Nhiều nước cân nhắc hạn chế ChatGPT

Italia trở thành nước phương Tây đầu tiên hạn chế ChatGPT, sau khi cơ quan bảo vệ dữ liệu của Italia tuần trước đã tạm thời chặn hoạt động của ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) do công ty OpenAI (Mỹ) phát triển ứng dụng này, vì vấn đề bảo đảm dữ liệu người dùng. Ngay sau đó, nhiều nước châu Âu xem xét việc có hạn chế ứng dụng này và đưa ra hành động phối hợp hay không.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều nước cân nhắc hạn chế ChatGPT

Các cơ quan quản lý dữ liệu của Đức, Ireland và Pháp cho biết đã liên hệ với Italia để thảo luận về vấn đề này. Đức cho rằng có thể chặn hoạt động của ChatGPT tại nước này do những lo ngại về mất an ninh dữ liệu. Ireland khẳng định sẽ phối hợp các cơ quan của Liên minh châu Âu (EU) nhằm tìm giải pháp phù hợp cho vấn đề này. Chưa nhận được khiếu nại nào liên quan ChatGPT, song Tây Ban Nha không loại trừ khả năng mở một cuộc điều tra trong tương lai.

Khẳng định tôn trọng quyết định của cơ quan bảo vệ dữ liệu của Italia, song Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Italia Matteo Salvini cảnh báo khả năng cạnh tranh của nước này sẽ tụt hậu so với các nước trong EU nếu ChatGPT không sớm được hoạt động trở lại. Ông Salvini bày tỏ hy vọng Ủy ban châu Âu sẽ có động thái nhằm giải quyết vấn đề này.

Trong khi đó, Văn phòng các vấn đề quyền riêng tư của Canada (OPCC) quyết định mở cuộc điều tra nhằm vào OpenAI, sau khi tiếp nhận các đơn khiếu nại về việc công ty này thu thập, sử dụng và tiết lộ thông tin cá nhân khi chưa có sự đồng ý của người dùng. Cho biết sẽ công khai kết quả sau khi hoàn tất quá trình điều tra, OPCC nhấn mạnh, tác động của AI đối với quyền riêng tư là điều được lưu ý hàng đầu.

Tại cuộc họp Hội đồng cố vấn khoa học và công nghệ, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng, AI có thể hỗ trợ con người trong một số lĩnh vực, song cũng tiềm ẩn những nguy cơ về mặt xã hội, kinh tế và an ninh của quốc gia. Tổng thống Mỹ nhấn mạnh, các công ty công nghệ cần có trách nhiệm bảo đảm các sản phẩm của mình an toàn trước khi tung ra thị trường. Ông Biden cũng nhắc lại lời kêu gọi Quốc hội Mỹ thông qua dự luật về quyền riêng tư, theo đó hạn chế các công ty công nghệ thu thập dữ liệu người dùng.

Văn phòng Ủy ban thông tin (ICO), cơ quan giám sát dữ liệu của Anh thông báo phạt ứng dụng TikTok thuộc công ty ByteDance 12,7 triệu bảng Anh, do vi phạm luật bảo vệ dữ liệu, trong đó có việc sử dụng dữ liệu cá nhân của trẻ dưới 13 tuổi mà không có sự đồng ý của cha mẹ. Phía TikTok phản đối quyết định của ICO và cho biết đã nỗ lực bảo đảm ứng dụng này an toàn cho cộng đồng và ngăn những người dưới 13 tuổi tiếp cận.