Người phụ nữ gây dựng du lịch cộng đồng Bản Liền

NDO - Cho đến bây giờ, những hộ dân làm du lịch cộng đồng ở xã Bản Liền, huyện Bắc Hà mỗi khi gặp lại chị đều mừng rỡ như gặp lại người thân lâu ngày, còn với chị, nơi này như một ngôi nhà thứ hai, để thỉnh thoảng “trở về”. Người có được niềm hạnh phúc đó là chị Thái Huyền Nga, từng góp phần đưa những hộ đồng bào Tày từ chưa biết gì đến chỗ làm du lịch cộng đồng ngày càng thành thạo.
0:00 / 0:00
0:00
Chị Thái Huyền Nga cùng các em nhỏ người Phù Lá tại xã Tà Chải, huyện Bắc Hà, Lào Cai.
Chị Thái Huyền Nga cùng các em nhỏ người Phù Lá tại xã Tà Chải, huyện Bắc Hà, Lào Cai.

Xã Bản Liền, huyện Bắc Hà vốn là nơi có lợi thế về phong cảnh, với những cánh ruộng bậc thang trải dài, mùa gặt thì vàng rực, mùa đổ nước lóng lánh, mùa lúa thì mướt xanh, với những dãy núi hùng vĩ nối nhau lô xô dưới nền trời xanh ngắt trong veo, với những bản làng êm ả, còn giữ nguyên vẹn nhiều phong tục, nếp sống lâu năm, và người dân hiền lành, hồn hậu mến khách. Nhưng Bản Liền ít được biết đến, phần vì điều kiện thông tin chưa đầy đủ, ít được quảng bá, người dân chưa biết làm dịch vụ du lịch, phần vì ở gần hai địa điểm quá nổi tiếng là thị trấn Bắc Hà và thị trấn Sa Pa, nên có phần lặng lẽ như một “nàng công chúa ngủ trong rừng”.

Khi đó, chị Thái Huyền Nga là một trong những chuyên gia của Trung tâm Phát triển Kinh tế nông thôn (CRED), phối hợp với các tổ chức quốc tế thực hiện dự án hỗ trợ người dân làm du lịch cộng đồng ở khu vực Lào Cai.

Nhớ lại những ngày đầu tiên lên Bản Liền chọn địa điểm và thuyết phục các hộ dân làm du lịch cộng đồng, chị Nga cho biết, nơi này có phong cảnh tuyệt đẹp, với những dãy núi cao hùng vĩ, thung lũng mướt mát màu xanh của rừng, ngô và những vườn mận, vườn đào, lê, đời sống người dân bản địa lại được giữ nguyên sơ, với mái nhà lợp lá cọ, người Tày ở đây mặc trang phục dân tộc trong mọi sinh hoạt ngày thường, những lễ tục truyền thống trong cộng đồng, trong gia đình còn được giữ nguyên vẹn…, là những đặc điểm lý tưởng để thu hút du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài.

Tuy nhiên, các hộ dân ở đây lại sống khá ổn định với sản xuất nông nghiệp. Tuy không phải nguồn thu nhập cao, nhưng nông nghiệp vốn là ngành sản xuất truyền thống, gần như được truyền qua nhiều thế hệ, từ già đến trẻ đều đã quá quen thuộc với việc chăn nuôi, hái chè, trồng ngô, lúa, trồng cây dược liệu, quanh năm không có mùa nào nghỉ. Tới mức bản thân những người dân Bản Liền đầu tiên mạnh dạn bước sang làm du lịch cũng chưa từng nghĩ rằng mình sẽ làm một công việc khác ngoài lên nương, làm cỏ, làm lúa…

Người phụ nữ gây dựng du lịch cộng đồng Bản Liền ảnh 1

Chị Thái Huyền Nga trải nghiệm dịch vụ giã bánh dày của người Tày tại Forrest Homestay.

Lựa chọn những gia đình đủ điều kiện làm du lịch cộng đồng cũng không phải dễ. Điều đầu tiên là căn nhà phải có quang cảnh chung quanh thật đẹp, như các căn A Binh Homestay, Pin Homestay, Forrest Homestay… đều nhìn ra núi và ruộng bậc thang, Trà Hill Homestay nằm cạnh đồi chè xanh mướt mát, Lập Homestay nằm giữa vườn hồng, mận, Sồ Family Homestay vừa có hướng view núi, vừa có sân cỏ rộng và vườn mận chung quanh… Thứ hai là căn nhà phải đủ rộng để đón được mỗi lần từ 15 đến 20 khách, tương ứng với năng lực phục vụ của chủ nhà. Thứ ba, chủ nhà phải là người có xu hướng tiếp nhận cái mới, hiểu được cách làm dịch vụ, điều không dễ đối với người dân tộc, nhất là những gia đình có nhiều thế hệ sống cùng nhau trong một căn nhà, lại không phải ở trung tâm hay phố thị, nơi dễ tiếp cận với cuộc sống hiện đại hơn…

Năm 2019, dự án khởi động, với các buổi huấn luyện ban đầu và hỗ trợ một phần vốn để các hộ dân sửa nhà, trang bị thêm các loại đồ dùng phục vụ cho du khách. Những buổi tập huấn và cũng là giám sát về cách chuẩn bị, sắp xếp giường, cách nấu ăn, cách phục vụ, vệ sinh… được tổ chức cho các hộ dân tham gia. Ban đầu là giới thiệu lý thuyết, rồi sau đó thực hành phục vụ ngay các đoàn chuyên gia trong nước và nước ngoài đến tập huấn cho họ.

Tưởng chừng mọi việc suôn sẻ, nhưng đến đầu năm 2020, dịch Covid-19 xảy ra, toàn bộ ngành du lịch, dịch vụ đình trệ, và những hộ dân mới chớm bước sang con đường dịch vụ du lịch tại Bản Liền cũng vậy. Chị Thái Huyền Nga kể: “Cũng may, công việc hằng ngày của họ là làm nông, cho nên vẫn có nguồn thu nhập duy trì trong khi chưa thể đón được khách. Chúng tôi muốn động viên để họ có niềm tiếp tục theo dự án mà không bỏ cuộc”. Thời gian đó, cái khó ló cái khôn, chị Nga cùng các đồng nghiệp của mình xây dựng thêm các lớp tập huấn về nấu ăn, tiếng Anh, quảng bá trên mạng xã hội… Đứng lớp là các chuyên gia giàu kinh nghiệm, đầu bếp nhà hàng, khách sạn 4, 5 sao. “Chúng tôi muốn họ có phong cách phục vụ chuyên nghiệp, chỉn chu, nhưng vẫn phải giữ được nét đẹp hồn hậu vốn có của người dân tộc” – chị Nga chia sẻ. Và cũng từ năm 2019 đến nay, thời gian của chị Nga tính bằng “tuần ở Hà Nội, tuần lên Bắc Hà”. Những chuyến đi như con thoi đến với các hộ gia đình ở Bản Liền, ở Bắc Hà đã khiến cho chị Thái Huyền Nga giống như một thành viên trong gia đình, gần gũi và thân thiết.

Vàng Thị Thông, nữ chủ nhân Pin Homestay ở thôn đội 3, xã Bản Liền chia sẻ: “Ở đây chúng em quý chị Nga lắm. Hai năm dịch bệnh, đi lại rất khó khăn, nhưng chị Nga không quản ngại đường xa, vất vả và nhiều thủ tục, vẫn lên với chúng em, mở các lớp tập huấn cho chúng em tranh thủ thời gian bồi dưỡng thêm. Chị Nga còn mời được cả chuyên gia từ trong Huế ra chỉ dạy cho các hộ làm homestay ở đây. Mọi người ở đây ai cũng yêu quý chị Nga và coi chị như người trong gia đình” - Lý Vần Sồ, chủ nhân Sồ Family Homestay chia sẻ.

Người phụ nữ gây dựng du lịch cộng đồng Bản Liền ảnh 2

Chị Thái Huyền Nga tại một hộ làm nón truyền thống ở Bản Liền.

Những nỗ lực của cả chị Thái Huyền Nga và các hộ làm du lịch cộng đồng Bản Liền đã bước đầu có quả ngọt. Những khoảng thời gian xen giữa các đợt dịch lớn phải hạn chế di chuyển, tiếp xúc, đã bước đầu có những khách du lịch trong địa bàn tìm đến với Bản Liền. “Những dịp nghỉ lễ đầu năm, chúng em đã bắt đầu đón khách, chủ yếu từ Lào Cai hoặc Bắc Hà sang” – Vàng Thị Cân, chủ nhà của Forrest Homestay cho biết. Dịch được khống chế, du khách tăng dần, đã có thêm những đoàn du khách nước ngoài đến với Bản Liền.

Nhưng niềm vui của chị Nga không chỉ có vậy. “Qua nhiều lần tập huấn, mỗi lần lên với Bản Liền là tôi nhận thấy có sự thay đổi. Từ chỗ là những nông dân chân chất, hết sức rụt rè, chưa biết đến làm dịch vụ hay quảng bá trên mạng là gì, nay họ đã nghĩ ra rất nhiều loại dịch vụ đặc trưng “nhà trồng được” để phục vụ khách, cũng như quảng bá cho du lịch Bắc Hà và cho homestay của mình rất tích cực. Họ nghĩ ra những loại hình dịch vụ độc đáo của riêng Bản Liền, như cho khách trải nghiệm giã bánh dày, giã cốm, đi suối bắt cá, hái chè, thả ngựa, gặt lúa trên ruộng bậc thang, tắm lá chè… Họ cũng biết khôi phục các loại hình văn nghệ truyền thống để phục vụ du khách. Mừng nhất là những người trẻ ở Bản Liền đã hiểu được rằng, khai thác và bảo tồn những giá trị truyền thống chính là điều thu hút du khách mạnh mẽ nhất và cũng bền vững nhất” – chị Thái Huyền Nga chia sẻ.

Đến nay, dù đã hoàn thành công việc ở Bản Liền và chuyển sang một công việc mới, nhưng chị Thái Huyền Nga vẫn thường xuyên trở lại với mảnh đất này với tư cách một du khách, nhưng những người làm du lịch cộng đồng Bản Liền và Bắc Hà vẫn đón chị với tư cách một người thân trong gia đình lâu lâu lại trở về.