Giải quyết khó khăn trong thanh toán bảo hiểm y tế
Giải trình vấn đề các bệnh viện bị nợ đọng và chậm thanh toán bảo hiểm y tế, Bộ trưởng Y tế cho biết, nguyên nhân là do những vướng mắc liên quan đến triển khai thực hiện Luật Bảo hiểm y tế và Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, khi có những quy định chưa thống nhất.
“Nhiều năm gần đây, các bệnh viện bị nợ đọng do việc thanh toán theo tổng mức chưa đáp ứng yêu cầu. Vì thế, nhiều cơ sở y tế thực sự trở thành con nợ. Do các chi phí khám chữa bệnh bỏ ra chưa được thanh toán nên việc triển khai nhiệm vụ rất khó khăn. Bên cạnh đó, việc mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế, thuốc cũng gặp khó vì nợ các nhà thầu chưa thanh toán được”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP Hồ Chí Minh) đề cập tình trạng nợ đọng thanh toán bảo hiểm y tế, thiếu vật tư y tế tại các cơ sở y tế, trong phiên thảo luận chiều 27/10. Ảnh: ĐĂNG KHOA |
Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ đã giao cho Bộ Y tế phối hợp các bộ, ngành và Bảo hiểm xã hội Việt Nam sửa đổi Nghị định 146, hiện đang được Bộ Tư pháp thẩm định.
Trước mắt, Bộ Y tế đã trình Chính phủ nghị quyết về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế để giải quyết khó khăn trong thanh toán trong năm 2021.
Liên quan vấn đề bảo hiểm y tế đối với học sinh, sinh viên quy định tại Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế, Bộ trưởng cho biết, theo kế hoạch luật này sẽ được sửa đổi vào năm 2023, và Bộ Y tế sẽ tổng hợp nội dung này trong quá trình sửa đổi luật.
Cơ bản bảo đảm được nguồn cung ứng thuốc trên thị trường trong năm 2022
Giải trình trước Quốc hội về tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nêu 2 yếu tố quan trọng là việc đăng ký lưu hành kịp thời sản phẩm thuốc, trang thiết bị y tế và việc mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế của các cơ sở y tế.
Theo đó, đối với việc đăng ký sản phẩm thuốc và trang thiết bị y tế, vừa qua Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 12 để giải quyết các vấn đề liên quan đến đăng ký lưu hành.
Cho đến nay, Bộ Y tế cũng đã công bố danh mục trên 10.000 thuốc hết hạn hiệu lực; tiếp tục được cấp giấy lưu hành đến hết năm 2022.
Quang cảnh phiên thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế-xã hội chiều 27/10. Ảnh: ĐĂNG KHOA |
“Vì thế, cơ bản bảo đảm được nguồn cung ứng thuốc trên thị trường của năm 2022, đáp ứng kịp thời thuốc phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân và phòng, chống dịch”, Bộ trưởng Y tế khẳng định.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Đào Hồng Lan thừa nhận, mặc dù nguồn cung bảo đảm nhưng vướng mắc liên quan đến quy định về đấu thấu khiến một số cơ sở y tế rơi vào tình trạng thiếu thuốc cục bộ trong một số thời điểm.
Bộ Y tế đã đánh giá, đưa ra giải pháp, tham mưu phù hợp, trong đó trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện về bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ khám, chữa bệnh để tháo gỡ khó khăn trong mua sắm, đấu thầu vật tư y tế.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đang phối hợp các Bộ, ngành sửa đổi Luật Dược và các nghị định, thông tư có liên quan trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế và các nội dung liên quan đến việc cấp đăng ký lưu hành, đấu thầu tập trung quốc gia.
Đồng thời, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên được phân công làm công tác đấu thầu và công bố rộng rãi kết quả đấu thầu, thành lập tổ công tác để hỗ trợ cho công tác đấu thầu…
Cũng tại phiên họp, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nêu một số giải pháp nhằm khắc phục tình trạng thiếu hụt nhân lực ngành y tế. Theo đó, Bộ Y tế đã trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 56 về hỗ trợ mức phụ cấp đối với nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Về các chính sách để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế, Bộ trưởng cho biết sẽ báo cáo bổ sung trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn các thành viên Chính phủ sắp tới.