Tại địa chỉ ngõ 94 phố Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội, cứ vào khoảng từ 10 giờ sáng đến 12 giờ trưa, người dân sinh sống trong ngõ và một số hộ bên ngoài lại “tập kết” rác thải sinh hoạt ngay giữa lối đi như thế này.
Bãi rác tự phát ngay lối vào ngõ 94 Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội. (Ảnh: Thu Phương) |
Những bãi rác tự phát kiểu này tập hợp đủ các loại sản phẩm, gồm cả rác phân hủy và không phân hủy, như vỏ chai nhựa, túi nilon, thực phẩm thừa.
Theo ghi nhận, tại khu vực này hằng ngày vẫn có xe rác đi qua và thu gom rác, nhưng người dân vẫn thản nhiên vứt rác ngay giữa đường vào ngõ.
Người dân thản nhiên vứt rác ngay giữa đường vào ngõ. |
Còn đây là khu vực phố Duy Tân, quận Cầu Giấy. Địa điểm này hoàn toàn không phải là một điểm tập kết rác được quy định.
Bãi rác công cộng kéo dài 200m tại phố Duy Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội. (Ảnh: Thu Phương) |
Bãi rác tự phát này đã tồn tại khoảng 2 tháng và không chỉ có rác thải sinh hoạt mà còn có cả rác thải xây dựng như gỗ vụn, bê-tông,...
Bãi rác tự phát có cả rác thải xây dựng như gỗ vụn, bê-tông,... |
Những bãi rác nằm ngay giữa những nơi công cộng như thế này ảnh hưởng rất nhiều đến mỹ quan đô thị và người dân chung quanh. Người đi qua đây luôn phải sử dụng khẩu trang, nhưng mùi hôi của bãi rác bốc lên khiến biện pháp này là không đủ.
Người đi đường thấy khó chịu với mùi hôi thối từ bãi rác. (Ảnh: Thu Phương) |
Bạn C.A (20 tuổi) khi được hỏi về sự ảnh hưởng của bãi rác công cộng này, cho biết : “Bãi rác này kéo dài rồi chất đống, ảnh hưởng nhiều đến mọi người lắm. Đi qua đây thấy khó chịu, nhất là những người đi bộ, ngửi mùi này lâu cứ nôn nao hết cả người”.
Vốn dĩ đầu ngõ, vỉa hè, cột điện, gốc cây... không phải là nơi tập kết nhưng với suy nghĩ “miễn là tiện” thì bất cứ đâu cũng có thể trở thành nơi vứt rác.
Tình trạng này diễn ra thường xuyên, từ ngày này sang ngày khác, trên địa bàn nhiều phường, quận nên chưa bao giờ hết gây bức xúc. Điều này đã khiến cho các công nhân môi trường phải đi thu gom rác ở những nơi không phải là chỗ vứt rác.
Vấn đề này qua thời gian dài vẫn chưa khi nào có giải pháp triệt để, vì thế ý thức đồng lòng bảo vệ môi trường sống của người dân chính là phương án đầu tiên.
Bên cạnh đó, các cấp chính quyền địa phương nên đẩy mạnh công tác quản lý, giám sát và áp dụng biện pháp nhắc nhở hoặc phạt theo quy định của pháp luật, có như vậy mới có sức răn đe những hành vi gây ảnh hưởng tới xã hội chung.