Nhiều cụm công nghiệp tại Hà Nội “trống” trạm xử lý nước thải

Theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, tất cả các cụm công nghiệp phải có trạm xử lý nước thải tập trung. Tuy nhiên, tại Hà Nội, nhiều dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các cụm công nghiệp đang bị chậm, thậm chí chưa được triển khai.
0:00 / 0:00
0:00
Đoàn khảo sát của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội kiểm tra thực địa trạm xử lý nước thải tại Cụm công nghiệp làng nghề Tân Triều, huyện Thanh Trì.
Đoàn khảo sát của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội kiểm tra thực địa trạm xử lý nước thải tại Cụm công nghiệp làng nghề Tân Triều, huyện Thanh Trì.

Đến thời điểm này, thành phố Hà Nội đã thành lập được 104 cụm công nghiệp với tổng diện tích 2.262 ha, trong đó có 52 cụm công nghiệp và 52 cụm công nghiệp làng nghề. Hiện có 70 cụm công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích theo quy hoạch là hơn 1.600 ha. Trong đó đã có 41 cụm công nghiệp có trạm xử lý nước thải, 29 cụm công nghiệp sẽ được đầu tư trạm xử lý nước thải tại giai đoạn 2.

Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Nguyễn Kiều Anh cho biết: Trong số 41 cụm công nghiệp đã và đang đầu tư xây dựng hệ thống nước thải tập trung có 30 cụm công nghiệp đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung, trong đó 25 cụm công nghiệp đã đưa trạm xử lý nước thải vào hoạt động.

Hai cụm công nghiệp có trạm xử lý nước thải không hoạt động gồm: Trạm xử lý nước thải cụm công nghiệp sơn mài Duyên Thái, huyện Thường Tín; Trạm xử lý nước thải tập trung Cụm công nghiệp Tân Triều, Thanh Trì. Một cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải hoạt động không hiệu quả do chỉ xây dựng hệ thống thu gom, bể chứa, bể lắng tại Cụm công nghiệp Bát Tràng, huyện Gia Lâm.

Một cụm công nghiệp đã hoàn thiện xây dựng hạ tầng trạm xử lý nước thải chưa lắp đặt thiết bị do lượng nước thải ít, chờ đấu nối với Khu dự án phát triển làng nghề Liên Hà (cụm công nghiệp Liên Hà, Đan Phượng). Một cụm công nghiệp mới xây dựng trạm xử lý nước thải, chưa đầu tư hệ thống thu gom tại Cụm công nghiệp Yên Nghĩa, quận Hà Đông.

Ngoài ra, còn 11 cụm công nghiệp do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn TP Hà Nội (nay là Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp) đang tập trung triển khai thực hiện và dự kiến hoàn thành trong năm 2022.

Ngày 6/9, tại buổi giám sát của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội về việc thực hiện các quy định pháp luật bảo vệ môi trường trong quản lý hoạt động thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn thành phố, nhiều ý kiến chỉ rõ, tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố đang bị chậm so với mục tiêu, yêu cầu đề ra.

Ông Nguyễn Minh Tuân, Phó Trưởng Ban chuyên trách Ban Kinh tế-Ngân sách Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội chỉ rõ: Còn tình trạng nhiều trạm xử lý nước thải dù đã xây dựng xong, nhưng không thể đi vào hoạt động vì thiếu kết nối.

Để khắc phục tình trạng “trống” trạm xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố, nhiều ý kiến đề nghị thành phố có cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật tại các cụm công nghiệp do hiện cơ sở hạ tầng ban đầu xây dựng đã xuống cấp nên cần kinh phí cải tạo, bảo dưỡng; có cơ chế hỗ trợ kinh phí để vận hành trạm xử lý nước thải khi nguồn thu chưa bảo đảm cân đối với nguồn kinh phí quản lý, vận hành.

Với các cụm công nghiệp diện tích nhỏ chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải cần có giải pháp đấu nối với các cụm công nghiệp khác đang triển khai gần đó đã có hệ thống xử lý nước thải để tránh lãng phí tài chính trong vận hành trạm. Đáng chú ý, nhiều ý kiến đề nghị thành phố tăng cường thanh, kiểm tra xử lý vi phạm bảo vệ môi trường với doanh nghiệp tự ý khai thác nước ngầm phục vụ sản xuất, không đấu nối nước thải vào hệ thống xử lý của cụm công nghiệp.