Đẩy mạnh xử lý rác thải sinh hoạt ở nông thôn

Theo thống kê, lượng rác thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn trong cả nước có khoảng 32.000 tấn/ngày. Trong đó, rác thải vô cơ chỉ chiếm tỷ lệ thấp nhưng hầu hết đều là loại khó phân hủy, có khả năng tác động có hại lâu dài đến môi trường…
0:00 / 0:00
0:00
Bãi rác thải ở làng Thuyền, thành phố Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang).
Bãi rác thải ở làng Thuyền, thành phố Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang).

Việt Nam hiện có khoảng 62 triệu dân sinh sống ở vùng nông thôn, chiếm xấp xỉ 65% dân số. Cùng với đà tăng dân số, mỗi năm khu vực này thải ra môi trường khoảng 13 triệu tấn rác thải sinh hoạt, 1.300 triệu m3 nước thải sinh hoạt, 47 triệu tấn chất thải chăn nuôi và hơn 14 nghìn tấn bao bì hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón…

Tuy nhiên, chỉ khoảng 50% khối lượng rác thải trên được thu gom, xử lý. Số còn lại chủ yếu là chất thải rắn và khó phân hủy, tiềm ẩn nguy cơ gây hại rất lớn cho môi trường và sức khỏe người dân. Chưa kể, phần lớn lượng rác thải được xử lý thông qua phương pháp chôn lấp; về lâu dài sẽ tác động ngược đối với môi trường, nguồn nước, cũng như hệ sinh thái bên cạnh nó.

Rác thải sinh hoạt ở nông thôn tràn lan ở nhiều nơi và chưa được xử lý triệt để khiến cho nhiều địa phương phải đau đầu tìm phương án. Bên cạnh việc thành lập các tổ, hợp tác xã, công ty… thu gom chất thải sinh hoạt là tìm địa điểm để chôn lấp, tìm nguồn kinh phí để xây dựng lò đốt.

Tuy nhiên, hoạt động này cũng rất khó khăn do phần lớn việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt là do các hợp tác xã, tổ, đội tự quản của địa phương đảm nhiệm.

Hơn nữa, cũng không nơi nào có quy chuẩn đối với phí thu gom rác nên việc thu phí thu gom đều là thỏa thuận của tổ thu gom với người dân, cho nên, mức thu thường là rất thấp, khoảng 10.000-20.000 đồng/hộ/tháng. Với số tiền này chỉ chi trả được một phần cho hoạt động thu gom, chi phí vận chuyển rác tới nơi xử lý được duy trì bằng nguồn kinh phí từ chính quyền địa phương.

Một số địa phương có phương án hoặc có khó khăn về địa điểm chôn lấp rác đã tính đến việc xây dựng các lò đốt rác, nhưng lại vướng phải những khó khăn do không có kinh phí hoặc kỹ thuật vận hành. Thông thường, lò đốt rác ở khu vực nông thôn được xây dựng hiện nay chỉ là loại nhỏ, công suất khoảng 2 tấn/ngày, không đủ đáp ứng nhu cầu.

Hầu hết các xã vùng nông thôn chưa có quy hoạch địa điểm xử lý rác, dẫn đến chỗ thừa chỗ thiếu. Một số lò đốt không đủ điều kiện để hoạt động. Ngoài ra, các địa phương cũng gặp nhiều khó khăn về nguồn nhân lực, công nhân tham gia vận hành không đủ kiến thức chuyên môn để vận hành lò đốt, trình độ vận hành của công nhân còn hạn chế, không tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật cho nên chưa đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường của một bộ phận người dân còn thấp; công tác xã hội hóa các nguồn lực để thu gom, xử lý rác chưa tốt…

Ngày 7/5/2018, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 491/QĐ-TTg về việc phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó, có yêu cầu rõ việc đầu tư xây dựng mới cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở nông thôn phải bảo đảm tỷ lệ chôn lấp sau xử lý không quá 20%. Các địa phương áp dụng công nghệ tốt, hiện đại, thân thiện với môi trường để xử lý chất thải nông thôn.

Quyết định số 491/QĐ-TTg đặt mục tiêu và yêu cầu các địa phương phải hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý chất thải rắn; trong đó, tập trung rà soát, xây dựng, hoàn thiện và lồng ghép các quy hoạch quản lý chất thải rắn vào quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch mỗi địa phương; xây dựng và hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường, định mức kinh tế, kỹ thuật trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn; thống nhất quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương đối với công tác quản lý chất thải rắn; tăng cường xây dựng và triển khai các hoạt động truyền thông, đào tạo, nâng cao năng lực và nhận thức cộng đồng về quản lý chất thải rắn; xây dựng và dự kiến ban hành danh mục công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt khuyến cáo áp dụng phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của các địa phương, trong đó chú trọng các công nghệ xử lý chất thải đi kèm với các giải pháp giảm, tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng, hạn chế tối đa lượng chất thải phải chôn lấp.

Đề xuất giải quyết khó khăn về rác thải nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường định hướng xử lý rác thải thay vì chôn lấp, không hợp vệ sinh sang tái sử dụng, tái chế có hiệu quả. Trước mắt, cần đánh giá toàn bộ các trung tâm xử lý chất thải, qua đó nắm rõ hơn tình trạng môi trường trên cả nước hiện nay; đồng thời, tìm kiếm và công bố những công nghệ phù hợp để các địa phương chủ động lựa chọn phù hợp với nhu cầu của địa phương.

Trên cơ sở đó, yêu cầu thu gom, phân loại chất thải tại nguồn phải được các địa phương ưu tiên hàng đầu; thực hiện các biện pháp đồng bộ, hiệu quả để hạn chế nguồn phát sinh rác: Nói không với chất thải nhựa, khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường; tạo thói quen cho người dân ý thức gom rác bỏ vào nơi quy định, không vứt bừa bãi ra các sông, kênh rạch…; phối hợp thanh tra, kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm trong xử lý chất thải rắn; rà soát lại các điểm lưu giữ chất thải sinh hoạt nông thôn; rà soát lại các quy hoạch quản lý chất thải hiện có, các địa phương cần có kế hoạch, lộ trình để chấm dứt việc đầu tư xử lý chất thải rắn sinh hoạt quy mô cấp xã, khuyến khích việc đầu tư các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt quy mô liên xã, liên huyện phù hợp quy hoạch bảo vệ môi trường của địa phương...

Quản lý chất thải là một nội dung quan trọng được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu; Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường. Tuy nhiên hiện nay, việc áp dụng Luật ở nhiều địa phương chưa rõ ràng, không chặt chẽ và thiếu cơ chế giám sát, xử lý dẫn đến phát tán rác tràn lan, chưa được xử lý, nhất là ở vùng nông thôn.

Luật sư HOÀNG ĐÌNH CHIỂN

Văn phòng Luật Vinh Quang Công Lý, Đoàn Luật sư TP Hà Nội