh em còn được phát thịt hộp nữa.

Giao lưu trực tuyến với các nhân chứng lịch sử Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10 ảnh 32
Đại tá Lê Văn Tính, nguyên chiến sĩ Đại đội 238, Trung đoàn Thủ đô (Trung đoàn 102), Đại đoàn Quân tiên phong (Sư đoàn 308), nguyên cán bộ Quân chủng Phòng không-Không quân.

Sau khi tiến vào Hà Nội, chúng tôi bắt đầu làm nhiệm vụ quân quản. Thực tế lúc này, địch cũng dùng nhiều luận điệu để làm lung lạc tinh thần nhân dân ta. Chúng tôi chia nhau thành từng tổ 3 người, vào từng nhà hỏi thăm sức khỏe, nói chuyện, giải đáp những vướng mắc cho nhân dân.

Thực hiện lời căn dặn của Bác, chúng tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ Bác giao, và đơn vị chúng tôi được khen thưởng, riêng tôi và một số đồng chí trong Sư đoàn được Bác tặng Huy hiệu của Người - một phần thưởng vô cùng quý giá".

Bạn đọc

Bạn đọc Trần Hạnh Ngân, huyện Hạ Hòa, Phú Thọ::

Thưa bác Diệp, cháu muốn hỏi khi trở về Hà Nội sau ngày giải phóng, bác có được hưởng niềm vui đoàn tụ cùng gia đình luôn không và có cơ hội ghé thăm nhà không? Kỷ niệm đáng nhớ nhất của bác những ngày tham gia văn công trên chiến khu là gì ạ?

Trung tá Ngô Thị Ngọc Diệp

Trung tá Ngô Thị Ngọc Diệp:

Vào thời điểm đó, tôi vẫn phải đóng quân ở đơn vị bởi bố mẹ mình chưa trở về. Tôi ở trong đơn vị và chờ bố mẹ tôi từ vùng sơ tán trở về rồi đến cuối tuần mới trở về nhà. Sau khi bố mẹ về Hà Nội, cuối tuần nào, anh chị em chúng tôi cũng từ nơi đóng quân về nhà với bố mẹ.

Giao lưu trực tuyến với các nhân chứng lịch sử Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10 ảnh 35

Nói về kỷ niệm sâu đậm nhất trong những năm tháng tham gia văn công, tôi nghĩ rằng, là văn công của Đại đoàn cho nên luôn gắn liền với Đại đoàn. Khi bộ đội ra thao trường từ 4 giờ sáng, chúng tôi cũng phải ra cùng. Khi bộ đội nghỉ trên thao trường, chúng tôi hát cho họ nghe. Ra thao trường để chúng tôi có cảm xúc khi diễn và có tình cảm với bộ đội nhằm thể hiện tốt trong các tiết mục, nhất là kịch nói.

Khi trình diễn, chúng tôi thường để mặt mộc không trang điểm, chỉ hóa trang khi đóng nhân vật, thí dụ kẻ địch, hoặc bà cụ già. Trong một vở kịch, anh diễn viên đóng vai nhân vật tướng Navarre khi thua trận phải khóc. Chi tiết này khiến bộ đội rất thích, vì thấy quân địch thua và cách thể hiện hài hước, làm chúng tôi nhớ mãi.

Giao lưu trực tuyến với các nhân chứng lịch sử Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10 ảnh 36

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi còn nhớ, lúc bộ đội đào hào ban đêm, ban ngày ra hầm trú ẩn, đơn vị cử 2, 3 văn công đến hát, kể chuyện hoặc mang họa báo cho bộ đội xem. Đó là những ấn tượng lớn nhất khi chúng tôi phục vụ chiến dịch.

Bạn đọc

Độc giả Nguyễn Sơn Bách (Nam Định):

Cháu xin đặt câu hỏi tới bác Đại tá Lê Văn Tính. Theo cháu biết, công tác tiếp quản Thủ đô đặt ra nhiều yêu cầu rất cao. Xin bác chia sẻ cụ thể hơn về những yêu cầu khắt khe trong nhiệm vụ đặc biệt ngày ấy?

Đại tá Lê Văn Tính

Đại tá Lê Văn Tính:

Một tháng trước ngày về tiếp quản Thủ đô, tôi may mắn được gặp Bác Hồ ở Đền Hùng. Đó là khi Chiến dịch Điện Biên Phủ vừa kết thúc, tôi theo Đại đội trưởng Nguyễn Đình Phòng (Đại đội 238, Trung đoàn Thủ đô) từ Thái Nguyên về Phú Thọ. Khi đó, tôi cũng không biết sẽ đi đâu, bởi có lệnh là lên đường.

Từ Chợ Châu (Thái Nguyên) chúng tôi bắt đầu di chuyển. Khi về tới Đền Hùng thì đã gần sáng. Chúng tôi vào đến sân Đền Giếng thì bất ngờ thấy Bác Hồ đi từ bên trong ra. Lúc đó, tôi mới biết mình được gặp Bác.

Bác Hồ bước ra như một ông tiên. Người mặc một bộ quần áo giản dị màu nâu bạc, bên ngoài khoác một chiếc áo cũng màu trắng. Bác vẫy tay chào và bảo chúng tôi ngồi xuống cả đây. Nói rồi, Người cũng ngồi xuống bậc hè.

Tôi không nhớ hết những câu nói của Bác khi đó, nhưng vẫn nhớ một số câu. Bác hỏi: “Các chú có biết đây là nơi nào không?”, một số anh em thưa: “Thưa Bác, đây là Đền Hùng ạ!”.

Ngay sau đó, Bác ân cần nói: “Đúng. Các Vua Hùng có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước… Tám, chín năm nay, nhờ quân dân ta kiên quyết kháng chiến nên mới có thắng lợi hôm nay để trở về Hà Nội. Vì thế, các chú được Trung ương Đảng và Chính phủ giao cho nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô chính là một vinh dự lớn”.

Bác cũng ân cần căn dặn: “Khi vào tiếp quản Thủ đô, các chú phải hết sức đề phòng âm mưu phá hoại của địch, đấu tranh giữ được nguyên vẹn điện, nước, bệnh viện, trường học, nhà cửa, đường xá… để ta dùng. Các chú phải luôn giữ nghiêm kỷ luật, giữ gìn phẩm chất cách mạng… Trong chiến tranh xông pha lửa đạn không chết vì viên đạn đồng, trong hòa bình nếu không giữ được phẩm chất cách mạng có thể ngã vì viên đạn bọc đường… “. Mãi cho tới sau này, tôi mới hiểu "viên đạn bọc đường", đặc biệt là đối với người cán bộ bây giờ thì viên đạn ấy nó nguy hiểm như thế nào.

Bác cũng lưu ý chúng tôi cần phải đoàn kết với nhau, đoàn kết với nhân dân. Cái gì không biết thì hỏi dân. Nhiệm vụ cao nhất là hoàn thành nhiệm vụ, tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ chủ trương đường lối của Đảng, chính sách quy định của Nhà nước, phản bác những luận điệu sai trái phản động của kẻ thù.

Giao lưu trực tuyến với các nhân chứng lịch sử Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10 ảnh 39

Đại tá Lê Văn Tính, nguyên chiến sĩ Đại đội 238, Trung đoàn Thủ đô (Trung đoàn 102), Đại đoàn Quân tiên phong (Sư đoàn 308), nguyên cán bộ Quân chủng Phòng không-Không quân.

Kết thúc buổi nói chuyện, Bác hỏi: “Nhiệm vụ như thế, các chú có làm được không”. Tất cả anh em đều đứng dậy hứa hoàn thành nhiệm vụ và chúc Bác mạnh khỏe, sống lâu. Bác cười đôn hậu: “Được, muốn Bác vui khỏe sống lâu các chú hãy hoàn thành lời Bác căn dặn”. Sau đó, bộ đội vỗ tay hân hoan tiễn Bác.

Bạn đọc

Bạn đọc Nguyễn Anh Đức, quận Cầu Giấy, Hà Nội:

Xin ông chia sẻ những câu chuyện về thời gian tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, đặc biệt là câu chuyện đêm đông cùng đồng đội vượt sông Đà đánh chiếm đồn Pa Lay trong Chiến dịch Tây Bắc năm 1952.

Đại tá Nguyễn Hữu Tài

Đại tá Nguyễn Hữu Tài:

Giao lưu trực tuyến với các nhân chứng lịch sử Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10 ảnh 42
Đại tá Nguyễn Hữu Tài, nguyên Cục Phó Cục Quân huấn, Bộ Tổng tham mưu, từng công tác tại Bộ Tư lệnh Pháo binh.

Trong Chiến dịch Tây Bắc năm 1932, địch lập một phòng tuyến ngăn chặn quân ta tiến về Sơn La ở bên hữu ngạn sông Đà. Trong đó, có 2 vị trí địch đóng một tiểu đoàn là Pa Lay và Bản Hoa.

Khi chúng tôi chuẩn bị vượt sông Đà, công binh định bắc cầu phao qua sông. Nhưng nước lũ cuốn đứt phăng dây cáp. Nếu chờ công binh lắp cầu phao thì sẽ mất nhiều thời gian, phải chờ trên 10 ngày. Mà nếu chờ vậy, địch đồng thời sẽ có thời gian để củng cố vị trí, hơn nữa càng chờ càng không có đủ lương thực do không có gạo tiếp tế.

Đơn vị của tôi nhận nhiệm vụ bơi qua sông, chiếm đầu cầu bên kia và bao vây địch cho các đơn vị khác đi sang. Lúc đó, tôi là quyền Chính trị viên Tiểu đoàn, có nhiệm vụ tập hợp những anh em biết bơi để bơi qua sông. Khi còn là học sinh, tôi đã là vận động viên bơi lội nên tôi được giao nhiệm vụ này. Dù hôm đó nước sông chảy siết, Trung đoàn trưởng vẫn quyết định lệnh cho chúng tôi phải bơi qua sông.

Tôi dẫn đầu đoàn vượt sông ngày ấy. Chính ủy Trung ương Đoàn gọi chúng tôi là: Đội thủy quân lục chiến. Lúc đó, trời thì rét, mà chúng tôi phải cởi quần áo ra để bơi qua sông. Nên tôi đã từng có bài viết: Giữa đêm đông vượt sông Đà đánh chiếm Pa Lay.

Đơn vị của tôi sau khi vượt sông, tiến lên Pa Lay bao vây, không cho địch rút chạy, và chờ các đơn vị khác vượt sông sang đánh. Đơn vị tôi đã tiêu diệt được đồn Pa Lay, bắt sống Đại úy – Chỉ huy đồn Pa Lay, thu được toàn bộ vũ khí. Đó là một chiến công của đơn vị, trong đó có tôi. Sau đó, tôi được đề nghị tặng Huân chương Chiến công hạng 2.

Bạn đọc

Bạn đọc Trần Lê Hải Minh, quận Long Biên, Hà Nội:

Cháu xin hỏi Đại tá Nguyễn Hữu Tài, xin ông cho biết trước ngày tiếp quản Thủ đô, ông công tác ở đơn vị nào và đảm nhiệm nhiệm vụ gì?

Đại tá Nguyễn Hữu Tài

Đại tá Nguyễn Hữu Tài:

Trước khi tiếp quản Thủ đô, tôi là Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 209, Đại đoàn 312. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng tôi lập chiến công lớn nên được tặng cờ thi đua “Quyết chiến, quyết thắng” của Bác Hồ vì đơn vị chúng tôi trong suốt chiến dịch đã hoàn thành tất cả mọi nhiệm vụ cấp trên giao cho, đánh thắng nhiều trận lớn, trong đó, có trận tiêu diệt Him Lam cùng với Trung đoàn 141; tiêu diệt đồi D trong trận đánh lần hai (dãy đồi phía đông, cao nhất tại Điện Biên Phủ - bây giờ đặt Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ). Tôi được cử xuống một tiểu đoàn, tổ chức chiến đấu phòng ngự ở đồi D gần một tháng trời, đánh bại nhiều cuộc phản kích của địch, giữ vững trận địa.

Giao lưu trực tuyến với các nhân chứng lịch sử Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10 ảnh 45

Đại tá Nguyễn Hữu Tài.

Trận cuối cùng là tiêu diệt cứ điểm 507 trong cụm cứ điểm Elian của địch, ngay trên sân cách cầu Mường Thanh khoảng 100m. Do đó, đơn vị đã thừa thời cơ tiến thẳng vào Sở Chỉ huy của địch là hầm của tướng De Castries và bắt sống tướng De Castries. Đó là chiến công của đơn vị trước giải phóng Thủ đô.

Sau đó, tôi được điều lên biên giới ở Cao Bằng để tiếp nhận vũ khí viện trợ. Sau khi tiếp nhận vũ khí, tôi giao cho đơn vị khác. Bộ Tư lệnh Pháo binh của tôi cùng Đại đoàn 308 nhận nhiệm vụ về tiếp quản Thủ đô. Nhiệm vụ tiếp theo cuối năm 1954, chúng tôi đóng quân ở những vị trí chung quanh Hà Nội.

Giao lưu trực tuyến với các nhân chứng lịch sử Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10 ảnh 46

Đại tá Nguyễn Hữu Tài giới thiệu tư liệu chiến đấu với phóng viên của Báo Nhân Dân điện tử.

Bạn đọc

Bạn đọc Nguyễn Hà Nam (Hoàn Kiếm, Hà Nội):

Cháu xin hỏi Đại tá Nguyễn Hữu Tài. Xin ông chia sẻ đôi chút về suy nghĩ và cảm xúc của mình, với tư cách là người đã chứng kiến Thủ đô được giải phóng và phát triển như thế nào. Ông có gửi gắm điều gì cho thế hệ trẻ hiện nay không?

Đại tá Nguyễn Hữu Tài

Đại tá Nguyễn Hữu Tài:

Giao lưu trực tuyến với các nhân chứng lịch sử Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10 ảnh 49
Đại tá Nguyễn Hữu Tài, nguyên Cục Phó Cục Quân huấn, Bộ Tổng tham mưu, từng công tác tại Bộ Tư lệnh Pháo binh.

Mỗi lần ra phố, ngắm nhìn thành phố thân yêu, được đi đến nơi mình từng sống, nơi từng đi qua, tôi cảm thấy tự hào vô cùng. Tôi luôn tin rằng thành phố Hà Nội nhất định sẽ ngày càng mở rộng, ngày càng đẹp, ngày càng văn minh.

Cuộc sống của người dân hiện nay khác hẳn ngày xưa, cách đây 70 năm. Ngày xưa, chỉ cần đi qua Cầu Giấy đã thấy những ngôi nhà lụp xụp, ổ chuột. Chỉ đến ngay đến chỗ Thái Hà cũng thấy khác nhiều. Bây giờ, thành phố mở rộng hơn, đẹp đẽ hơn, sáng sủa, sạch sẽ hơn và cuộc sống thay đổi tốt hơn rất nhiều.

Tôi là người từng sống, từng biết Hà Nội những ngày trước khi kháng chiến và sau khi kháng chiến trở về, nên cảm nhận được niềm tự hào vô cùng lớn về đất nước, về thủ đô của ta. Hà Nội xứng đáng là một thủ đô anh hùng, thủ đô hòa bình, thủ đô văn hiến. Con người, trình độ văn hóa, trình độ học thức của người dân ngày một tăng cao, nhiều trường đại học được mở ra. Tôi cảm nhận được sự tiến lên ngày càng chắc chắn của thủ đô.

Tôi nghĩ, mỗi thế hệ đều có nhiệm vụ khác nhau. Nhiệm vụ của chúng tôi là chiến đấu, giải phóng thủ đô, giải phóng đất nước. Giờ đây, tôi tin thế hệ trẻ ngày càng có học thức, có trình độ cao hơn về công nghệ và mọi mặt nên nhất định có thể đưa đất nước ngày càng phát triển, tiến bằng với các nước phát triển trên thế giới.

Tôi nhớ rất rõ câu nói của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ và tiềm lực như ngày hôm nay”. Vì thế, tôi tin 20-30 năm nữa, chúng ta sẽ có cuộc sống phát triển, tương đương với các nước phát triển trên thế giới hiện nay.

Đây là khát vọng rất lớn của nhiều thế hệ. Và tôi kỳ vọng vào thế hệ trẻ hiện nay sẽ thực hiện được điều đó.

Bạn đọc

Bạn Lê Thu Phương (Hoàng Hoa Thám, Hà Nội):

Cháu muốn đặt câu hỏi cho Trung tá Ngô Thị Ngọc Diệp: Xin kính chào bà Ngọc Diệp, nay bà đã gần 90 tuổi nhưng trông vẫn lưu giữ ró nét xinh đẹp của là người con gái Hà Nội xưa. Cháu xin hỏi, bà phải xa Thủ đô khi còn rất trẻ để lên chiến khu, xin bà chia sẻ đôi chút về cảm xúc của mình trong thời khắc đầu tiên được trở về Hà Nội trong những ngày tiếp quản Thủ đô?

Trung tá Ngô Thị Ngọc Diệp

Trung tá Ngô Thị Ngọc Diệp:

Giao lưu trực tuyến với các nhân chứng lịch sử Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10 ảnh 52

Trung tá Ngô Thị Ngọc Diệp, nguyên là diễn viên Đội văn công Đại đoàn Quân tiên phong (Sư đoàn 308).

Năm 1946, tôi gia nhập quân đội, vào Đại đoàn quân chủ lực tiên phong 308, bộ đội đi đâu chúng tôi theo đấy. Sau này khi về tiếp quản Thủ đô cũng vậy, Đại đoàn đi trước, chúng tôi đi sau.

Chúng tôi sinh ra ở Thủ đô, chỉ được 10 năm đầu đời sống sung sướng vô tư, sau đó là theo gia đình đi kháng chiến. Trong thâm tâm chúng tôi và gia đình luôn luôn sục sôi mong ước đến ngày chiến thắng để được trở về Thủ đô, về với ngôi nhà thân yêu của mình. Ba mẹ tôi cũng mong ước và tin tưởng đến ngày chiến thắng để cho các con trở về và được cắp sách đến trường.

Người Hà Nội thanh lịch, ý nhị, và ở đâu cũng cố gắng để thích nghi với cuộc sống dù khó khăn gian khổ nhất. Những ngày ở trên Chiến khu Việt Bắc, điều kiện sống vô cùng gian khổ, vất vả, ăn sắn, ăn khoai,... Khi quân Pháp nhảy dù ở Phú Thọ, chúng tôi phải rút vào rừng. Nhưng dù khó khăn gian khổ đến đâu, người Hà Nội lúc nào cũng không ngừng mong mỏi và tin tưởng kháng chiến sẽ thành công. Tôi thấy ai cũng yêu nước, yêu Thủ đô, đó là tinh thần chung. Nhưng riêng người Hà Nội thì có một tình yêu thật đặc biệt đối với Hà Nội.

Ngày chiến thắng trở về, tôi cảm thấy thật hạnh phúc và tự hào. Trong một bài hát do anh Nguyễn Thành, nhạc sĩ trong Đoàn tôi sáng tác vào đêm bộ đội qua cầu rút khỏi Thủ đô, tinh thần ấy cũng được thể hiện rất rõ.

Gia đình tôi có 5 chiến sĩ Điện Biên: anh cả, chị dâu, chị gái, anh rể, và tôi. Đó là niềm vinh dự mà tôi nghĩ chỉ ở trong thời điểm lịch sử đó chúng tôi mới có và mới cảm nhận rõ được. Chúng tôi đã ra đi để kháng chiến, và ngày chiến thắng, người Hà Nội dang tay đón chúng tôi trở về thật nồng ấm.

Bạn đọc

Bạn đọc Lê Xuân Anh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội:

Thưa bác Lê Văn Tính, ngày vào tiếp quản Thủ đô, ấn tượng của bác về người Hà Nội khi ấy như thế nào?

Đại tá Lê Văn Tính

Đại tá Lê Văn Tính:

Trước hết phải nói, quê gốc của tôi không phải ở Hà Nội. Tôi vốn là người Thanh Hóa. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi được bổ sung quân số vào Trung đoàn Thủ đô tại mặt trận Hồng Lếch khi đợt tấn công đầu tiên kết thúc.

Ngày vào tiếp quản Hà Nội, tôi mới là chàng trai 20 tuổi, độ tuổi để ý nhiều. Trong ấn tượng của tôi, Hà Nội ngày ấy bình yên lắm.

Đại tá Lê Văn Tính chia sẻ về tình cảm của người dân trong ngày vui chiến thắng. Video: Trung Hiếu

Sau ngày 10/10/1954, chúng tôi bắt đầu thực hiện nhiệm vụ quân quản. Mỗi tổ bao gồm ba người. Toàn thành phố thực hiện giới nghiêm, nhưng nhà nào cũng mở cửa. Nhân dân đứng bên trong nhìn bộ đội đầy trìu mến.

Tối tối, văn công các tiểu đội sẽ tổ chức múa sạp, múa lụa ở các góc phố, vườn hoa. Nhân dân đổ ra hưởng ứng rất đông.

Ấn tượng sâu sắc nhất có lẽ phải kể đến những cô gái Hà thành mặc áo dài, nền nã, dung dị; và các cháu nhỏ rất ngoan ngoãn, ăn nói thưa gửi, đứng khoanh tay mỗi khi gặp bộ đội.

Giao lưu trực tuyến với các nhân chứng lịch sử Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10 ảnh 55

Đại tá Lê Văn Tính bên Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội của Báo Nhân Dân.

Ấn tượng sâu sắc nhất trong tôi ở thời điểm ấy là người dân. Cách ăn mặc của họ 70 năm trước khá nền nã, dung dị với tà áo dài, dịu dàng, nhẹ nhàng.

Bạn đọc

Bạn đọc Phạm Quang Sơn, thành phố Bắc Giang, Bắc Giang:

Cháu xin hỏi Đại tá Nguyễn Hữu Tài, ông từng chia sẻ luôn mơ về Hà Nội “dáng kiều thơm” và hẹn ngày trở lại. Sinh ra ở Hải Phòng, lên Tây Bắc từ Hà Nội và sau đó lại được trở về Hà Nội trong ngày trọng đại - ngày tiếp quản Thủ đô, cảm xúc của ông như thế nào?

Đại tá Nguyễn Hữu Tài

Đại tá Nguyễn Hữu Tài:

Giao lưu trực tuyến với các nhân chứng lịch sử Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10 ảnh 58

Đại tá Nguyễn Hữu Tài, nguyên Cục Phó Cục Quân huấn, Bộ Tổng Tham mưu chia sẻ các hình ảnh tư liệu do ông sưu tập với phóng viên Báo Nhân Dân.

Trong những đêm hành quân gian khổ, chiến đấu qua các chiến dịch, tất cả mọi người chúng tôi đều “đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”. Tư tưởng, tình cảm, khát vọng trở về Hà Nội của những người ra đi khỏi Hà Nội đều có tâm thế như vậy.

Khi về Hà Nội, chấp hành kỷ luật, giữ vững quan hệ với nhân dân, chấp hành chính sách, nhưng có câu hát của Nguyễn Đình Thi lúc giờ chúng tôi vẫn nhớ: “Bồi hồi chàng trai những đôi mắt nào”. Vậy thì, khi về Hà Nội, chúng tôi đều đi tìm những "đôi mắt nào" ấy.

Đại tá Nguyễn Hữu Tài chia sẻ về "Đôi mắt Hà Nội".

Quả thật, đôi mắt thiếu nữ Hà Nội tuyệt đẹp, long lanh, tình cảm, quyến rũ. Những giờ nghỉ, chúng tôi hay đi qua trường Trưng Vương ở phố Hàng Bài – nơi đó là trung tâm của “những đôi mắt nào” để được ngắm nhìn các thiếu nữ Hà Nội. Đó là sự lãng mạn của thanh niên, của người lính trẻ khi trở về Hà Nội.

Ở chiến khu, chung quanh chúng tôi toàn màu xanh lam, nhưng khi về Hà Nội, chúng tôi thấy đủ các màu sắc rực rỡ, với các tà áo dài xanh, đỏ, tím… của các nữ sinh Trưng Vương, những màu sắc đó vừa lạ lẫm vừa hấp dẫn chúng tôi. Mỗi khi bước lên xe đạp, các thiếu nữ vắt tà áo dài lên qua xe đạp, quyến rũ vô cùng. Đó là tình cảm khi trở về Hà Nội với chúng tôi và hình ảnh đó không bao giờ quên. Thời điểm ấy, chúng tôi còn rất trẻ chưa có vợ con gì.

Bạn đọc

Bạn đọc Nguyễn Thanh Tú, Hà Nội::

Thưa bác Nguyễn Hữu Tài, như bác đã chia sẻ, chúng ta đã có 7 lần Giải phóng thủ đô. Xin bác nói rõ hơn cho chúng cháu hiểu về những thời điểm lịch sử này?

Đại tá Nguyễn Hữu Tài

Đại tá Nguyễn Hữu Tài:

Giao lưu trực tuyến với các nhân chứng lịch sử Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10 ảnh 61

Đại tá Nguyễn Hữu Tài, nguyên Cục Phó Cục Quân huấn, Bộ Tổng tham mưu, từng công tác tại Bộ Tư lệnh Pháo binh.

Theo suy nghĩ của tôi, ngày 10/10/1954 là lần thứ 7 Hà Nội-Thăng Long được giải phóng. Và đây nhất định là lần cuối cùng chúng ta phải tiến hành giải phóng thủ đô vì thủ đô của ta, đất nước của ta từ đó trở đi phát triển bền vững, không có kẻ thù nào có thể xâm phạm Hà Nội nữa.

Tôi xin khái quát về 7 lần Thủ đô được giải phóng như sau:

Ba lần đầu tiên, là thời điểm quân dân Nhà Trần giải phóng Thăng Long khỏi ách xâm lược của quân Nguyên Mông. Giai đoạn này, có những nhân vật lịch sử, vĩ nhân của dân tộc đã để lại câu nói vô cùng quý giá, trở thành di sản văn hóa dân tộc. Thí dụ như Trần Bình Trọng khi bị bắt nói: “Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc”. Trần Quốc Toản có câu: "Phá cường địch, báo hoàng ân"; Trần Hưng Đạo có bài “Hịch tướng sĩ”,...

Năm 1428, Vua Lê Lợi lên ngôi, Nguyễn Trãi với bài “Bình Ngô đại cáo” có câu: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo”.

Lần thứ 5, khi Vua Quang Trung tiến vào thành cũng có câu tả lại: “Đánh chophiến giáp bất hoàn” để nói về không khí của thành Thăng Long khi được giải phóng khỏi ách quân nhà Thanh.

Lần thứ 6, Cách mạng Tháng 8 thành công, ta hoàn toàn giải phóng Thủ đô Hà Nội khỏi sự chiếm đóng của quân Nhật, giành chính quyền về tay nhân dân với câu nói bất hủ của Bác Hồ: “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.

Ngày 10/10/1954, quân ta tiến về tiếp quản Thủ đô Hà Nội, Bác Hồ nói một câu mãi mãi không thể quên với chúng ta sau này: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Đó là những lần giải phóng thủ đô với những câu nói bất hủ của các vĩ nhân.

Bạn đọc

Bạn đọc Đỗ Thị Thúy, địa chỉ 136 Thái Hà, Hà Nội:

Kính thưa Đại tá Nguyễn Hữu Tài, Đại tá Lê Văn Tính, Trung tá Ngô Thị Ngọc Diệp, các bác có thể chia sẻ ký ức ngày 10/10/1954, khi theo đoàn quân trở về tiếp quản Thủ đô? Những cảm xúc của các bác khi đó như thế nào?

Trung tá Ngô Thị Ngọc Diệp

Trung tá Ngô Thị Ngọc Diệp:

Giao lưu trực tuyến với các nhân chứng lịch sử Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10 ảnh 64

Trung tá Ngô Thị Ngọc Diệp.

Tôi sinh ra ở Hà Nội năm 1936, trước đây gia đình ở phố Mã Mây, Hoàn Kiếm. Năm 1946, gia đình tôi theo lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ, cha mẹ tôi dẫn 7 anh em tôi lên Việt Bắc kháng chiến. Cả nhà chỉ có anh cả ở lại tham gia bảo vệ Thủ đô. Sau này anh tôi vào Tổng cục Chính trị làm, trở thành đại tá và cũng là một nhà báo.

Năm 1954, đoàn chúng tôi là đoàn số 2 trở về Hà Nội sau 9 năm kháng chiến. Chúng tôi về Hà Nội tham gia biểu diễn ở nhiều nơi để phục vụ người dân, như Nhà hát Lớn, Khu Đấu xảo sau gọi là Nhà hát Nhân dân xây bằng gỗ, mà ngày nay là Cung văn hóa Hữu nghị Việt-Xô,...

Trung tá Ngô Thị Ngọc Diệp chia sẻ về buổi biểu diễn ấn tượng tại Hà Nội

Buổi biểu diễn đem mà tôi tượng nhất là ở Bờ Hồ. Khi đó chúng tôi dựng một sân khấu lớn ở ngoài trời, có cánh gà, phông hậu. Ban đầu khán giả ngồi phía trước, về sau mọi người xem đông quá, tràn hết cả sang hai bên cánh gà. Chúng tôi phải dỡ hết cánh gà và phông hậu đi để lấy chỗ cho người dân ngồi xem.

Điều này chứng tỏ ánh sáng cách mạng đã đến với người dân và người dân dành nhiều tình cảm cho cách mạng như thế nào.

Bản thân tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Khi tôi rời khỏi Hà Nội là giai đoạn kháng chiến, và khi trở về là không khí chiến thắng tràn ngập khắp nơi, đó là cảm xúc thật hạnh phúc. Tuổi thơ của tôi gắn liền với Hà Nội, sau một thời gian dài đi kháng chiến, ngày trở về tôi đã 18 tuổi, ở tuổi tuổi trưởng thành. Tôi thực sự cảm thấy hạnh phúc vô cùng.

Đại tá Lê Văn Tính

Đại tá Lê Văn Tính:

Trong ký ức của tôi, ngày 10/10 của 70 năm về trước vẫn còn y nguyên. Trước đó, trong một tháng chuẩn bị, chúng tôi được học về pháp lệnh quân quản, cách thức tuyên truyền, dân vận.

Đến sát ngày 10/10/1954, Đại đội 238, Trung đoàn Thủ đô (102), Đại đoàn Quân tiên phong (nay là Sư đoàn 308) được lệnh di chuyển về Phùng (ngoại thành Hà Nội). Đúng 5 giờ sáng ngày 10/10, Đại đội bắt đầu rời làng Phùng, theo Quốc lộ 32 tiến về Hà Nội.

Đoàn quân chúng tôi đi qua khu vực Cầu Diễn, Cầu Giấy. Chung quanh, ruộng lúa đang vào vụ chiêm thơm ngát. Bà con đổ ra đầy hai bên đường, mang theo hoa, biểu ngữ nhiều màu. Người dân thì mong bộ đội về, bộ đội thì mong mau về với Thủ đô. Hai niềm mong đợi ấy gặp nhau nên tình cảm vô cùng khó diễn tả. Có niềm vui mừng, phấn khởi; có nỗi rưng rưng. Thi thoảng, lại có người mang theo hoa, vội vã chạy ra dúi vào tay đoàn quân đến tiến về.

Giao lưu trực tuyến với các nhân chứng lịch sử Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10 ảnh 66

Hà Nội ngày trở về. Ảnh tư liệu TTXVN

Đoàn quân đi qua các đường phố đến Hồ Gươm, về cửa chợ Đồng Xuân. Phố phường đang có lệnh giới nghiêm nhưng nhà nào cũng mở cửa, mọi người đứng trong nhà nhìn bộ đội đi qua với nét mặt thân thiện, gần gũi như mong đợi từ lâu…

Sau khi ăn cơm trưa, chiều cùng ngày, chúng tôi tập trung ở sân Cột Cờ, cùng các đơn vị bạn, nhân dân dự lễ chào cờ. Lúc này, có cả Tổ Quốc tế giám sát thi hành Hiệp định Geneva có mặt.

Đúng 15 giờ ngày 10/10/1954, còi Nhà hát Thành phố vang lên một hồi dài. Tiếng Quốc ca hùng tráng vang lên, cờ Tổ quốc phấp phới bay trên đỉnh cột cờ Hà Nội. Sư đoàn trưởng Vương Thừa Vũ đọc thư Hồ Chủ tịch gửi đồng bào Thủ đô.

Những lời trong thư khiến chúng tôi rất xúc động. Đọc xong, tất cả xúc động cùng hô vang: "Hồ Chí Minh muôn năm!".

Đại tá Nguyễn Hữu Tài

Đại tá Nguyễn Hữu Tài:

Giao lưu trực tuyến với các nhân chứng lịch sử Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10 ảnh 68

Đại tá Nguyễn Hữu Tài, nguyên Cục Phó Cục Quân huấn, Bộ Tổng Tham mưu

Ngày 10/10, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, cho tôi gửi lời chào chiến thắng đến tất cả bà con.

70 năm qua, tôi vẫn bồi hồi xúc động nhớ về ngày tiến về Hà Nội tiếp quản Thủ đô.

Trước lúc ra đi ở Hà Nội năm 1947, nhà thơ Chính Hữu có viết:

"Nhớ đêm ra đi, đất trời bốc lửa

Cả kinh thành nghi ngút cháy sau lưng".

Khi đó, ai ra đi cũng mong ngày về, nhưng không phải tất cả những người ra đi đều có thể trở về. Nhiều người nằm lại ở chiến trường, đặc biệt ở Điện Biên Phủ. Nhiều người bạn của tôi không trở lại.

Vì thế, tôi coi ngày trở về Hà Nội là vinh dự, tự hào, niềm vui bất tận, được thay cho những người đã nằm xuống về Hà Nội và nhận được sự đón tiếp nồng nhiệt của nhân dân. Toàn thành, già trẻ, gái trai, thiếu nữ, nhân dân cầm hoa mặc áo đẹp đẽ đón chào đoàn quân tiến về.

Mặc dù đã 70 năm trôi qua, không khí ngày ấy vẫn rất ấn tượng, sâu sắc trong trí nhớ của chúng tôi.

back to top