Nhiều kết quả tích cực trong chuyển đổi số tại Thái Bình

NDO - Tỉnh Thái Bình đang triển khai đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy nhanh, hiệu quả quá trình chuyển đổi số nhằm giúp các cơ quan, ban ngành dễ dàng trong việc quản lý, đồng thời giảm bớt các giấy tờ thủ tục hành chính khi người dân giao dịch, làm việc tại các cơ quan công quyền.
0:00 / 0:00
0:00
Công dân tra cứu thông tin thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Thái Bình.
Công dân tra cứu thông tin thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Thái Bình.

Ông Đỗ Như Lâm, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Bình cho biết: Ủy ban nhân dân tỉnh đã tham mưu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Tỉnh cũng ban hành, cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo về công tác chuyển đổi số tạo hành lang pháp lý để triển khai thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tỉnh ban hành Đề án chuyển đổi số tỉnh Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và ban hành nhiều Kế hoạch nhằm thúc đẩy triển khai chuyển đổi số trên địa bàn.

Thời điểm này, tỉnh Thái Bình đã triển khai 8/8 huyện, thành phố thành lập 260/260 Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã; 1.449/1797 Tổ công nghệ cộng đồng cấp thôn với 11.661 thành viên, trong đó có 4/8 huyện, thành phố triển khai thành lập 100% Tổ công nghệ tại các xã, thôn.

Nhờ vậy, kết quả thực hiện chuyển đổi số tăng rõ rệt, nhất là trong chính quyền số. Hiện nay, tỷ lệ dịch vụ công đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 4 đạt 100%. Một số đơn vị có kết quả thực hiện dịch vụ công trực tuyến ở một số lĩnh vực đạt kết quả cao như: Công ty Điện lực Thái Bình, Sở Giáo dục và Đào tạo, Bảo hiểm xã hội tỉnh…

Hiện nay, Cục Thuế tỉnh Thái Bình đang là đơn vị đi đầu về chuyển đổi số trong lĩnh vực thuế, góp phần tích cực vào công tác cải cách đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp đến giao dịch.

Trong thời gian qua, ngành thuế triển khai nâng cấp hệ thống mạng nội bộ tốc độ cao, bảo đảm yêu cầu truyền nhận, trao đổi dữ liệu để triển khai các ứng dụng xử lý tập trung như: Ứng dụng quản lý thuế, ứng dụng email, trao đổi tin nhắn, hội họp trực tuyến trong toàn ngành…

Hiện nay, người dân và doanh nghiệp thực hiện đăng ký, khai nộp, hoàn thuế bằng phương thức điện tử (thời gian 24/24 giờ; 7/7 ngày trong tuần ở bất cứ đâu có mạng internet), không còn phải đến trực tiếp cơ quan thuế.

Tỉnh Thái Bình phấn đấu đến hết năm nay tỷ lệ văn bản có đầy đủ chữ ký số của cơ quan và cá nhân lãnh đạo cơ quan nhà nước trên hệ thống mạng văn phòng điện tử liên thông của tỉnh đạt 50% trở lên.

Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ tổ chức và người dân nộp thủ tục hành chính mức độ 3, mức độ 4; tiếp nhận và giải quyết kịp thời hồ sơ trực tuyến trên Cổng dịch vụ công của tỉnh; bảo đảm 100% kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính được số hóa và cập nhật lên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh.