Thời gian qua, để thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật, Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, Kế hoạch tổng thể của ASEAN đến năm 2025 về lồng ghép quyền của người khuyết tật, các nước trong khu vực Đông Nam Á nói chung cũng như Việt Nam nói riêng đã tích cực xây dựng, thực hiện các chính sách thúc đẩy về giáo dục, việc làm, tạo điều kiện để người khuyết tật trong đó có người khiếm thị nói riêng tham gia vào các hoạt động xã hội, hòa nhập cộng đồng.
Nhờ vậy, ngày càng nhiều người khiếm thị có cơ hội tham gia học các bậc phổ thông, đại học, một số người học trên đại học. Nhiều người khiếm thị cũng đã có việc làm, có thu nhập, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay cho thấy các sinh viên khiếm thị sau khi tốt nghiệp phổ thông, hoặc giáo dục bậc cao vẫn chưa có nhiều cơ hội được tuyển dụng vào các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Đồng thời, đâu đó trong nhận thức của xã hội, cụ thể là các nhà tuyển dụng vẫn còn những e ngại về khả năng của người khuyết tật nói chung và người khiếm thị nói riêng, về tính tiếp cận của môi trường làm việc hay về quy trình tuyển dụng, đào tạo và tạo điều kiện làm việc cho lao động là người khiếm thị...
Kết nối, chia sẻ yêu thương với người khiếm thị
Tại hội thảo, Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam, bà Đinh Việt Anh cho biết, quyền được làm việc là một trong những quyền cơ bản được nêu trong Công ước Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật (CRPD) và cũng là một mục tiêu quan trọng trong Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Bên cạnh đó, Kế hoạch Tổng thể ASEAN 2025 cũng khẳng định tầm quan trọng của việc lồng ghép quyền của người khuyết tật vào các chính sách khu vực, bao gồm quyền được tham gia bình đẳng vào lực lượng lao động. Những cam kết này là nền tảng để bảo đảm rằng không ai bị bỏ lại phía sau, đặc biệt là người khuyết tật, trong đó có người khiếm thị.
Đây cũng là vấn đề chung của các nước trong khu vực hiện nay. Để giải quyết vấn đề này, nhiều diễn đàn, hội nghị, hội thảo quốc tế đã được Hội Người mù cùng các tổ chức của và vì người khiếm thị, người khuyết tật tổ chức tại: Indonesia, Philippines, Thái Lan, Malaysia... Thông qua hội thảo này, các kinh nghiệm, giải pháp sẽ được thảo luận để có hướng đi chung giúp người khiếm thị nâng cao năng lực và cơ hội việc làm, từ đó, khẳng định bản thân trong các môi trường làm việc chuyên nghiệp, hòa nhịp và đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội.