Từ đầu năm đến ngày 25/9, theo thống kê của Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, đã ghi nhận 3 trường hợp đốt rơm rạ, 7 trường hợp chiếu đèn laser và 10 trường hợp thả diều, bóng bay.
Riêng ngày 23/9, 4 trường hợp tổ lái các chuyến bay phát thông báo phát hiện đèn trời và các vật thể không người lái trong quá trình tiếp cận hạ cánh, cất cánh lấy độ cao ở khu vực thuộc huyện Đông Anh và Sóc Sơn, gây uy hiếp an toàn bay.
Chiếu đèn laser có nguy cơ uy hiếp an toàn bay. |
Vào hồi 19 giờ 10 phút, chuyến bay BL6030 chặng bay Thành phố Hồ Chí Minh-Hà Nội khi vào trục hạ cánh 11L/29R ở độ cao khoảng 1.200Ft cách thềm hạ cánh khoảng 4 dặm, phi công phát hiện nghi vật thể bay không người lái phía trước.
Hồi 19 giờ 17 phút, chuyến bay VN219 chặng bay Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh khi cất cánh 11R/29L ở độ cao khoảng 800Ft, phi công phát hiện nghi vật thể bay không người lái phía bên phải tàu bay.
Hồi 19 giờ 35 phút, chuyến bay VN836 chặng bay Siêm Riệp-Hà Nội khi vào trục hạ cánh 11L/29R ở độ cao khoảng 1000Ft cách thềm hạ cánh khoảng 4 dặm, phi công phát hiện đèn trời bên trái tàu bay.
Hồi 20 giờ 7 phút, chuyến bay VN415 chặng bay Incheon-Hà Nội khi vào trục hạ cánh 11L/29R ở độ cao khoảng 1000Ft cách thềm hạ cánh khoảng 4 dặm, phi công phát hiện đèn trời bên trái tàu bay.
Qua kiểm tra xác minh, công an các xã trong khu vực đã phát hiện phía đầu tây đường cất hạ cánh (khu vực xã Thanh Xuân) tổ chức Tết Trung thu cho các cháu, có thả đèn trời và phía đầu đông đường cất hạ cánh (thuộc xã Xuân Nộn) có thả diều. Lực lượng Công an khu vực đã quán triệt, nhắc nhở người dân và tịch thu diều.
Ngăn chặn tuyệt đối nguy cơ xảy ra sự cố về an toàn bay
Để phòng ngừa trường hợp tương tự gây rủi ro mất an toàn, Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài đã gửi văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân các xã lân cận sân bay chỉ đạo các đơn vị liên quan, tuyên truyền đến toàn bộ người dân (đặc biệt là các cháu nhỏ) về mức độ nguy hiểm của diều, đèn trời, vật thể bay không người lái và các loại bóng bay bơm khí nhẹ hơn không khí đối với hoạt động bay để có biện pháp phòng, tránh.
Căn cứ các quy định pháp luật hiện hành, Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài gửi văn bản đến chính quyền các địa phương nằm trong vùng ảnh hưởng đến hoạt động bay tuyên truyền, quán triệt người dân. Theo đó, vùng ảnh hưởng được chia thành 3 khu vực theo mức độ ảnh hưởng như sau:
Khu vực 1 – khu vực bay không có tia laser, bao gồm các xã: Quang Tiến, Thanh Xuân, Phú Cường, Phú Minh, Mai Đình, Xuân Thu, Đông Xuân (thôn Thanh Thủy), Tiên Dược (thôn Xóm Mới), Hiền Ninh (thôn Hiền Lương, Nam Cường).
Khu vực 2 – khu vực bay bị ảnh hưởng nặng bởi lazer, gồm: toàn bộ huyện Sóc Sơn, huyện Đông Anh, huyện Mê Linh (Hà Nội), huyện Yên Phong, Từ Sơn (Bắc Ninh); thôn Thượng Lễ, thị xã Phúc Yên (Vĩnh Phúc).
Khu vực 3 – khu vực bay chịu ảnh hưởng bởi laser, bao gồm các huyện Phổ Yên (Thái Nguyên), Hiệp Hòa (Bắc Giang), Tiên Sơn (Bắc Ninh) và các quận/huyện thuộc Hà Nội (Hoài Đức, Đan Phượng, Từ Liêm, Gia Lâm, Long Biên).
Hằng năm, Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài phối hợp với Cảng vụ hàng không miền bắc và chính quyền địa phương các khu vực giáp ranh sân bay để tích cực tuyên truyền cho người dân.
Mặc dù số lượng vụ việc có dấu hiệu giảm, song vào các dịp lễ hội vẫn còn hiện tượng chiếu laser, thả đèn trời, bóng bay, thả diều,… vi phạm an toàn tĩnh không sân bay, nguy cơ uy hiếp an toàn hoạt động bay.
Bảo đảm an toàn cho các chuyến bay
Là cảng hàng không lớn nhất miền bắc về tần suất hoạt động bay, trung bình mỗi ngày Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài phục vụ hơn 500 lượt chuyến bay cất hạ cánh với hơn 80 nghìn lượt hành khách đi/đến qua Cảng.
Để loại trừ nguy cơ uy hiếp an toàn bay, các đơn vị và người dân cần tuân thủ nghiêm quy định hiện hành để bảo đảm tuyệt đối an toàn cho mọi chuyến bay và hành khách qua Cảng hàng không, sân bay.
Chính quyền địa phương siết chặt việc cấp phép cho các đơn vị tổ chức sự kiện không sử dụng hệ thống đèn chiếu công suất lớn tại các khu vực ảnh hưởng hoạt động bay; các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý nghiêm mọi tổ chức, cá nhân vi phạm.