Nhiều khu vực trên thế giới đang nắng nóng kỷ lục

Nhiều khu vực trên thế giới đang nắng nóng kỷ lục

NDO - Các đợt nắng nóng ngày càng nguy hiểm khi chúng xuất hiện thường xuyên hơn và kéo dài hơn. Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cảnh báo đợt nắng nóng bao trùm Bắc bán cầu sẽ tăng cường trong tuần này, khiến nhiệt độ ban đêm tăng và kéo theo nguy cơ đau tim và tử vong cao.

Đợt nắng nóng như thiêu đốt tại nhiều khu vực của châu Âu đang kéo theo những đám cháy rừng dai dẳng và các cảnh báo về sức khỏe. Một số khu vực của châu Á và Mỹ cũng đang hứng chịu thời tiết rất khắc nghiệt.

Châu Âu

Tại Italia, đợt nắng nóng bất thường đã khiến nhiều thành phố ghi nhận nhiệt độ kỷ lục vào ngày 18/7, trong đó nhiệt độ tại thủ đô Rome lên tới mức cao mới là 42 độ C.

Khu vực Sardinia ghi nhận mức nhiệt lên đến 47 độ C và nhiệt độ trên đảo Sicily là 45-46 độ C. Hai khu vực này đang được theo dõi sát sao vì nhiệt độ tại đây có thể sẽ vượt mức kỷ lục 48,8 độ C trên đảo Sicily ngày 11/8/2021.

20 thành phố lớn của Italia đang được đặt trong tình trạng báo động đỏ do nắng nóng. Ngày 19/7, thời tiết sẽ hạ nhiệt tại thành phố Bolzano, nhưng vẫn có thêm 4 thành phố là Bari, Catania, Civilitavecchia và Turin ở trong tình trạng báo động đỏ.

Nhiều khu vực trên thế giới đang nắng nóng kỷ lục ảnh 1

Người bán mũ bên ngoài Đấu trường La Mã ở Rome, Italia, ngày 17/7/2023. (Ảnh: AP)

Giới chức Rome đã thiết lập 28 điểm hỗ trợ y tế chung quanh thành phố, đồng thời khuyến nghị người dân nên ở nhà trong những khung giờ nóng nhất trong ngày, trú dưới bóng râm khi ở ngoài trời và uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày.

Trong khi đó, ở phía tây bắc thủ đô Athens của Hy Lạp, những cột khói đang bao trùm rừng Dervenohoria do một số đám cháy vẫn âm ỉ. Đầu tuần này, 1.200 trẻ em đã được đưa ra khỏi các trại hè do đám cháy rừng gần khu nghỉ dưỡng ven biển Loutraki vẫn chưa chấm dứt.

Tại quần đảo Canary của Tây Ban Nha, khoảng 400 nhân viên cứu hỏa đang nỗ lực kiểm soát đám cháy đã tàn phá 3.500ha rừng và khiến 4.000 người dân sơ tán. Nhà chức trách trên quần đảo này khuyến cáo người dân nên đeo khẩu trang khi ra ngoài do chất lượng không khí rất kém.

Trung tâm điều phối ứng phó trường hợp khẩn cấp của Liên minh châu Âu (EU) đã ban bố cảnh báo đỏ do nắng nóng tại hầu hết các khu vực của Italia, đông bắc Tây Ban Nha, Croatia, Serbia, nam Bosnia and Herzegovina, và Montenegro.

Theo kết quả nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature Medicine, hơn 61.000 người đã tử vong vì các nguyên nhân liên quan đến nắng nóng kỷ lục tại châu Âu trong mùa hè 2022.

Các phát hiện trong nghiên cứu này cho rằng, 2 thập kỷ nỗ lực của châu Âu nhằm thích nghi với một thế giới nóng hơn đã không theo kịp tốc độ ấm lên toàn cầu.

Nhiều khu vực trên thế giới đang nắng nóng kỷ lục ảnh 2

Lực lượng cứu hỏa của Tây Ban Nha đang nỗ lực dập đám cháy rừng tại La Palma, trên đảo Canary, ngày 16/7/2023. (Ảnh: Getty Images)

Châu Mỹ

Tại Mỹ, hàng triệu người cũng đang vật lộn đối phó với đợt nắng nóng nguy hiểm. Cơ quan Thời tiết của nước này dự báo nhiệt độ tại thành phố San Angelo, bang Texas, sẽ lên tới 40-42 độ C.

Cũng theo cơ quan này, với mức nhiệt 47,7 độ C trong ngày 18/7, thành phố Phoenix, bang Arizona đã phá vỡ kỷ lục 46,1 độ C được ghi nhận vào năm 1989. Hôm qua đánh dấu ngày thứ 19 nhiệt độ ban ngày tại Phoenix cao từ 43 độ C trở lên.

Canada đang trải qua đợt cháy rừng tàn khốc nhất khi có gần 1.000 đám cháy bùng phát trên khắp đất nước. Những cột khói khổng lồ lan trong không khí và tràn xuống cả quốc gia láng giềng phía nam.

Các tỉnh miền đông như Quebec, Ontario và Nova Scotia đang phải chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của những đám cháy lớn chưa được kiểm soát.

Số lượng các đám cháy được ghi nhận đã tăng gấp đôi kể từ tuần cuối tháng 6/2023 khi một số địa phương có bầu không khí khô và nền nhiệt cao kỷ lục.

Nhiều khu vực trên thế giới đang nắng nóng kỷ lục ảnh 3

Khói bốc lên từ đám cháy rừng tại British Columbia, Canada, ngày 3/6/2023. (Ảnh: Reuters)

Châu Á

Ngày 17/7, Nhật báo Tân Cương (Trung Quốc) đưa tin, nhiệt độ ở thị trấn Sanbao, trong thung lũng Turpan của khu tự trị này, đã tăng lên mức 52,2 độ C vào ngày trước đó.

Mức nhiệt này đã phá vỡ kỷ lục 50,3 độ C được ghi nhận vào năm 2015 gần khu vực Ayding trong thung lũng Turpan, khu vực lòng chảo rộng lớn với các đồi cát và hồ cạn thấp hơn mực nước biển 150m.

Cuối tuần vừa qua, đặc phái viên về khí hậu của Mỹ, ông John Kerry, đã đến Bắc Kinh hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc, ông Giải Chấn Hoa, nhằm tìm cách nối lại các nỗ lực phối hợp song phương trong ứng phó với tình trạng ấm lên toàn cầu.

Nhật Bản rất dễ bị tổn thương bởi các đợt nắng nóng khắc nghiệt do đây là một trong những quốc gia có dân số già nhất thế giới, với gần 30% dân số là người từ 65 tuổi trở lên. Cùng với trẻ em và người bệnh, người cao tuổi thường có nguy cơ bị say nắng cao hơn.

Nhiệt độ cao nhất tại Nhật Bản từng được Cơ quan Thời tiết của nước này ghi nhận là 41,1 độ C. Tuy nhiên, cuối tuần qua, nơi nóng nhất tại Nhật Bản là Kiryu, thành phố cách Tokyo khoảng 2 giờ lái xe, đã ghi nhận mức nhiệt cao nhất là 39,7. Thực tế này khiến các nhà khoa học không khỏi lo ngại nhiệt độ tại Nhật Bản chuẩn bị xác lập kỷ lục mới.

Nhiều khu vực trên thế giới đang nắng nóng kỷ lục ảnh 4

Với mức nhiệt hơn 35 độ C, ngày 17/7 vừa qua là ngày nóng nhất tại Tokyo kể từ đầu năm 2023. (Ảnh: Kyodo)

Giới chức y tế trên khắp thế giới, từ Bắc Mỹ đến châu Âu và châu Á, đã lên tiếng cảnh báo tình trạng nắng nóng hiện nay, khuyến cáo người dân tránh ra ngoài trong khung giờ nắng nóng cao điểm và cung cấp đủ nước cho cơ thể.

Biến đổi khí hậu và El Nino

Đợt nắng nóng trong mùa hè năm nay trùng với thời điểm xảy ra cháy rừng tại Hy Lạp, Thụy Sĩ, Canada và ngập lụt khiến nhiều người thiệt mạng tại Ấn Độ, Hàn Quốc.

Từ lâu các nhà khoa học đã cảnh báo biến đổi khí hậu sẽ khiến các đợt nắng nóng kéo đến thường xuyên hơn và dữ dội hơn. Họ kêu gọi các chính phủ cần hành động để giảm mạnh lượng khí thải nhằm ngăn chặn thảm họa khí hậu.

Giám đốc phụ trách khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Hans Henri P. Kluge, cho rằng, thế giới cần nhìn về tương lai khi thích nghi với "thực tế mới" của những đợt nắng nóng gây chết người và hình thái thời tiết cực đoan khác.

Theo giới khoa học, yếu tố góp phần khiến nhiệt độ năm nay cao hơn có thể là hiện tượng El Nino. Đây là một hình thái khí hậu tự nhiên sinh ra từ vùng nước ấm bất thường ở phía đông Thái Bình Dương.

El Nino xảy ra với chu kỳ trung bình khoảng 2 đến 7 năm một lần. Mỗi đợt El Nino thường kéo dài từ 9 đến 12 tháng, nhưng đôi khi hiện tượng này có thể kéo dài trong một số năm.

back to top