Khoảng trống trước Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ 6

Trải qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, ngành điện ảnh bước đầu có dấu hiệu phục hồi, một số phim ra rạp đạt doanh thu cao. Tuy nhiên, bức tranh toàn cảnh của điện ảnh vẫn có phần ảm đạm bởi số phim nổi bật về chất lượng, doanh thu... vẫn còn ít. Đây là mối băn khoăn trước thềm Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ 6 sắp diễn ra.
0:00 / 0:00
0:00
Hoa hậu H’Hen Niê trong phim “578: Phát đạn của kẻ điên”. (Ảnh đoàn phim cung cấp)
Hoa hậu H’Hen Niê trong phim “578: Phát đạn của kẻ điên”. (Ảnh đoàn phim cung cấp)

Cách đây chưa lâu, giải thưởng Cánh diều 2021 của Hội Điện ảnh Việt Nam đã góp phần ghi nhận sự nỗ lực chung của ngành điện ảnh. Tuy nhiên, vẫn có những điểm đáng tiếc được nhìn nhận, như: Thiếu vắng các tác phẩm chuyển tải giá trị hiện thực và nhân văn của công cuộc phòng, chống đại dịch Covid-19; khoảng trống của mảng phim truyện điện ảnh do nhà nước đầu tư...Mới nhất, trong quá trình tuyển chọn phim tranh giải Oscar 2023 chỉ có bốn bộ phim ứng tuyển và phim “578: Phát đạn của kẻ điên” (đạo diễn Lương Đình Dũng) được lựa chọn cũng phản ánh bức tranh không mấy tươi sáng của điện ảnh nước nhà.

Tuy được Hội đồng quốc gia tuyển chọn đánh giá có yếu tố thuần Việt, đề cập vấn đề xâm hại trẻ em đang được toàn xã hội quan tâm, quảng bá được phần nào vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam, song, nhiều ý kiến cho rằng, phim không thuyết phục được công chúng khi ra mắt hồi tháng 5/2022 và thất bại về doanh thu, sớm rút khỏi rạp.

Phim “Đêm tối rực rỡ” của đạo diễn Aaron Toronto vừa đoạt sáu giải Cánh diều vàng tại giải thưởng Cánh diều thì không gửi tham dự. Bên cạnh đó, một vấn đề nổi cộm khi mang phim dự giải quốc tế đó là hầu như các phim đều không đạt tiêu chí, như: Chưa được công chiếu thương mại ít nhất bảy ngày liên tiếp; vướng quá nhiều lùm xùm, kiện cáo...

Trước Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ 6, không ít ý kiến lo ngại về câu chuyện ngành điện ảnh thiếu những tác phẩm nổi bật để khẳng định uy tín và sự bứt phá. Ngay trong tháng 10/2022, thời điểm được nhận định là mùa phim đua nhau ra rạp để đón đầu những dịp lễ lớn như: Halloween, Noel, Tết... thì nhìn vào danh sách phim Việt vẫn chỉ khiêm tốn vài ba bộ phim và phải cạnh tranh với hàng loạt phim bom tấn nhập từ Hàn Quốc, Mỹ...

Tại cuộc Hội thảo khoa học “Đánh giá 5 năm thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa 2019-2021”, các chuyên gia nghiên cứu điện ảnh nhận định, điện ảnh trong nước đang đối diện với nhiều thách thức khi thói quen giải trí của công chúng dần thay đổi, sự phát triển như vũ bão của các nền tảng số, hệ thống rạp chiếu phim ngày càng thu hẹp. Hiện nay, kinh phí trung bình cho mỗi bộ phim là 15 tỷ đồng. Theo ước tính, hầu hết phim chỉ đạt doanh thu dưới 3,5 tỷ đồng, đồng nghĩa với việc lỗ nặng.

Tại cuộc hội thảo không ít ý kiến cho rằng, một trong những lý do dẫn tới hậu quả trên là nhà sản xuất thiếu kiến thức điện ảnh, không đủ khả năng thẩm định kịch bản. Số khác lại coi trọng các yếu tố bề nổi, chưa đầu tư đúng mức cả về thời gian, kinh phí cho yếu tố cốt lõi.

Hiện nay, kinh phí trung bình cho mỗi bộ phim là 15 tỷ đồng. Theo ước tính, hầu hết phim chỉ đạt doanh thu dưới 3,5 tỷ đồng, đồng nghĩa với việc lỗ nặng.

Bên cạnh đó, nhiều nhà làm phim đã không theo kịp sự thay đổi trong trình độ tiếp nhận nhu cầu, thị hiếu của lứa khán giả ở độ tuổi từ 16-30. Thói quen đầu tư theo tư duy ăn xổi, thiếu sáng tạo cũng là một trong số những hạn chế lớn nhất của giới làm phim hiện nay.

Để có nền công nghiệp điện ảnh, Tiến sĩ Ngô Phương Lan, nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh cho rằng, các nhà làm phim trong nước không thể cứ “bán” mãi thứ mình có, đã đến lúc phải “bán” những gì khán giả cần. Chúng ta chưa cần phải học tập những thị trường quá xa xôi như Mỹ, Hàn Quốc mà có thể học ngay các nước trong khu vực như Thái Lan về cách tiếp thị, quảng bá tác phẩm điện ảnh. Trong bối cảnh khán giả ngày càng tiếp cận sâu rộng với điện ảnh thế giới qua nhiều kênh, trong đó có rạp chiếu và các nền tảng xem phim trực tuyến, nếu làm phim dưới tầm thưởng thức của khán giả sẽ không thể kéo được khán giả đến rạp.

Các nhà làm phim trong nước không thể cứ “bán” mãi thứ mình có, đã đến lúc phải “bán” những gì khán giả cần.

Tiến sĩ Ngô Phương Lan, nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh

Trước thềm Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội, soi chiếu từ giải thưởng Cánh diều, đề cử phim dự giải Oscar và danh sách gần 30 phim Việt thua lỗ trong năm 2022, có thể thấy những khoảng trống cần được nhìn nhận, nghiên cứu và có giải pháp cụ thể, thực tế hơn cho ngành điện ảnh mà những ý kiến, tham luận thẳng thắn tại các cuộc hội nghị, hội thảo được tổ chức liên tục trong thời gian qua là một căn cứ tham khảo quan trọng.