Ở huyện Quỳnh Phụ, nhiều người biết đến Nhà giáo ưu tú Mai Thị Bích Nguyện, người có hơn 26 năm gắn bó với ngôi trường tiểu học và trung học cơ sở An Vũ. Vừa làm công tác quản lý, vừa trực tiếp đứng lớp, cô Nguyện có nhiều bứt phá, tìm tòi sáng tạo để nâng cao chất lượng dạy và học. Nhiều năm qua, cô Nguyện vẫn trực tiếp xuống nhà học sinh kiểm tra bài đối với những em học sinh có hoàn cảnh éo le. Sau đó, cô tổ chức cho tất cả giáo viên trong trường đều đặn làm công việc này vào các buổi tối ở những gia đình có bố mẹ đi làm ăn xa, hay khó khăn.
Cô Nguyện trực tiếp mày mò, nghiên cứu và áp dụng nhiều mô hình hay như lớp học thông minh, mô hình sinh thái giáo dục, mô hình giáo án xanh… tạo sự chuyển biến lớn về chất lượng giảng dạy, học tập. Với phần mềm độc quyền mang tên “Từ điển tiếng Việt đồng âm, đồng nghĩa, trái nghĩa” lần đầu có mặt tại Việt Nam, nhà giáo Mai Thị Bích Nguyện đã đoạt giải Nhất Hội thi sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc năm 2013; Giải thưởng của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) và Giải nữ sáng chế xuất sắc nhất năm 2013. Cô vinh dự được nhận Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2014. Từ một trường đứng trong tốp cuối của ngành giáo dục huyện Quỳnh Phụ, hơn 6 năm nay Trường tiểu học và trung học cơ sở An Vũ trở thành hình mẫu của tỉnh Thái Bình trong chuyển đổi số, áp dụng mô hình lớp học thông minh, đổi mới quản lý giáo dục, nâng cao tính tự học của học sinh.
Tháng 6/2022, nhà giáo Mai Thị Bích Nguyện được Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam cùng Chương trình phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam mời làm 1 trong 2 nhân vật chính của Hội thảo chuyên đề “Lãnh đạo nữ truyền cảm hứng”. Từ cuối tháng 8/2022, khi bước sang cương vị mới là Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quỳnh Phụ, cô tâm niệm, còn sức còn cống hiến cho nghề, xây dựng những lớp học hạnh phúc, ngôi trường hạnh phúc, dành những điều tốt đẹp nhất cho học sinh thân yêu.
Các phòng đọc sách trong Thư viện tỉnh Thái Bình luôn kín chỗ, nhất là dịp nghỉ hè hoặc những ngày cuối tuần. |
*Bằng sự đổi mới về phương thức hoạt động, tạo ra nhiều cách tiếp cận cho độc giả, cộng với việc đầu tư cơ sở, vật chất hiện đại, các không gian đọc tại thư viện tỉnh Thái Bình đang ngày càng thu hút bạn đọc thuộc nhiều lứa tuổi tới sinh hoạt, nghiên cứu và học tập. Có được sự thay đổi nhanh chóng này, phải kể đến công sức đóng góp, lên ý tưởng và chỉ đạo thực hiện của chị Lê Thị Thanh, phó Giám đốc Thư viện tỉnh cùng các nữ cộng sự trong đơn vị. Theo chị Thanh, điểm cốt yếu nằm ở cách tiếp cận độc giả, tạo sự gần gũi, thu hút và thân thiện.
Hiện nay, thư viện có tất cả 6 phòng đọc có thể phục vụ cùng lúc khoảng 150 chỗ ngồi, các phòng được thiết kế hiện đại, lắp điều hòa không khí, hệ thống báo cháy tự động… Từ tháng 12/2021, Thư viện tỉnh Thái Bình khai trương phòng đọc dành cho Mẹ và Bé. Đây là mô hình mới, khá thú vị bởi con trẻ không chỉ thụ động đọc sách, mà được thủ thư trực tiếp đọc, kể chuyện tạo ra sự gần gũi, lôi cuốn. Cha mẹ cũng có thể đọc cho con nghe và chơi cùng con với đủ các món đồ chơi thông minh cũng như khu vui chơi nâng cao thể chất. Vào những ngày nghỉ, thường có hơn 300 độc giả tìm đến Thư viện tỉnh Thái Bình. Để phục vụ công chúng, Thư viện mở cửa đón bạn đọc tất cả các ngày trong tuần, riêng thứ bảy và chủ nhật phục vụ cả buổi tối.
Với phương châm “Không để sách nằm một chỗ”, chị Thanh cùng chị em phụ nữ tổ chức luân chuyển sách xuống tất cả thư viện tuyến huyện, xã và bưu điện văn hóa xã; Phối hợp các ban, ngành đưa sách tới các đồn biên phòng ven biển cho cán bộ, chiến sĩ; phối hợp ngành giáo dục giới thiệu sách hè cho thiếu niên, nhi đồng… Thư viện còn đưa sách đến tận cộng đồng dân cư, góp phần duy trì văn hóa đọc cho các thế hệ, nhất là trong giới trẻ hiện nay.
Mô hình “Biến rác thải thành tiền” do Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Kiến Xương phát động nhằm gây quỹ, hỗ trợ trực tiếp những gia đình phụ nữ khó khăn. |
*Ở huyện Kiến Xương (tỉnh Thái Bình) có một mô hình nghe khá lạ, đó là “Biến rác thải thành tiền”. Chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, đã thu được nguồn quỹ hơn 265 triệu đồng để các cấp hội Phụ nữ trên địa bàn làm từ thiện, trực tiếp hỗ trợ những chị em có gia cảnh khó khăn.
Chị Lương Thị Kim Oanh, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Kiến Xương cho biết: Để có kinh phí gây quỹ hỗ trợ phụ nữ và trẻ em nghèo trên địa bàn, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Kiến Xương đã phát động các chi hội tổ chức thực hiện mô hình “Thu gom phân loại và xử lý rác thải tái chế xây dựng quỹ hỗ trợ phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn”. Trong quá trình triển khai, ban đầu cũng có một số cán bộ hội e ngại bởi làm như vậy khác gì đi thu mua đồng nát. Lãnh đạo Hội đã tập trung phân tích, đồng thời phân công các chị trong Ban Thường vụ xuống trực tiếp đi vận động, tuyên truyền các hộ gia đình.
Để biến rác thải thành tiền, chị em phụ nữ ở các xã như Bình Định, Vũ Hòa, Vũ Ninh... thực hiện thu gom rác thải, phế thải vào ngày 14 hằng tháng, gắn với vệ sinh môi trường. Ngoài ra, chị em viết bài tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở; tổ chức quyên góp ngay tại các buổi tập dân vũ ở hội trường thôn. Thậm chí, chị em cất công đến tận những gia đình có việc hiếu, hỷ đặt vấn đề xin thu gom lon bia, chai nước, bìa cát tông... để bán gây quỹ làm từ thiện nhân đạo.
Điển hình như tại xã Thanh Tân, Hội phụ nữ đã vận động được hơn 1.400 hộ dân đóng góp gần 5 tấn phế thải, thu được tổng số tiền 23 triệu đồng. Với số kinh phí này, hội đã tặng 26 suất quà (200.000 đồng/suất) cho hội viên phụ nữ nghèo; đồng thời trao 3 "cặp lá yêu thương" cho 6 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn với số tiền 3,6 triệu đồng.
Chị Đặng Thị Thu, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Thanh Tân cho biết: Mô hình có tác dụng kép. Thứ nhất, chung tay làm sạch môi trường và bên cạnh đó có kinh phí để làm từ thiện. Mô hình “Biến rác thải thành tiền” không chỉ lan tỏa tại Thanh Tân, mà còn được nhân rộng ra toàn địa bàn. Số tiền thu được tính từ đầu năm đến nay đã đạt hơn 265 triệu đồng, là nguồn kinh phí lớn để kịp thời hỗ trợ phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
Bà Nguyễn Thị Phượng, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Thái Bình chia sẻ: Những tấm gương sáng tạo, giàu nghị lực của chị em phụ nữ trên địa bàn góp phần lan tỏa, tạo hiệu ứng tốt cho xã hội. Đồng thời, ngày càng khẳng định vai trò, vị thế của Hội Liên hiệp phụ nữ trong hệ thống chính trị, đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của quê hương, đất nước.