Giải pháp khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế

NDO - Sáng 12/8, tại Hà Nội, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm "Các giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế" với sự tham dự các vị khách mời là lãnh đạo các cơ quan chức năng, bệnh viện, chuyên gia.
0:00 / 0:00
0:00
Các khách mời tại tọa đàm.
Các khách mời tại tọa đàm.

Các khách mời tham dự chương trình, gồm: PGS,TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai; TS Nguyễn Thị Ngọc Bảo, Phó Giám đốc Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia, Bộ Y tế; PGS,TS Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII; TS Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế).

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nắm được thông tin về tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế qua các báo cáo, phản ánh của người dân, các cơ quan báo chí, khẳng định đây là vấn đề nghiêm trọng, đang diễn ra tại nhiều nơi, khiến người dân lo lắng.

Với tinh thần tính mạng và sức khỏe của nhân dân là trên hết, trước hết và quan trọng nhất, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhiều lần chỉ đạo Bộ Y tế thống kê, đánh giá một cách khoa học, thực tiễn, khách quan, trung thực và có hướng khắc phục kịp thời, hiệu quả…

Trao đổi về vấn đề này, TS Nguyễn Thị Ngọc Bảo chia sẻ, vấn đề thiếu thuốc, trang bị vật tư không phải bây giờ mới có mà rất lâu rồi đã xảy ra tình trạng đó. Nhưng quan trọng là thiếu ở mức độ nào, thiếu cái gì, thiếu ra sao? Cụ thể như tuần vừa rồi, lãnh đạo Bộ Y tế đã phê duyệt thành lập 4 đoàn đi kiểm tra thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế ở tất cả các cơ sở y tế.

Trước đây, các bệnh viện, thí dụ như Bạch Mai, thiếu thuốc thì bệnh viện có thể làm việc với các nguồn thuốc, hoặc thiếu trang thiết bị y tế thì bệnh viện có đối tác có thể xử lý được tình trạng đấy ngay. Nhưng hiện tại, chúng ta lại có các cấp tổ chức đấu thầu khác nhau.

Cuộc sống bao giờ cũng diễn ra theo quy trình của thực tế nhưng các văn bản quy phạm pháp luật của chúng ta thì trên 90% không theo kịp thực tế. Cho nên đấy là những nguyên nhân về phía văn bản quy phạm pháp luật cũng có ảnh hưởng đến thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế.

Giả sử Bệnh viện Bạch Mai thiếu thuốc ở danh mục đấu thầu quốc gia hoặc danh mục đàm phán giá thì chắc chắn phải chờ sự điều tiết hoặc can thiệp của cấp quốc gia. Hoặc ở địa phương, chẳng hạn Bệnh viện Bạch Mai đóng ở địa bàn thành phố Hà Nội thì lại phụ thuộc vào danh mục đấu thầu của địa phương. Tất cả những nguyên nhân đó sẽ góp phần vào bài toán thiếu thuốc và vật tư, trang thiết bị y tế hiện nay.

Cuộc sống bao giờ cũng diễn ra theo quy trình của thực tế nhưng các văn bản quy phạm pháp luật của chúng ta thì trên 90% không theo kịp thực tế. Cho nên đấy là những nguyên nhân về phía văn bản quy phạm pháp luật cũng có ảnh hưởng đến thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế. Tiếp theo là đối tượng liên quan, tổ chức, cá nhân thực thi các vấn đề đó như thế nào cũng góp phần vào tình trạng thiếu. Ở đây chúng ta mới xoay quanh vấn đề thiếu thuốc, trang thiết bị y tế thôi. Còn có những danh mục thuốc cá thể lại thừa chẳng hạn.

Theo PGS,TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, đây là vấn đề rất nóng, không phải với riêng Bệnh viện Bạch Mai mà có lẽ lúc này là của cả ngành y tế. Sau dịch Covid-19 kiểm soát tốt, bắt đầu sang quý II/2022, số lượng bệnh nhân đến với Bệnh viện Bạch Mai tăng lên đột biến, bởi nhiều lý do. Sau hơn 2 năm chúng ta chống dịch, rất nhiều người dân, người bệnh không được đến các bệnh viện chuyên sâu như Bệnh viện Bạch Mai. Do vậy số lượng bệnh nhân từ các tuyến, các tỉnh về Bệnh viện Bạch Mai để khám chữa bệnh tăng đột biến, hầu hết các chuyên khoa đều tăng đến 5 lần, làm cho áp lực thiếu trang thiết bị, vật tư, thuốc vốn dĩ đã có từ trước, nay thiếu trầm trọng hơn. Đây là thực tế.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, Ban lãnh đạo bệnh viện từ năm 2020 đến năm 2022 hoàn toàn mới. Sau 2 năm dịch bệnh thì nguồn lực về tài chính, trang thiết bị, vật tư, thuốc đều rơi vào tình trạng thiếu trầm trọng vì phải tập trung vào chống dịch. Về thiết bị y tế, với một bệnh viện lớn, 15 năm qua, Bệnh viện Bạch Mai thực hiện chủ trương xã hội hóa trong công tác y tế. Do vậy, hầu hết nhiều thiết bị y tế là liên doanh, liên kết, máy đặt, máy mượn và máy liên doanh. Khi các máy, thiết bị này hết hợp đồng liên doanh, liên kết thì dừng hoạt động.

Các cơ quan hậu kiểm, khi kiểm tra các hoạt động liên doanh, liên kết, xã hội hoá ở Bệnh viện Bạch Mai cũng phát hiện các vướng mắc về tư pháp. Do vậy, các thiết bị, vật tư y tế không đáp ứng được các quy định, quy chuẩn về pháp lý để tiếp tục thực hiện. Từ đó dẫn đến thực trạng các máy móc chẩn đoán, như máy chụp chiếu, siêu âm, cộng hưởng từ, máy test CT, các máy kỹ thuật cao như robot phẫu thuật… là những thiết bị hiện đại nhưng vướng vào pháp lý, vướng vào các quy định.

Giải pháp khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế ảnh 1

PGS, TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai phát biểu tại tọa đàm.

Mặc dù được các cơ quan chức năng, tư pháp ủng hộ đưa ra hoạt động trở lại để phục vụ thăm khám, chăm sóc cho người bệnh, nhưng còn vướng vấn đề pháp lý như đã hết hợp đồng, nên bệnh viện không thể đưa vào hoạt động cho người bệnh có bảo hiểm y tế dù bệnh nhân có bảo hiểm y tế đến với Bệnh viện Bạch Mai chiếm hơn 90%.

Những máy này giờ đưa vào hoạt động cũng không phục vụ được người bệnh có bảo hiểm y tế bởi vì vấn đề pháp lý liên quan thanh toán bảo hiểm. Cơ quan bảo hiểm hiện tại không thể thanh toán cho người bệnh nếu bệnh viện sử dụng các loại máy này.

Ban lãnh đạo Bệnh viện đã có các văn bản, báo cáo cụ thể với Bộ Y tế, các cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Hà Nội, tháo gỡ những vướng mắc này, cùng chung tay để chúng ta đưa các thiết bị y tế đang “đắp chiếu” vào sử dụng, phục vụ người bệnh; Bệnh viện đã có cuộc làm việc chuyên ngành với Bảo hiểm xã hội Việt Nam để tìm các giải pháp sớm đưa các thiết bị này hoạt động trở lại.

Nếu như Bệnh viện Bạch Mai làm được điều này thì các bệnh viện công khác có tình trạng như Bệnh viện Bạch Mai cũng làm được để các thiết bị tương tự sớm được đưa vào hoạt động. Hiện tại, với số lượng bệnh nhân tăng đột biến như vậy, không riêng gì Bệnh viện Bạch Mai mà nhiều bệnh viện công khác, nhiều bệnh viện tuyến cuối ở Hà Nội cũng rơi vào tình trạng này. Vậy khó khăn ở đâu?

Thứ nhất, đó là khó khăn ở chuỗi cung ứng. Hiện, nhiều vật tư tiêu hao, sinh phẩm có trong thầu, trúng thầu rồi nhưng các nhà cung cấp, các công ty, đơn vị phân phối không cung cấp được.

Thứ hai là, các công ty được trao thầu, mời thầu thì không chào thầu, không tham gia thầu, bởi lẽ sau hơn 2 năm dịch bệnh, nhiều công ty có sản phẩm thông dụng, phổ biến, thiết yếu đã bị đứt chuỗi và phá sản, không thể cung ứng được.

Thứ ba là, giá của các mặt hàng này hiện tại so những giá đã trúng thầu trước đây trong vòng 1 năm qua đã tăng lên rất nhiều. Do vậy, các công ty có báo cáo là không thể chào thầu với giá như vậy nữa vì họ sẽ bị lỗ.

Về cơ sở pháp lý, Chính phủ cũng đã chỉ đạo rất quyết liệt trong việc sửa đổi các văn bản pháp quy liên quan vấn đề mua sắm thuốc, vật tư, thiết bị y tế. Bệnh viện đã có văn bản báo cáo và có cuộc họp liên tịch giữa Bộ Y tế với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan chức năng khác.

Điều cần thiết là làm sao những văn bản pháp quy của chúng ta trở thành các công cụ hữu ích, tiện ích cho các cơ sở, bệnh viện, cơ sở y tế mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế được thuận tiện, minh bạch, công khai. Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, và lãnh đạo Bộ Y tế cũng quyết liệt chỉ đạo sửa và bệnh viện là những người đồng hành để sửa các văn bản pháp quy này.

Hiện tại, một số văn bản pháp quy, một số thông tư, nghị định không còn cập nhật nữa như Thông tư 14 trong phân loại, mua sắm trang thiết bị vật tư. Khi bệnh viện bắt tay vào làm thì thấy những quy định không mang tính cập nhật nữa, gây khó khăn cho việc mua sắm, đấu thầu. Hiện, Bộ Y tế đang chỉ đạo các vụ, cục, cơ quan liên quan sửa Thông tư 14, 15 liên quan mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư. Bộ Tài chính cũng đang tích cực sửa Thông tư 58. Bệnh viện cũng đã kiến nghị sửa Nghị định 98 liên quan đầu thầu thuốc, vật tư.

Điều cần thiết là làm sao những văn bản pháp quy của chúng ta trở thành các công cụ hữu ích, tiện ích cho các cơ sở, bệnh viện, cơ sở y tế mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế được thuận tiện, minh bạch, công khai. Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, và lãnh đạo Bộ Y tế cũng quyết liệt chỉ đạo sửa và bệnh viện là những người đồng hành để sửa các văn bản pháp quy này.

Có thể nói, đây cũng là một nguyên nhân. Trong thời gian qua đấu thầu tập trung quốc gia chậm cũng ảnh hưởng các hoạt động của các cơ sở. Tuy nhiên, Bệnh viện Bạch Mai đã chủ động đấu thầu thuốc và đã có ngay từ đầu năm. Bệnh viện dự báo được sau khi dịch được kiểm soát, chắc chắn bệnh nhân sẽ tăng lên. Bệnh viện đã chủ động đấu thầu mua sắm, vì vậy không bị bị động trong vấn đề cung ứng thuốc, điều trị nội trú hoặc ngoại trú cho người bệnh…

PGS,TS Bùi Thị An kiến nghị: Một là, Chính phủ cần xem cơ chế, chính sách có vấn đề gì vướng thì tập trung sửa ngay. Giống như một trận đánh, chúng ta phải chụm đầu lại, làm thêm giờ, sửa văn bản. Trong quá trình làm, đương nhiên có sai, chỉ có điều sai với động cơ vì dân thì khác với cái sai với động cơ vì cá nhân. Cho nên, đề nghị Chính phủ cho rà soát lại ngay và có lộ trình, đừng lâu quá, xem tất các văn bản liên quan thuốc, đấu thầu, mua sắm có gì vướng thì sửa ngay.

Hai là, chia sẻ với ngành y vừa rồi có tâm lý e ngại vì một số sự việc. Nói rằng không e ngại là không đúng vì chúng ta là con người. Nhưng trong ngành y, vẫn còn nhiều y, bác sĩ rất dũng cảm, trong trường hợp này, cần sự dũng cảm của các đồng chí. Hãy vào cuộc, với động cơ trong sáng, thì các đồng chí sẽ tìm được thuốc với giá hợp lý. Người dân không bao giờ trách sao mua đắt; đắt mà hợp lý thì người dân vẫn chấp nhận.

TS Nguyễn Huy Quang chia sẻ, rõ ràng đối với thuốc, chúng ta có phân nhóm, nhưng với vật tư tiêu hao, vật tư y tế chúng ta không có phân nhóm rõ ràng. Cho nên có dư luận xã hội nói là cùng 1 cái, giá là 15.000 đồng, nhưng giá của nó chỉ là 1.800-1.900 đồng thôi. Nhưng rõ ràng là nếu chúng ta mua cái chỉ 1.800-1.900 đồng ở một hãng nào đấy ở các quốc gia chậm phát triển thì chất lượng không thể bằng cái mười mấy nghìn đồng được.

Chúng ta phải có phân nhóm, từ phân nhóm như vậy đặt ra tiêu chí đấu thầu. Thí dụ, như Bệnh viện Bạch Mai hay các bệnh viện tuyến cuối thì phải ở mức độ cao hơn, chứ không thể lấy những vật tư y tế 1.900-2.000 đồng trong khi giá đến 200.000-300.000 đồng. Rõ ràng có khác nhau, nhưng như anh Cơ cũng chẳng dám mua cái 200.000 đồng. Như vậy sẽ vi phạm quy định, cho nên chúng ta cũng cần lưu tâm.

Với dự thảo Nghị quyết của Chính phủ, sẽ tháo gỡ được một số khó khăn trước mắt hiện nay, trong đó cũng tính đến việc phải áp dụng thời điểm bán, đấu thầu trang thiết bị y tế là thời điểm phê duyệt giá trúng thầu, sẽ khắc phục được những yếu tố trước đây.

(TS Nguyễn Huy Quang)

Theo TS Quang, chúng ta tính giá của thời kỳ trước mà chưa tính tới lạm phát, liên quan các yếu tố cắt đứt chuỗi cung ứng; trong đó có tăng giá của logictisc, vận chuyển rồi bảo quản… Với giá như bây giờ, trang thiết bị nằm kho trong một thời gian dài nữa, nên tính đến thời điểm phê duyệt giá trúng thầu, sẽ đáp ứng được tương đối sát với thị trường hiện nay và chúng ta sẽ làm cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tổ chức đấu thầu, đáp ứng được yêu cầu đặt ra, bệnh viện sẽ yên tâm và các công ty trúng thầu sẽ yên tâm…