Nhìn lại 12 năm Liên hoan phim quốc tế Hà Nội

NDO - Kể từ lần đầu tiên được tổ chức nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, cho đến nay Liên hoan phim quốc tế Hà Nội đã trở thành một trong những sự kiện điện ảnh lớn nhất và được mong chờ nhất trong năm.
0:00 / 0:00
0:00
Trung tâm Chiếu phim Quốc gia với các pano quảng bá Liên hoan phim. (Ảnh: TUYẾT LOAN)
Trung tâm Chiếu phim Quốc gia với các pano quảng bá Liên hoan phim. (Ảnh: TUYẾT LOAN)

Qua 6 kỳ tổ chức, Liên hoan phim không chỉ là nơi vinh danh các tác phẩm điện ảnh xuất sắc, có giá trị nghệ thuật cao, giàu tính nhân văn, sáng tạo, khuyến khích những tài năng mới của điện ảnh, góp phần phát huy tinh thần thân ái, hợp tác giữa các nhà làm phim trong nước và quốc tế vì sự phát triển của điện ảnh, mà còn mở rộng cơ hội để các nhà làm phim, hãng sản xuất, nghệ sĩ, những người đang công tác, hoạt động trong ngành điện ảnh Việt Nam giao lưu với điện ảnh quốc tế.

Nhìn lại 12 năm Liên hoan phim quốc tế Hà Nội ảnh 1

Khán giả sau một buổi chiếu phim tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia. (Ảnh: KHIẾU MINH)

Liên hoan phim quốc tế Hà Nội tròn 10 năm lẽ ra sẽ tiến hành vào đúng kỳ năm 2020, nhưng dịch Covid-19 diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng đến mọi mặt của xã hội, hầu hết các hoạt động văn hóa đều phải hủy bỏ hoặc hoãn. Liên hoan phim quốc tế Hà Nội 2020 cũng không nằm ngoài khó khăn này, buộc phải lùi sang năm 2022.

Năm 2010, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần đầu tiên được tổ chức với tên gọi là VNIFF. Được khai trương đúng dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, đây không chỉ là hoạt động có ý nghĩa dành cho Thủ đô nghìn tuổi, mà còn là sự kiện quan trọng đánh dấu mốc mới trong việc xây dựng một thương hiệu Liên hoan phim chuyên nghiệp. Liên hoan phim quốc tế Hà Nội I cũng khẳng định vị trí và xu thế hội nhập của điện ảnh Việt Nam trên trường quốc tế với 96 phim đăng ký tham dự đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 50 phim được lựa chọn và công chiếu. Năm tổ chức đầu tiên, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội đã đón được đạo diễn Hollywood nổi tiếng Phillip Noyce làm Trưởng Ban Giám khảo phim truyện dài, cùng với hai diễn viên Hồng Kông (Trung Quốc) rất được khán giả Việt Nam yêu thích là Ngô Ngạn Tổ và Trương Gia Huy.

Nhìn lại 12 năm Liên hoan phim quốc tế Hà Nội ảnh 2

Xem giới thiệu phim và nhận vé tại rạp. (Ảnh: TUYẾT LOAN)

Năm 2012, sự kiện tiếp tục được duy trì và thu hút đông đảo sự quan tâm của công chúng yêu điện ảnh với tên gọi là HANIFF 2012. Liên hoan phim lần thứ II thu hút sự tham gia của 117 bộ phim đến từ 38 quốc gia mang đến những màu sắc khác biệt, thể hiện rõ nét khẩu hiệu: “Điện ảnh châu Á-Thái Bình Dương thống nhất và phát triển”. Nam diễn viên Hollywood Cliff Curtis và nữ diễn viên Iran Taraneh Alidoosti là hai trong số các khách mời nổi tiếng của kỳ Liên hoan phim này.

Năm 2014 và 2016 là những bước tiến phát triển nổi bật - khẳng định tầm vóc của Liên hoan phim quốc tế Hà Nội. HANIFF 2014 ghi dấu mốc với 130 bộ phim đến từ 32 quốc gia, 190 buổi chiếu phim miễn phí, thu hút hơn 30.000 lượt người xem.

Năm 2016, việc mở rộng quy mô hạng mục phim dự thi đã tạo nên những con số ấn tượng: 146 bộ phim đến từ 43 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Năm 2018, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội mang khẩu hiệu “Điện ảnh hội nhập và bền vững”. Các hạng mục phim dự thi đã đón nhận được nhiều tác phẩm chất lượng, mang lại giá trị thông điệp và sức lan tỏa sâu rộng.

Với những sự đổi mới và chọn lọc kỹ lưỡng, chương trình Toàn cảnh điện ảnh thế giới, Tiêu điểm điện ảnh các quốc gia, Việt Nam đương đại đã thực sự là những bữa tiệc dành cho người hâm mộ nghệ thuật thứ 7. Bên cạnh đó là các sự kiện đồng hành đa dạng, quy mô và hoành tráng. Có thể kể đến Trại sáng tác là diễn đàn trao đổi học thuật và kinh nghiệm làm phim, phát triển dự án làm phim của các đạo diễn trẻ với các chuyên gia điện ảnh hàng đầu khu vực và quốc tế; Chợ dự án - nơi gặp gỡ, trải nghiệm và kết nối các nhà sản xuất, đạo diễn và biên kịch với các nhà đầu tư, các chuyên gia hàng đầu trong ngành điện ảnh trên thế giới. Ngoài ra còn có các sự kiện triển lãm, hội thảo, tọa đàm và các chương trình chiếu phim tại các cụm rạp, cũng để lại những ấn tượng mạnh mẽ với người dân thủ đô và bạn bè quốc tế.

Nhìn lại 12 năm Liên hoan phim quốc tế Hà Nội ảnh 3
Lịch chiếu phim đặt bên ngoài Trung tâm cho khán giả tiện theo dõi. (Ảnh: TUYẾT LOAN)

Năm 2020, khán giả và nghệ sĩ lỡ hẹn một kỳ Liên hoan phim do dịch Covid-19. Phải sau đó 2 năm, khi dịch bệnh cơ bản được khống chế, các hoạt động xã hội trở lại bình thường, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội đã có cơ hội trở lại. Năm nay, Liên hoan phim quay lại với tinh thần mạnh mẽ, với chủ đề "Điện ảnh - Nhân văn, Thích ứng và Phát triển". Khán giả những ngày qua đã được thưởng thức những bữa tiệc muôn màu từ hơn 50 nền điện ảnh khắp thế giới qua 123 bộ phim, được biết về những câu chuyện văn hóa, xã hội, cuộc sống với những màu sắc rất riêng biệt … từ những nền điện ảnh không phải lúc nào cũng dễ dàng có cơ hội xem tại Việt Nam.

Điểm nhấn trong các hoạt động Liên hoan phim là 2 hội thảo “Tiêu điểm điện ảnh Hàn Quốc” và “Điện ảnh - Kết nối và lan tỏa giá trị văn hóa”. Đây là dịp để những nhà hoạt động điện ảnh trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm để phát triển các tác phẩm điện ảnh mang tính thời đại. Đồng thời, khẳng định vai trò của điện ảnh trong việc kết nối và lan tỏa giá trị văn hóa của mỗi quốc gia nói chung và văn hóa, đất nước, con người Việt Nam nói riêng đến với khán giả trong nước và nước ngoài.

Nét trầm của Liên hoan phim năm nay là thiếu vắng những ngôi sao quốc tế đình đám như những mùa đầu, yếu tố làm nên sự bùng nổ và phấn khích của người hâm mộ, điều không thể thiếu để tạo nên sự sôi động, rộn rã ở các hoạt động trong Liên hoan phim. Nhưng bù lại, khán giả được thưởng thức một bữa tiệc điện ảnh thực sự, khi có tới 20 phim dự Liên hoan phim năm nay ở hạng mục Toàn cảnh điện ảnh thế giới là những phim từng được đề cử hoặc đoạt các giải thưởng điện ảnh quốc tế danh giá như Cannes, Venice, Tokyo hay thậm chí cả Oscar.

Có thể kể đến một số phim tiêu biểu như “Vợ của người du mục” (Australia): Giải thưởng lớn của BGK, Liên hoan phim châu Á - Thái Bình Dương; “Tình bạn” (Bỉ): Giải Grand Prix, Liên hoan phim Cannes 2022; “107 bà mẹ” (Slovakia): Giải thưởng Horizons - Kịch bản xuất sắc, Liên hoan phim Venice 2021; “Hiện tượng John Denver” (Philippines): Giải Phim hay nhất, giải NETPAC, giải Nam chính xuất sắc, giải Biên tập xuất sắc và giải Âm nhạc xuất sắc, Liên hoan phim Độc lập Cinemalaya; “Hạnh phúc” (Kazakhstan: Giải khán giả Panorama, Liên hoan phim Quốc tế Berlin năm 2022; “Phép màu” (Romani): Giành giải Phim quốc tế Liên hoan phim Warsaw (Ba Lan) năm 2021…

Ở hạng mục Tiêu điểm điện ảnh Hàn Quốc, năm nay với mục tiêu đặc biệt là hướng tới kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, chương trình mang đến những bộ phim của các đạo diễn tên tuổi, giành nhiều giải thưởng lớn, như “Bộ phim của tiểu thuyết gia” của đạo diễn Hong Sang Soo giành giải Gấu Bạc của Ban Giám khảo tại Liên hoan phim Berlin lần thứ 72 năm 2022; “Khoảnh khắc mùa hè” của đạo diễn Jo Gun-shik, hiện là Giám đốc điều hành của Học viện Điện ảnh Hàn Quốc, Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc; “Nhà môi giới” của đạo diễn Kore-ada Hirokazu, một tác phẩm từng gây ấn tượng mạnh tại Liên hoan phim Cannes năm 2022; “Quyết tâm chia tay” của đạo diễn Park Chan Wook giành giải Đạo diễn xuất sắc nhất Liên hoan phim Cannes 2022; “Thi ca” của đạo diễn Lee Chang Dong giành giải Kịch bản hay nhất tại Liên hoan phim Cannes 2010; “Thiêu đốt” của đạo diễn Lee Chang Dong giành giải thưởng của Liên đoàn phê bình phim quốc tế tại Liên hoan phim Cannes 2018; “Tổ của chim ruồi” của đạo diễn Kim Bora giành giải NETPAC tại Liên hoan phim Busan và giành một số giải thưởng tại các Liên hoan phim Quốc tế như: Liên hoan phim Quốc tế Berlin, Liên hoan phim Tribeca…

Nhìn lại 12 năm Liên hoan phim quốc tế Hà Nội ảnh 4

Một buổi chiếu phim tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia. (Ảnh: KHIẾU MINH)

Đặc biệt, những buổi chiếu phim ngoài trời cũng được tổ chức trở lại–như một lời cảm ơn để đáp lại tấm lòng và tình cảm của khán giả dành cho Liên hoan phim.

Tròn 12 năm tổ chức tại Hà Nội, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội đang ngày càng khẳng định mình trong việc trở thành một địa chỉ văn hóa của Hà Nội, một điểm hẹn đối với những người yêu nghệ thuật thứ 7 và yêu Hà Nội, và một điểm đến thú vị đối với những nhà làm phim, nghệ sĩ quốc tế.