An Giang thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số

NDO - Từ ngày 27 đến 28/10, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang tổ chức Chuỗi sự kiện Chuyển đổi số tỉnh An Giang năm 2022 với chủ đề: “Thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số”.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo tỉnh tặng hoa tri ân các doanh nghiệp tham gia Chuyển đổi số.
Lãnh đạo tỉnh tặng hoa tri ân các doanh nghiệp tham gia Chuyển đổi số.

Đây là sự kiện nhằm đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với cuộc sống của mỗi người dân nói riêng và sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nói chung; thông qua các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, tạo cơ hội trao đổi, hợp tác giữa các cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, giải pháp số, góp phần nâng cao hiệu quả thúc đẩy phát triển các nền tảng số hướng đến thực hiện thành công chuyển đổi số tỉnh góp phần phát triển kinh tế số, xã hội số; hỗ trợ quảng bá, xúc tiến, thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp công nghệ thông tin đến An Giang tìm hiểu đầu tư, phát triển cũng như thúc đẩy phát triển tiềm năng lợi thế của tỉnh để chung tay thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ, chỉ tiêu của tỉnh trong thời gian tới; kết nối các cơ quan, hiệp hội, doanh nghiệp của các địa phương gặp gỡ, trao đổi về khả năng, nhu cầu, giải pháp và các chính sách nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trên các lĩnh vực du lịch, nông nghiệp, giáo dục, y tế và dịch vụ hành chính công. Đồng thời, nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, đô thị của tỉnh.

Phát biểu tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh thông tin, ngày 22/8/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh An Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, Nghị quyết đã khẳng định: "Chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu khách quan, là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, gắn với tình hình phát triển kinh tế-xã hội và là động lực trong phát triển tỉnh An Giang."

Theo bà Nguyễn Thị Minh Thúy, chuyển đổi số là cơ hội để tỉnh bứt phá, vươn lên, chính quyền số giúp nền hành chính tỉnh hoạt động hiệu quả, hiệu lực hơn, minh bạch hơn; kinh tế số thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra giá trị mới, tăng năng suất lao động, tạo ra một hệ sinh thái doanh nghiệp phát triển bền vững; xã hội số giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, thu hẹp khoảng cách phát triển, giảm bất bình đẳng.

Các ngành, lĩnh vực được tối ưu, thông minh hóa hướng đến nâng cao trải nghiệm và chất lượng cuộc sống của người dân. Chuyển đổi số chỉ có thể thành công nếu lấy người dân là trung tâm và huy động được sự tham gia của toàn dân; chuyển đổi số sẽ giúp đưa chính quyền đến gần người dân hơn; hỗ trợ chính quyền đưa ra các chủ trương, chính sách phù hợp hơn; xây dựng một hệ sinh thái doanh nghiệp mà từ đó các nguồn lực về tài nguyên, con người sẽ được sử dụng tối ưu và mang lại hiệu quả cao nhất; giúp người dân có cơ hội phát triển như nhau bất kể thành thị hay nông thôn, đồng bằng hay miền núi, vùng sâu, vùng xa; tạo nên một hệ sinh thái số, mà ở đó ngay cả một người dân không có biết gì về công nghệ số cũng có thể tham gia vào hệ sinh thái số.