Bí thư Tỉnh ủy Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng cùng các đồng chí lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì buổi họp.
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh, Dự án đầu tư xây dựng và di chuyển các cơ quan tỉnh vào Khu trung tâm chính trị hành chính mới tỉnh Điện Biên được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên đồng ý chủ trương từ tháng 12/2021; phấn đấu năm 2024 hoàn thành xây dựng, di chuyển các cơ quan tỉnh vào hoạt động trong khu hành chính mới. Đây được xác định là dự án trọng điểm tỉnh chào mừng Kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/2024).
Thành viên Ban Chỉ đạo dự họp bàn tháo gỡ khó khăn triển khai dự án. |
Theo quy hoạch tổng thể, dự án được đầu tư xây dựng trên diện tích 130ha tại phường Noong Bua, thành phố Điện Biên Phủ; bao gồm 15 dự án thành phần. Trong đó, nhóm các dự án về tái định cư và giải phóng mặt bằng gồm 2 dự án; các dự án về kết cấu hạ tầng đô thị gồm 3 dự án; các dự án về xây dựng trụ sở cơ quan gồm 10 dự án. Kinh phí thực hiện các dự án được lấy từ 3 nguồn: Vốn đầu tư công (ngân sách trung ương, địa phương); vốn đầu tư các ngành và vốn chương trình dự án hậu tái định cư Thủy điện Sơn La.
Đến thời điểm hiện tại, mới có 5/15 dự án cơ bản đảm bảo theo tiến độ kế hoạch; 10/15 dự án quan trọng chậm tiến độ so với kế hoạch từ 3 đến 6 tháng.
Thừa nhận tiến độ chậm, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Điện Biên, đã khẳng định: Tiến độ triển khai thực hiện các nội dung công việc của các chủ đầu tư rất chậm so với tổng tiến độ chung trong kế hoạch mà Ủy ban nhân dân tỉnh đã đề ra. Nguyên nhân của việc chậm trễ này có chủ quan, khách quan, song trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu do cách thức tổ chức triển khai chưa quyết liệt, chưa đưa ra các giải pháp bằng các chương trình hành động, kế hoạch cụ thể, chi tiết; công tác phối hợp thiếu chặt chẽ, chưa chủ động bám sát các nhiệm vụ để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh.
Thẳng thắn thừa nhận tiến độ các dự án trên địa bàn thành phố và do thành phố làm chủ đầu tư chậm tiến độ, đồng chí Nguyễn Quang Hưng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố lý giải: Các dự án tập trung chủ yếu trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ, khối lượng công việc rất lớn, thêm vào đó là nhiều biến động trong công tác cán bộ, tinh thần trách nhiệm trong công việc của một bộ phận cán bộ, công chức chưa quyết liệt. Bên cạnh đó, là do trách nhiệm của một số chủ đầu tư dự án trong việc triển khai thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao chưa thật sự cao...
Đồng tình với ý kiến lãnh đạo các ngành, địa phương, đồng chí Lê Thành Đô, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, cho rằng: Tiến độ các dự án chậm cơ bản do nguyên nhân khách quan; việc xác minh nguồn gốc đất làm căn cứ bồi thường, giải phóng mặt bằng có nhiều khó khăn, kéo dài thời gian hơn dự kiến đã ảnh hưởng tiến độ nhiều dự án.
Khẳng định ý nghĩa chính trị, xã hội dự án xây dựng và di chuyển các cơ quan tỉnh vào khu trung tâm hành chính mới, đồng chí Trần Quốc Cường, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên yêu cầu các sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân thành phố Điện Biên Phủ, Ban Quản lý dự án các công trình Giao thông tỉnh, Ban Quản lý dự án các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh và các chủ đầu tư phải phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thành xây dựng đường găng tiến độ; cam kết tiến độ cụ thể với Ban Chỉ đạo tỉnh, trong đó phải gắn trách nhiệm cụ thể người đứng đầu về tiến độ 10 dự án hiện đang chậm tiến độ. Thời hạn đăng ký trước ngày 1/4/2023 (qua Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo - Sở Xây dựng) để theo dõi, chỉ đạo, đánh giá. Cùng với đó, Bí thư Tỉnh ủy Trần Quốc Cường yêu cầu cần phát huy hơn nữa tinh thần trách nhiệm của từng ngành, từng địa phương, chủ động khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ dự án vì sự phát triển chung của tỉnh Điện Biên.