Thành phố Hồ Chí Minh cơ bản không có tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế

NDO - Chiều 18/8, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức họp báo thông tin về tình hình kinh tế-xã hội; phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh buổi họp báo.
Quang cảnh buổi họp báo.

Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi về tình hình thuốc, vật tư y tế của các bệnh viện trên địa bàn thành phố, bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, cho hay, hiện, cơ bản không có tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các cơ sở trực thuộc Sở Y tế thành phố.

Thành phố Hồ Chí Minh cơ bản không có tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế ảnh 1
Đại diện Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh trả lời câu hỏi của phóng viên.

Tuy nhiên, sắp tới, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn có khả năng xảy ra việc thiếu một số thuốc, vật tư y tế nếu có tình trạng chuyển bệnh từ các tỉnh về. Các thuốc bị thiếu trong thời gian qua như Dopamin, Methotrexat dạng viên đã được cung ứng lại. Đối với thuốc Dextran 40 trong điều trị sốc trên bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue, Sở Y tế thành phố đang làm việc với công ty nhập khẩu, dự kiến tuần sau sẽ cung ứng được 500 túi Dextran 40; tháng 10/2022 sẽ cung ứng được số lượng lớn.

Trong thời gian chưa có Dextran 40, Sở Y tế thành phố đã hướng dẫn các đơn vị sử dụng các phác đồ thay thế trong điều trị sốc trên bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue. Đối với thuốc Protamin sulfat sử dụng trong mổ tim, các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa của thành phố có triển khai phẫu thuật tim hở khẳng định đều không có tình trạng thiếu Protamin sulfat, mổ tim vẫn diễn ra bình thường tại các bệnh viện này.

Do Protamin sulfat là thuốc hiếm, nên các bệnh viện của thành phố đều chủ động dự trù để các đơn vị chuyên nhập khẩu thuốc lập đơn hàng nhập khẩu theo quy định và sẵn sàng cung ứng cho các bệnh viện để bảo đảm công tác điều trị của đơn vị. Theo thông tin, nhà cung cấp đã nhập khẩu về đến Việt Nam 28.000 lọ và sẵn sàng cung ứng.

Trả lời về tình trạng ngộ độc rượu trong thời gian qua, ông Lê Minh Hải, Phó Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) thành phố, cho biết, nhằm tăng cường công tác phòng, chống ngộ độc rượu và tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, tuyên truyền phòng, chống tác hại của việc sử dụng rượu, Ban Quản lý ATTP thành phố đã có các văn bản gửi UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện trên địa bàn thành phố.

Trong đó, tập trung các nội dung: Tăng cường thông tin tuyên truyền về tác hại của việc làm rượu hoặc sử dụng rượu không bảo đảm an toàn thực phẩm; tăng cường thanh tra, kiểm tra điều kiện an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất rượu, đặc biệt là cơ sở sản xuất theo hình thức thủ công; xử lý nghiêm đối với các trường hợp sản xuất và kinh doanh rượu không bảo đảm an toàn thực phẩm.

Theo ông Lê Minh Hải, công tác kiểm tra an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố được thực hiện thường xuyên, liên tục. Căn cứ theo kế hoạch năm, Ban Quản lý ATTP thành phố đã xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về an toàn thực phẩm theo từng đợt cao điểm như Tết Nguyên đán, dịp lễ; thanh tra, kiểm tra theo chuyên đề.

Từ đầu năm 2022 đến hết tháng 7/2022, Ban Quản lý ATTP thành phố đã kiểm tra 59 cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, bia và chưa phát hiện trường hợp vi phạm; đã tham mưu Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm thành phố ban hành kế hoạch về việc triển khai công tác kiểm tra an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, đồ uống có cồn trên địa bàn thành phố.