Phụ nữ Việt Nam - những chặng đường vẻ vang

Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII - sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị-xã hội của phụ nữ cả nước. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII - sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị-xã hội của phụ nữ cả nước. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Mở đầu những trang đầu tiên của lịch sử dựng nước và giữ nước, phụ nữ Việt Nam đã khẳng định vị trí, vai trò của mình bằng những chiến tích anh hùng và nhiều dấu ấn đậm nét trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Năm 1930 là mốc son chói lọi đánh dấu sự ra đời của Đảng và cũng là thời điểm Hội phụ nữ chính thức được thành lập với nhiều tên gọi khác nhau. Từ những dấu mốc lịch sử ấy, năm 2010 đến nay, giới nữ nước ta đã có cho riêng mình một "Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10" để tri ân, tôn vinh những công lao to lớn của người phụ nữ Việt, những con người được Bác Hồ tặng 8 chữ vàng: "Anh hùng, Bất khuất, Trung hậu, Đảm đang".

Ngày Phụ nữ Việt Nam ra đời như thế nào?

Ngày phụ nữ Việt Nam 20/10 là 1 dịp đặc biệt nhằm tôn vinh chị em phụ nữ Việt. Đây là ngày gắn liền với lịch sử hình thành của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, tổ chức được ra đời trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hơn 90 năm qua, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã không ngừng phát triển và trở thành 1 tổ chức chính trị-xã hội lớn mạnh, rộng khắp, vận động, tập hợp đông đảo các tầng lớp phụ nữ tham gia tích cực và đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập. Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng ngay từ khi ra đời đã chỉ rõ “Nam nữ bình quyền”. Đảng sớm ghi nhận vai trò to lớn của phụ nữ trong cuộc sống cũng như trong cuộc kháng chiến lâu dài của dân tộc. Phụ nữ phải tham gia các đoàn thể cách mạng (công hội, nông hội) và thành lập tổ chức riêng để lôi cuốn các tầng lớp phụ nữ tham gia cách mạng. Chính vì vậy, Hội nghị thành lập Đảng Cộng Sản diễn ra từ ngày 6/1/1930 đến 8/2/1930, đã quyết định thành lập các tổ chức quần chúng do Đảng lãnh đạo, trong đó có Hội phụ nữ Giải phóng. Ngay sau đó, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ nhất (diễn ra từ ngày 14 đến 31/10/1930) cũng đã thông qua Nghị quyết về Phụ nữ vận động, đồng thời đề ra Điều lệ Phụ nữ Liên hiệp Hội. Sự kiện lịch sử này thể hiện sâu sắc quan điểm của Đảng đối với vai trò của phụ nữ trong cách mạng, đối với tổ chức phụ nữ và sự nghiệp giải phóng phụ nữ.

Tiếp sau đó, trước yêu cầu mới của cách mạng trong các giai đoạn tiếp theo, tổ chức cách mạng của phụ nữ lần lượt được đổi thành Hội Phụ nữ dân chủ, Hội Phụ nữ phản đế, Đoàn Phụ nữ cứu quốc... Đến ngày 3/10/1946, Bộ trưởng Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng đã ký Nghị định cho phép thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Hội chính thức được thành lập gồm nhiều đoàn thể phụ nữ trong đó Đoàn Phụ nữ cứu quốc là tổ chức nòng cốt, hoạt động trong khuôn khổ là 1 tổ chức thành viên của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Ngày 20/10/1946, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam làm lễ ra mắt tại Quảng trường Nhà hát lớn, Thủ đô Hà Nội. Tên gọi Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam được duy trì cho đến ngày nay.

Sau chiến thắng mùa xuân năm 1975, thực hiện Nghị quyết của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc thống nhất các đoàn thể nhân dân, từ ngày 10 đến 12/6/1976, Hội nghị Thống nhất Hội Liên hiệp phụ nữ toàn quốc được tổ chức. Hội nghị đã nhất trí quyết nghị: Thống nhất sự chỉ đạo hoạt động của Hội Liên hiệp phụ nữ trong cả nước trong 1 tổ chức là Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Hội nghị cũng quyết định lấy ngày 20/10/1930 là ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.

Ngày 31/8/2010, Đoàn Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trình Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam xin chủ trương công nhận Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10. Đến ngày 15/10/2010, Ban Bí thư ra thông báo số 382-TB/TW do đồng chí Trương Tấn Sang ký, công nhận Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10. Kể từ đó, ngày 20/10 hàng năm trở thành ngày truyền thống của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và chính thức là Ngày Phụ nữ Việt Nam, nhằm tôn vinh vai trò của người phụ nữ Việt cho những đóng góp của gia đình và xã hội.

Các mốc son lịch sử của phong trào phụ nữ Việt Nam

Mở đầu những trang đầu tiên của lịch sử dựng nước và giữ nước, phụ nữ Việt Nam đã khẳng định vị trí, vai trò của mình bằng những chiến tích anh hùng và nhiều dấu ấn đậm nét trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm, không có thời kỳ nào, phong trào hay cuộc đấu tranh nào không có sự tham gia của người phụ nữ. Với tinh thần “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”, không ít hình ảnh các liệt nữ anh hùng qua các thời đại như Bà Trưng, Bà Triệu, nữ tướng Bùi Thị Xuân, Vợ ba Cai Vàng… đã bước vào trang sử hào hùng vinh quang của dân tộc.

Đến thời kỳ đấu tranh chống thực dân Pháp, phụ nữ tham gia đông đảo vào các phong trào Cần Vương, Đông Kinh Nghĩa Thục với những cái tên nổi tiếng tham gia vào các tổ chức tiền thân của Đảng như: Hoàng Thị Ái, Thái Thị Bôi, Tôn Thị Quế, Nguyễn Thị Minh Khai... Từ năm 1927, những tổ chức quần chúng phụ nữ bắt đầu hình thành và thu hút đông đảo các tầng lớp phụ nữ tham gia như: Công Hội Đỏ, Nông Hội Đỏ, các nhóm tương tế, tổ học nghề và các tổ chức có tính chất riêng của nữ giới.

Năm 1930 là mốc son chói lọi đánh dấu sự ra đời của Đảng và cũng là thời điểm Hội Phụ nữ chính thức được thành lập. Kể từ đây, Hội Phụ nữ đã trở thành địa chỉ đỏ quen thuộc, là nơi tập hợp, dẫn dắt chị em đấu tranh chống quân xâm lược, giành độc lập, tự do. Đó là những “Đội quân tóc dài”, các đội nữ du kích, nữ biệt động với những chiến công hiển hách, những phong trào “Ba đảm đang”, “Phụ nữ 5 tốt”, “Tay cày tay súng, Tay búa tay súng”; là nơi ghi dấu của những người mẹ, người vợ, người con gái đã trở thành chiến sĩ và hậu phương lớn cho chiến trường…

Trong năm 1930, tại Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản từ ngày 6/1 đến 8/2, Hội nghị quyết định thành lập các tổ chức quần chúng do Đảng lãnh đạo, trong đó có Hội Phụ nữ Giải phóng. Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ nhất vào tháng 10/1930 cũng đã thông qua Nghị quyết về Phụ nữ vận động, trong đó đề ra nhiệm vụ phải tổ chức ra các đoàn thể phụ nữ như “Phụ nữ Hiệp hội”. Đồng thời, Trung ương Đảng đã đề ra Điều lệ Phụ nữ Liên hiệp Hội. Có thể nói, Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ nhất đã đánh dấu quá trình hình thành tổ chức Hội đầu tiên của phong trào phụ nữ dưới sự lãnh đạo của Đảng. Từ đây, tổ chức “Phụ nữ Giải phóng” thực hiện đa dạng các phương thức tổ chức, thu hút đông đảo phụ nữ tham gia vào cao trào đấu tranh cách mạng, tuyên truyền, vận động phụ nữ tham gia đấu tranh đòi quyền lợi kinh tế, đòi cải thiện đời sống, chống áp bức của đế quốc phong kiến, trong đó điển hình là Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Vào thời điểm Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, Đảng chủ trương: "Vận động phụ nữ tổ chức các Hội phụ nữ phản chiến, các Hội cứu tế, bảo an… để giúp đỡ nhau, chống đế quốc chiến tranh, đòi hoà bình". Để phù hợp với tình hình, Hội lấy tên là Hội Phụ nữ phản đế. Thực hiện yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong từng giai đoạn, các tầng lớp phụ nữ được tập hợp trong tổ chức “Hội Phụ nữ phản đế”, thành viên của Mặt trận nhân dân phản đế Đông Dương (năm 1939), và “Đoàn Phụ nữ cứu quốc”, thành viên của Mặt trận Việt Minh (năm 1941) để tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, tập hợp và xây lực lượng, chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.

Trong đó, Đoàn Phụ nữ cứu quốc chính thức được thành lập ngày 16/6/1941. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đoàn Phụ nữ cứu quốc đã vận động các tầng lớp phụ nữ gia nhập Mặt trận Việt Minh, gia nhập các đoàn thể cứu quốc đánh Pháp, đuổi Nhật, xây dựng và bảo vệ cơ sở cách mạng. Để gấp rút chuẩn bị cho khởi nghĩa giành chính quyền, phụ nữ đã tích cực tham gia các phong trào đánh Pháp, đuổi Nhật, phá kho thóc giải quyết nạn đói... Hội phụ nữ vận động các hội viên bí mật xây dựng và bảo vệ cơ sở cách mạng. Nhờ vậy, phong trào phụ nữ ngày càng lớn mạnh, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Ngày 3/10/1946, Bộ trưởng Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng đã ký Nghị định cho phép thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Hội chính thức được thành lập gồm nhiều đoàn thể phụ nữ, trong đó Đoàn Phụ nữ cứu quốc là tổ chức nòng cốt, hoạt động trong khuôn khổ là 1 tổ chức thành viên của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Từ ngày 18 đến 29/4/1950, Đại hội Đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ nhất được diễn ra tại Đại Từ, Thái Nguyên (Chiến khu Việt Bắc). Đoàn Phụ nữ cứu quốc hợp nhất với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam thành 1 tổ chức Hội thống nhất, lấy tên là Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các cán bộ cơ quan Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam ở Việt Bắc, tháng 2/1949.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các cán bộ cơ quan Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam ở Việt Bắc, tháng 2/1949.

Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong giai đoạn này đã vận động các tầng lớp phụ nữ tham gia thực hiện nhiều phong trào như: “Diệt giặc dốt”; “Diệt giặc đói”: “Đời sống mới”; Phụ nữ tăng gia sản xuất bảo đảm cho bộ đội “ăn no đánh thắng”. Trong 18 chiến dịch lớn của cả nước, phụ nữ đã đóng góp 9.578.000 ngày công.

Cũng trong giai đoạn này, lực lượng phụ nữ tham gia dân quân du kích ngày càng nhiều. Tiêu biểu là đội “nữ du kích Hoàng Ngân” thu hút 7.365 chị em tham gia. Các chị đã cùng quân dân tỉnh Hưng Yên đánh hơn 1.000 trận, lập chiến công lẫy lừng. Phong trào nữ du kích Hoàng Ngân còn được Bộ Quốc phòng tổng kết kinh nghiệm và nhân rộng điển hình, phổ biến cho các tỉnh trong kháng chiến chống Mỹ ở miền nam và miền bắc… Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, phụ nữ các dân tộc Tày, Thái, Mèo, Dao, Nùng, Hoa, Puộc, Xá… đã tham gia đông đảo. Có thể nói, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã bằng mọi nỗ lực vận động chị em phụ nữ tham gia vào tất cả các lĩnh vực hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ ở miền nam và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc, để đáp ứng yêu cầu cách mạng, ngày 8/3/1961, Hội Liên hiệp phụ nữ Giải phóng miền nam Việt Nam được thành lập với vai trò tập hợp phụ nữ miền nam Việt Nam đoàn kết trên mặt trận giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Tổ chức Hội phụ nữ 2 miền nam-bắc thực hiện những nhiệm vụ, hoạt động phù hợp với từng miền và cùng hướng tới mục tiêu chung là đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng phụ nữ, đánh đuổi đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước. Đồng thời, tổ chức Hội 2 miền phát động phong trào riêng, có tác động lan tỏa và sâu rộng trong các cấp Hội phụ nữ.

Ngày 8/3/1965, nhân kỷ niệm 55 năm Ngày Quốc tế phụ nữ (1910-1965), Đảng, Chính phủ, Bác Hồ dành tặng phụ nữ Việt Nam bức trướng thêu 8 chữ vàng: “Anh hùng, Bất khuất, Trung hậu, Đảm đang”. (Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh)

Ngày 8/3/1965, nhân kỷ niệm 55 năm Ngày Quốc tế phụ nữ (1910-1965), Đảng, Chính phủ, Bác Hồ dành tặng phụ nữ Việt Nam bức trướng thêu 8 chữ vàng: “Anh hùng, Bất khuất, Trung hậu, Đảm đang”. (Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh)

Trong giai đoạn này, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã phát động các phong trào thi đua phù hợp với tình hình thức tế: phong trào thi đua “5 tốt” với các nội dung: đoàn kết sản xuất, tiết kiệm tốt, chấp hành chính sách tốt, tham gia quản lý tốt, học tập chính trị, văn hoá, kỹ thuật tốt, xây dựng gia đình nuôi dạy con tốt; phong trào “Ba đảm đang” với các nội dung: đảm đang sản xuất và công tác, đảm đang gia đình, đảm đang phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu. Phong trào “Ba đảm đang” là bước phát triển mới của phong trào “5 tốt”, trở thành nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam giai đoạn 1965-1975, là một trong những phong trào thi đua có quy mô lớn nhất trong lịch sử Việt Nam thời kỳ hiện đại, trở thành hoạt động nổi bật, tiêu biểu trong lịch sử tổ chức và hoạt động của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và là bộ phận khăng khít của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc.

Sau chiến thắng mùa xuân năm 1975, Hội nghị thống nhất Hội Liên hiệp phụ nữ toàn quốc giữa Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Hội Liên hiệp phụ nữ giải phóng miền Nam Việt Nam họp tại thành phố Hồ Chí Minh tháng 6/1976 quyết định lấy ngày 20/10/1930 là ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.

Đến năm 2010, tại thông báo số 382-TB/TW ngày 15/10/2010 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ban Bí thư đồng ý lấy ngày 20/10 hàng năm là Ngày Phụ nữ Việt Nam, thể hiện sâu sắc quan điểm của Đảng đối với vai trò của phụ nữ và tổ chức phụ nữ trong sự nghiệp cách mạng của đất nước. Kể từ đó, ngày 20/10 hàng năm trở thành ngày truyền thống của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và chính thức là Ngày Phụ nữ Việt Nam.

Theo chỉ đạo của Ban Bí thư, hàng năm, nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam, các tổ chức, đoàn thể và nhân dân có hình thức kỷ niệm phù hợp để phát huy truyền thống tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam, xứng đáng với 8 chữ vàng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” mà Bác Hồ đã ban tặng. Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tiếp tục thực hiện tốt chức năng chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, đoàn kết, tập hợp, vận động phụ nữ phát huy vai trò, thế mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Công tác phụ nữ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và từng gia đình. Do vậy, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể, các tổ chức xã hội thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến phụ nữ và công tác cán bộ nữ để phụ nữ phát huy tinh thần làm chủ, tiềm năng, sức sáng tạo và khả năng đóng góp cao nhất của phụ nữ, góp phần tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để phát triển đất nước.

Phụ nữ Việt Nam - phát triển và hội nhập

Từ khi đất nước bước vào công cuộc Đổi mới đến nay, phụ nữ Việt Nam ngày càng khẳng định được vai trò, vị thế của mình trong xã hội, tham gia tích cực, hiệu quả vào mọi mặt đời sống chính trị-xã hội của đất nước.

Đồng chí Hà Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đánh giá, phụ nữ ngày nay đã ý thức được trách nhiệm và quyền công dân, tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; phát huy ngày càng tốt hơn vai trò chủ thể, tham gia giám sát, phản biện xã hội, đề xuất chính sách, pháp luật. Được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự nỗ lực của bản thân, đội ngũ cán bộ nữ ngày càng trưởng thành, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy, Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp đều tăng so với nhiệm kỳ trước.

Lần đầu tiên kể từ khi đất nước thực hiện công cuộc đổi mới, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội đạt trên 30% (30,26%), tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đều tăng so với nhiệm kỳ trước. Số lượng nữ đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân này là những nhân tố quan trọng trong việc thúc đẩy các chính sách, chương trình, đề án của quốc gia để thực hiện bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề khó khăn đối với phụ nữ.

Bên cạnh đó, có thể nói, chị em phụ nữ vẫn luôn phát huy truyền thống và phẩm chất tốt đẹp, đoàn kết, năng động, nỗ lực vượt khó, sáng tạo, mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển kinh tế, đóng góp đáng kể trong mọi ngành nghề, lĩnh vực; sáng tạo, tự tin, tích cực tham gia cuộc đấu tranh giải phóng phụ nữ, giải phóng dân tộc; góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Phụ nữ cũng là lực lượng quan trọng trong thực hiện các Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, Chương trình Quốc gia khởi nghiệp. Theo số liệu thống kê, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ chiếm 26,5% tổng số doanh nghiệp Việt Nam. Những doanh nghiệp nữ này không những góp phần giải quyết các vấn đề xã hội như giải quyết việc làm cho người dân mà còn góp phần khẳng định chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Đặc biệt, trong tiến trình hội nhập toàn diện của đất nước, phụ nữ trong lực lượng vũ trang và lĩnh vực đối ngoại cũng đã góp phần không nhỏ vào công cuộc bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh đất nước, khẳng định cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín của Việt Nam như 1 thành viên tích cực và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Đảng ta chỉ rõ, nếu giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp mà chưa giải phóng phụ nữ thì cách mạng mới chỉ là một nửa. Trải qua các thời kỳ cách mạng, vị trí, vai trò của phụ nữ luôn được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao. Bác từng nói: "Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ". Trong bản Di chúc bất hủ để lại cho toàn Đảng, toàn dân trước lúc đi xa, Người viết: “Trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, phụ nữ đảm đang đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc, kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là 1 cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”. Phụ nữ đã là một phần không thể thiếu góp vào thành công của cách mạng Việt Nam trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cũng như có những đóng góp quan trọng thúc đẩy sự phát triển của xã hội trong công cuộc xây dựng đất nước, hội nhập quốc tế hiện nay.

Hơn 90 năm qua, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam ngày càng lớn mạnh, với nhiều phong trào thi đua yêu nước sâu sắc và các chương trình, đề án có hiệu quả, tập hợp đông đảo các tầng lớp phụ nữ tham gia vào tổ chức Hội, hướng dẫn phụ nữ phát huy truyền thống tốt đẹp, góp phần xây dựng người phụ nữ Việt Nam ngày càng trưởng thành, có tri thức, sức khoẻ, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hoá, có lòng nhân hậu, quan tâm tới lợi ích xã hội và cộng đồng.

Trong công cuộc đổi mới đất nước, những phẩm chất cao quý của người phụ nữ Việt Nam lại được tiếp tục khẳng định và phát huy mạnh mẽ. Các tầng lớp phụ nữ luôn đoàn kết, năng động, sáng tạo, tích cực thi đua, phấn đấu vươn lên đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước, đã xuất hiện nhiều gương phụ nữ tài năng, điển hình tiêu biểu với những cống hiến xuất sắc trong lãnh đạo quản lý, nghiên cứu khoa học, sản xuất kinh doanh, xoá đói giảm nghèo, xây dựng gia đình hạnh phúc…

Bởi vậy, ý nghĩa ngày 20/10 đang ngày được mở rộng ra. Nếu như trong thời chiến, đó là sự vinh danh vai trò của người phụ nữ trong công cuộc giải phóng đất nước, những con người đã được Bác Hồ tặng 8 chữ vàng: “Anh hùng, Bất khuất, Trung hậu, Đảm đang”. Ngày nay, 20/10 luôn là 1 dịp đặc biệt với tất cả chị em phụ nữ, để chúng ta cùng tôn vinh những người phụ nữ hiện đại, tri thức, năng động, có nhiều đóng góp cho sự phát triển đất nước. Hay đơn giản hơn, đây cũng là dịp để bày tỏ lòng biết ơn đến các bà, các mẹ đã có công ơn nuôi dưỡng, sinh thành, tri ân những đóng góp, hy sinh và tình yêu thương vô bờ bến của người phụ nữ cho gia đình và xã hội./.

Ngày xuất bản: 20/10/2022
Chỉ đạo thực hiện: VIỆT ANH
Tổ chức thực hiện: THẢO LÊ, TRÀ MY
Thực hiện: TRUNG HƯNG
Nguồn tư liệu: Báo Nhân Dân, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam
Ảnh: Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, TTXVN