Trong số các trường công bố ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào theo kết quả thi THPT một số trường ngưỡng điểm của các ngành đều nhau nhưng cũng có trường mức điểm giữa các ngành chênh lệch nhau khá lớn.
Điển hình như Trường đại học Hòa Bình có 19 ngành xét tuyển năm 2023. NGND, PGS, TS Tô Ngọc Hưng, Hiệu trưởng Trường đại học Hòa Bình cho biết, trong các ngành xét tuyển của trường có 16 ngành ngưỡng nhận hồ sơ là 15 điểm gồm: Thiết kế đồ họa; Thiết kế nội thất; Thiết kế thời trang; Quản trị kinh doanh; Tài chính ngân hàng; Kế toán; Luật kinh tế; Công nghệ thông tin; Công nghệ đa phương tiện; Quan hệ công chúng; Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành; Ngôn ngữ Anh; Quản trị khách sạn; Logistics và quản lý chuỗi cung ứng; Thương mại điện tử; Kỹ thuật ô-tô.
Riêng 3 ngành thuộc khối ngành sức khỏe theo ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định gồm: Dược học, Y học cổ truyền 21 điểm; Điều dưỡng 19 điểm.
Cán bộ tuyển sinh tư vấn cho thí sinh tại Ngày hội "Lựa chọn nguyện vọng", tại Hà Nội, ngày 22/7. |
Trong khi đó, PGS, TS Nguyễn Hoàng Hải, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023 của Đại học Quốc gia Hà Nội là 20 điểm. Ngưỡng điểm trên chưa nhân hệ số và đã bao gồm điểm ưu tiên khu vực và đối tượng (nếu có).
Căn cứ ngưỡng điểm trên, các đơn vị đào tạo sẽ thông báo ngưỡng điểm theo ngành, nhóm ngành đào tạo tối thiểu bằng điểm ngưỡng do Đại học Quốc gia Hà Nội và ngưỡng do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định (đối với nhóm ngành sức khỏe, đào tạo giáo viên),
Trường đại học Sư phạm Hà Nội có ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào đối với 25 ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên có điểm từ 18 đến 21,5 điểm. Như vậy, với ngưỡng điểm trên, một số ngành của Trường đại học Sư phạm Hà Nội cao hơn ngưỡng điểm do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 2,5 điểm. Ngoài ra, đối với 16 ngành đào tạo khác (ngoài sư phạm), Trường đại học Sư phạm Hà Nội có ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào từ 16 đến 21 điểm…