Thông tin về tiến độ thực hiện các dự án trồng cây mắc ca trên địa bàn, ông Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết: Kể từ cuộc họp gần nhất (ngày 2/8/2022) giữa Ban chỉ đạo các dự án mắc ca tỉnh Điện Biên với các nhà đầu tư đến nay, đã hơn hai tháng trôi qua, nhưng tiến độ triển khai các phần việc của các dự án, như đo đạc, quy chủ đất đai và tiến độ trồng mới cây mắc ca đều không chuyển biến nhiều.
Cụ thể, thời điểm đầu tháng 8/2022 toàn tỉnh đo đạc, quy chủ được 13.253ha (đạt 15% tổng diện tích của 13 dự án), đến ngày 10/10 diện tích đo đạc quy chủ chỉ tăng thêm được 2.142ha; diện tích trồng mới tăng thêm được 227,85ha; tổng kinh phí các nhà đầu tư đã giải ngân cũng mới đạt 8,5% so với tổng số vốn nhà đầu tư đăng ký.
Điều đáng nói, ngoài tiến độ chậm thì một số nhà đầu tư có biểu hiện thờ ơ, không nhiệt tình cùng chính quyền cơ sở giải quyết vướng mắc; có nhà đầu tư phó mặc khâu trồng cây, chăm sóc ban đầu cho người dân trong khi mắc ca là cây trồng mới lại đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc đặc thù.
Ông Lê Khánh Hòa, Bí thư Huyện ủy Nậm Pồ phản ánh: Trên địa bàn huyện có hai dự án gồm Dự án trồng mắc ca công nghệ cao tại huyện Mường Nhé, Nậm Pồ do Công ty cổ phần Him Lam mắc ca Điện Biên và Dự án trồng thâm canh cây mắc ca do Công ty cổ phần Du lịch và Nông nghiệp công nghệ cao Điện Biên thực hiện. Tổng diện tích quy hoạch trồng mắc ca cho hai dự án này lên đến 15.855ha.
Đồng hành cùng nhà đầu tư triển khai dự án, ngay khi UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư, cấp ủy, chính quyền huyện Nậm Pồ đã khẩn trương vào cuộc, thành lập Ban chỉ đạo huyện, thành lập bốn tổ giúp việc Ban chỉ đạo; chỉ đạo thành lập 121 tổ dân vận cơ sở trực tiếp họp, tuyên truyền đến người dân về tương lai, hiệu quả cây mắc ca và cơ hội việc làm mà các dự án mắc ca đem lại.
Thời điểm đầu tháng 8/2022 toàn tỉnh Điện Biên đo đạc, quy chủ được 13.253ha (đạt 15% tổng diện tích của 13 dự án), đến ngày 10/10 diện tích đo đạc quy chủ chỉ tăng thêm được 2.142ha; diện tích trồng mới tăng thêm được 227,85ha; tổng kinh phí các nhà đầu tư đã giải ngân cũng mới đạt 8,5% so với tổng số vốn nhà đầu tư đăng ký.
Song, đáp lại sự vào cuộc trách nhiệm của địa phương thì nhà đầu tư lại thờ ơ, thiếu trách nhiệm. “Lãnh đạo huyện gọi điện trao đổi trực tiếp, phát giấy mời nhà đầu tư nhằm cùng thống nhất cách giải quyết thì nhà đầu tư không nghe, giấy mời nhận được không hồi đáp. Điều này khiến công tác tuyên truyền của địa phương khó càng thêm khó, người dân thì mất niềm tin”, ông Lê Khánh Hòa nhấn mạnh.
Với Mường Ảng - một trong những huyện đã chủ động triển khai hầu hết các phần việc liên quan thủ tục đất đai, tuyên truyền, vận động nhân dân đồng thuận với các dự án trồng mắc ca, nhưng tiến độ dự án tại Mường Ảng vẫn chậm và bắt đầu nảy sinh một số vấn đề từ phía nhà đầu tư.
Dẫn chứng ý kiến này, ông Nguyễn Tiến Đạt, Bí thư Huyện ủy Mường Ảng, nói rằng: Trong tổng diện tích quy hoạch trồng mắc ca tại Mường Ảng, huyện đã bố trí kinh phí đo đạc, quy chủ trên 1.800ha để cho doanh nghiệp trồng mắc ca theo hình thức thuê đất, nhưng năm lần bảy lượt lãnh đạo huyện gọi điện, làm công văn mời mà doanh nghiệp không về.
Với các diện tích người dân đồng ý góp đất trồng mắc ca theo hình thức liên kết thì người dân đã chủ động đào hố, vậy mà kết thúc mùa trồng cây doanh nghiệp vẫn không cung ứng cây giống; hoặc có cung ứng nhưng lại không cam kết bảo đảm chất lượng cây (?!).
Ông Lý A Súa, Giám đốc Hợp tác xã Mắc ca Tát Hẹ, xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng cho biết: Cán bộ hợp tác xã đã tuyên truyền, vận động thành viên góp đất trồng mắc ca theo hình thức liên kết, sau đó mỗi thành viên góp đất lại chủ động đào hố đợi nhà đầu tư đưa phân bón, cây giống về trồng. Đợi chờ, gọi điện hỏi nhà đầu tư nhiều lần nhưng nhà đầu tư cứ khất lần, hẹn lần này sang lần khác. Sau cùng thì các thành viên đành tự bỏ tiền mua cây giống từ Đắk Lắk về trồng trên đất nhà mình. Cách làm này của nhà đầu tư khiến niềm tin trong người dân cứ vơi dần.
Đồng tình với phản ánh của lãnh đạo các huyện về thực trạng các dự án phát triển cây mắc ca trên địa bàn, bà Lò Thị Luyến, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên, còn làm rõ thêm sự vênh số lượng lao động giữa báo cáo của các nhà đầu tư với báo cáo do cơ quan bảo hiểm xã hội cung cấp.
Bà Lò Thị Luyến cho biết: Theo tổng hợp báo cáo của 13 nhà đầu tư triển khai các dự án mắc ca trên địa bàn, tại thời điểm này họ đang sử dụng trên 553 lao động thường xuyên và gần 1.300 lao động thời vụ; mức lương của lao động thường xuyên dao động từ 5 đến 7,5 triệu đồng/người/tháng, còn lao động thời vụ dao động từ 200 đến 220 nghìn đồng/người/ngày.
Tuy nhiên, theo số liệu báo cáo từ Bảo hiểm xã hội tỉnh thì số lao động thường xuyên được các chủ dự án mắc ca thuê, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế lại là con số khiêm tốn: 112 người (đã bao gồm 16 người nghỉ việc không lương). Cá biệt như ở huyện Mường Nhé không có lao động nào được chủ dự án mắc ca hợp đồng đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội...
Ngoài các bất cập như nêu trên, tại buổi làm việc giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên với các doanh nghiệp có dự án mắc ca và cấp ủy, chính quyền các huyện được tổ chức vừa qua, lãnh đạo các huyện: Mường Nhé, Tuần Giáo, Nậm Pồ còn nêu thêm nhiều hạn chế.
Với nhà đầu tư, thì lãnh đạo các huyện đều đánh giá hầu hết là chưa tích cực, chưa nghiêm túc thực hiện các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban chỉ đạo tỉnh trong việc hoàn thiện hồ sơ, thủ tục phê duyệt dự án làm căn cứ, cơ sở pháp lý để triển khai các bước tiếp theo, đặc biệt là thủ tục về đất đai. Một số dự án đã được nhà đầu tư triển khai việc trồng cây nhưng lại không quan tâm chăm sóc.
Với người dân và một số địa phương hiện chưa hiểu rõ giá trị cây mắc ca; chưa hiểu rõ cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh, do đó tuyên truyền đôi khi không đúng, không trúng khiến người dân hồ nghi, không mặn mà với các dự án đang được triển khai tại địa bàn.
Giải quyết các điểm yếu nêu trên nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án, bảo đảm các dự án được triển khai hiệu quả như mong muốn của nhà đầu tư, kỳ vọng của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, UBND tỉnh Điện Biên đã cùng các sở, ngành và các đồng chí bí thư, chủ tịch UBND các huyện, thành phố có dự án mắc ca làm việc cụ thể với từng nhà đầu tư.
Ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết: Tại buổi làm việc với các nhà đầu tư vào ngày 6/10 vừa qua, UBND tỉnh đã yêu cầu nhà đầu tư xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện trong năm 2023 và các năm tiếp theo bảo đảm tiến độ theo đúng chủ trương đầu tư được phê duyệt.
Cũng theo ông Lê Thành Đô, để từng bước tháo gỡ vướng mắc về thủ tục đất đai, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho các khu vực có dự án trồng mắc ca trong thời gian sớm nhất.
Đối với các nhà đầu tư đang chậm tiến độ, UBND tỉnh sẽ yêu cầu cam kết tiến độ thực hiện dự án trong năm 2023 và những năm tiếp theo; đồng thời cam kết cụ thể về các vấn đề liên quan đến chất lượng cây giống, hỗ trợ kỹ thuật trong suốt quá trình triển khai dự án... Nếu hết thời gian gia hạn mà nhà đầu tư vẫn không thực hiện đúng cam kết, UBND tỉnh sẽ quyết định giảm quy mô hoặc thu hồi chủ trương đầu tư.