Nhiều vấn đề “nóng” mà cử tri Quảng Ngãi quan tâm được làm rõ tại phiên chất vấn

Chiều 10/12, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp thứ 29, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi khóa 13, nhiệm kỳ 2021-2026, nhiều vấn đề “nóng” mà cử tri và nhân dân Quảng Ngãi quan tâm được lãnh đạo các sở, ngành, địa phương phân tích rõ nguyên nhân tồn tại, hạn chế, đưa ra các giải pháp cụ thể thực hiện trong thời gian tới.
0:00 / 0:00
0:00
Đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi chủ trì phiên chất vấn.
Đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi chủ trì phiên chất vấn.

Vấn đề “nóng” mà cử tri và nhân dân Quảng Ngãi quan tâm được đưa ra mổ xẻ, phân tích tại phiên chất vấn gồm các nhóm lĩnh vực: quản lý đầu tư, xây dựng; dân tộc và miền núi; vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư cho miền núi đạt thấp

Đối với nhóm vấn đề dân tộc và miền núi, ngoài việc lo lắng tỷ lệ nghèo đa chiều ở các huyện miền núi còn khá cao, các đại biểu còn nêu lên thực trạng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư và vốn sự nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 1 (từ năm 2021-2025) đạt thấp. Vậy, đâu là nguyên nhân, giải pháp căn cơ để triển khai thực hiện hiệu quả chương trình, vì chỉ còn 1 năm nữa là hết giai đoạn 1 của chương trình.

Trả lời vấn đề này, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi Hồ Ngọc Thịnh cho biết, tổng ngân sách Trung ương và tỉnh phân bổ thực hiện chương trình giai đoạn 2021-2024 là 1.798 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư công hơn 881,4 tỷ đồng, vốn sự nghiệp hơn 917,5 tỷ đồng. Đến nay, tổng vốn giải ngân hơn 924,1 tỷ đồng, đạt 51,4%, trong đó, vốn đầu tư công đạt 78,8%, vốn sự nghiệp đạt 25%.

Nhiều vấn đề “nóng” mà cử tri Quảng Ngãi quan tâm được làm rõ tại phiên chất vấn ảnh 1

Đại biểu Hoàng Anh Ngọc chất vấn nhóm vấn đề về miền núi.

Lý giải nguyên nhân tỷ lệ giải ngân đạt thấp, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi Hồ Ngọc Thịnh cho rằng, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là chương trình mới, mang quan điểm đầu tư tổng thể, các dự án, tiểu dự án và nội dung của chương trình rất đa dạng về nội dung, hình thức thực hiện; một số nội dung lần đầu tiên được thực hiện như: hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, dự án đầu tư hỗ trợ vùng trồng dược liệu quý, đào tạo đại học, sau đại học, dẫn tới sự lúng túng, chậm trễ trong việc triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, chương trình thực hiện trong giai đoạn 2021-2025, nhưng thực chất bắt đầu triển khai từ tháng 8/2022. Trong thời gian đầu thực hiện chương trình, các quy định, hướng dẫn thực hiện của các Bộ, ngành Trung ương còn chậm ban hành, nội dung hướng dẫn chưa rõ ràng, thiếu đồng bộ, phải sửa đổi nhiều lần nên gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức thực hiện; việc áp dụng Luật Đấu thầu năm 2023 cũng gây lúng túng cho các địa phương, nhất là cấp xã.

Nhiều vấn đề “nóng” mà cử tri Quảng Ngãi quan tâm được làm rõ tại phiên chất vấn ảnh 2

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi Hồ Ngọc Thịnh trả lời các chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân tỉnh về nhóm lĩnh vực dân tộc và miền núi.

Đồng thời, việc khảo sát, rà soát, xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình giai đoạn 2021-2025 của các cơ quan, đơn vị và Ủy ban nhân dân các huyện chưa sát nhu cầu thực tế và khả năng thực hiện. Công tác tuyên truyền về đào tạo nghề chưa tốt nên số lượng người dân tham gia đào tạo nghề chưa cao; đội ngũ cán bộ tham mưu thực hiện chương trình, nhất là ở cấp xã hạn chế về năng lực.

Việc phân khai chi tiết vốn cũng như việc chuẩn bị hồ sơ, thủ tục bảo đảm điều kiện để bố trí vốn cho các dự án sử dụng vốn đầu tư công của các đơn vị được giao vốn còn chậm; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn do vướng quy hoạch sử dụng đất dẫn đến công tác triển khai các dự án chậm tiến độ thực hiện và giải ngân.

Đưa ra giải pháp chủ yếu trong thời gian tới, theo Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hồ Ngọc Thịnh, tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, kiến nghị Bộ, ngành Trung ương hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc chương trình, nhất là tháo gỡ khó khăn trong việc quy định các doanh nghiệp (sản xuất, chế biến, kinh doanh), tham gia vào chuỗi giá trị phải có từ 70% tổng số lao động trở lên là người dân tộc thiểu số.

Nhiều vấn đề “nóng” mà cử tri Quảng Ngãi quan tâm được làm rõ tại phiên chất vấn ảnh 3

Quang cảnh phiên chất vấn.

“Các địa phương phải tăng tính chủ động trong thực hiện chương trình; chủ động giải quyết những khó khăn, vướng mắc ở cấp mình quản lý; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện, bảo đảm đúng đối tượng, đúng nội dung, đúng chế độ. Tiếp tục thực hiện tốt công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ thực hiện chương trình các cấp; nhất là cán bộ công chức cấp xã”, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi Hồ Ngọc Thịnh kiến nghị và cho biết thêm, các địa phương cần đẩy mạnh truyên truyền, vận động người dân tham gia thực hiện chương trình; phải xác định người dân là người thụ hưởng chính sách cũng là người tham gia giám sát việc thực hiện chính sách.

Ngộ độc thực phẩm làm “nóng” nghị trường

Đối với nhóm vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, các đại biểu cho rằng, tình hình ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh còn xảy ra khá nhiều, trong đó có vụ việc gây chết người. Cụ thể, từ năm 2019 đến năm 2024, toàn tỉnh có 17 vụ ngộ độc thực phẩm, với 231 người mắc, làm 6 người chết. Vậy, nguyên nhân và giải pháp để giảm số vụ ngộ độc thực phẩm trong thời gian đến.

Trả lời vấn đề trên, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi Bùi Văn Tiến cho biết, nguyên nhân các vụ ngộ độc ghi nhận trên địa bàn tỉnh trong những năm qua liên quan đến sản phẩm thực phẩm từ thịt (chả, chà bông), rau củ quả, sản phẩm bao gói chưa bảo đảm an toàn, độc tố tự nhiên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng ven biển và do vi sinh vật.

Theo quy định, đối với những sản phẩm thực phẩm do chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh cung cấp thì chủ cơ sở phải là người chịu trách nhiệm khai báo trung thực, phối hợp chặt chẽ với cơ quan y tế, Ủy ban nhân dân địa phương gần nhất, niêm phong thực phẩm, phối hợp với cơ quan y tế trong quá trình lấy mẫu điều tra xác định nguyên nhân, chịu mọi chi phí cho việc điều tra, chi phí điều trị cho người bệnh.

Nhiều vấn đề “nóng” mà cử tri Quảng Ngãi quan tâm được làm rõ tại phiên chất vấn ảnh 4

Đại biểu Phan Đặng Nhân Ái chất vấn về tình trạng ngộ độc thực phẩm.

Đối với ngành y tế, khi xảy ra ngộ độc thực phẩm, ngành chịu trách nhiệm tổ chức cấp cứu, điều trị kịp thời cho người bị ngộ độc thực phẩm điều tra nguyên nhân gây ngộ độc để cảnh báo cho cộng đồng. Các sở quản lý chuyên ngành có trách nhiệm cung cấp đầy đủ hồ sơ, thông tin liên quan đến nguồn gốc thực phẩm nghi ngờ gây ngộ độc thuộc lĩnh vực quản lý; cử cán bộ phối hợp với ngành y tế điều tra nguyên nhân, tiến hành truy xuất nguồn gốc và xử lý thực phẩm gây ngộ độc.

Đối với giải pháp để giảm số vụ ngộ độc thực phẩm, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi Bùi Văn Tiến cho biết, tiếp tục chỉ đạo quyết liệt công tác tuyên truyền, trước hết tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, để thay đổi hành vi mua thực phẩm, sử dụng thực phẩm, kiên quyết không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn thực phẩm.

Phối hợp các ngành liên quan kiểm soát chặt chẽ theo chức năng, nhiệm vụ, kiên quyết không để việc thu gom nguyên liệu trôi nổi ngoài thị trường không rõ nguồn gốc, xuất xứ cung cấp cho các bếp ăn tập thể. Tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, các bếp ăn tập thể; xử lý vi phạm công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, vừa tuyên truyền, vừa có tính chất răn đe.

Nhiều vấn đề “nóng” mà cử tri Quảng Ngãi quan tâm được làm rõ tại phiên chất vấn ảnh 5

Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi Bùi Văn Tiến trả lời nhóm vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

“Để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, người dân không ăn cá nóc, bạch tuộc đốm xanh dưới bất kỳ hình thức kể cả đã nấu chín, không ăn các loại rau, củ, quả rừng lạ, chưa biết rõ nguồn gốc”, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi Bùi Văn Tiến khuyến cáo.

Tại phiên chất vấn, các đại biểu còn chất vấn lãnh đạo các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường về việc các dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư nhưng không thực hiện được các bước tiếp theo để thực hiện giao đất, cho thuê đất ảnh hưởng đến môi trường thu hút đầu tư của tỉnh, gây lãng phí đất đai; các dự án đã giao đất, cho thuê đất nhưng chậm triển khai thực hiện; công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch nghĩa trang; việc đầu tư xây dựng lò hỏa táng là rất bức thiết nhưng hiện vẫn chưa thu hút, đầu tư xây dựng...