Nhiều chính sách an sinh hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong dịch Covid-19

NDO -

Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong sáu tháng đầu năm, cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam nỗ lực cùng các bộ, ngành liên quan để đề xuất xây dựng, sửa đổi các chính sách an sinh xã hội hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do đại dịch.

Ảnh: Nguyễn Đăng.
Ảnh: Nguyễn Đăng.

Ngày 6/7, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết công tác sáu tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ sáu tháng cuối năm 2021.

Nỗ lực vượt khó trong đại dịch

Trong sáu tháng đầu năm 2021, đất nước phải trải qua hai đợt dịch Covid-19, nền kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân bị ảnh hưởng, tác động sâu sắc bởi đại dịch, Bảo hiểm xã hội Việt Nam chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong việc tham gia xây dựng, sửa đổi các dự luật quan trọng liên quan đến chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Tiêu biểu là các luật: Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bảo hiểm y tế (sửa đổi); Thanh tra (sửa đổi)…

Đặc biệt, Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan đề xuất, trình Chính phủ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Đó là chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất; chính sách giảm mức đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ thuật nghề để duy trì việc làm cho người lao động (người lao động) từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp;…).

Tính đến ngày 5/7, toàn quốc ước có 16,17 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, đạt 32,49% lực lượng lao động. Trong đó, có 15 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, tăng 509.817 người so với cùng kỳ năm 2020 (tăng 3,52%); 1,17 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, tăng 466.586 người so với cùng kỳ năm 2020 (tăng 65,89%).

Cả nước hiện có khoảng 87,5 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, tăng hơn 1,9 triệu người so với cùng kỳ năm 2020 (tăng 2,23%), đạt tỷ lệ 89,63% dân số.

Công tác thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp ước đạt 195.143 tỷ đồng, đạt 45,23% kế hoạch Chính phủ giao năm 2021. Nổi bật 10 địa phương có tỷ lệ % số thu so với kế hoạch được giao cao như: Tuyên Quang; Quảng Ngãi; Lai Châu; Đồng Tháp; Bình Phước; Thanh Hóa; Vĩnh Phúc; Nghệ An; Hưng Yên; Điện Biên. Tổng số nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp ước chiếm 5% so với số phải thu; giảm 0,3% so với tỷ lệ nợ cùng kỳ năm 2020.

Công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động của ngành tiếp tục được đẩy mạnh. Phương thức hoạt động được đổi mới theo hướng phục vụ, nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia.

Đáng chú ý, bộ thủ tục hành chính của ngành bảo hiểm xã hội được cắt giảm còn 25 thủ tục. Tất cả các thủ tục của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã được cung cấp trực tuyến mức độ 4 trên Cổng Dịch vụ công của ngành; tích hợp, liên thông với Cổng Dịch vụ công quốc gia, đạt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW.

Người dân cũng đã được sử dụng hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID khi đi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên phạm vi toàn quốc từ ngày 1/6. Đến nay, đã có hơn 11,2 triệu người cài đặt và sử dụng ứng dụng này.

Bảo đảm quyền lợi cho người tham gia

Chỉ trong sáu tháng đầu năm 2021, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố linh hoạt trong tổ chức thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế nhằm bảo đảm quyền lợi cho người hưởng.

Cụ thể, xây dựng phương án chi trả gộp hai tháng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng/ chi trả tại nhà đối với địa bàn bị phong tỏa.

Bên cạnh đó, tổ chức kê đơn, cấp phát thuốc điều trị ngoại trú các bệnh mãn tính với thời gian dài hơn (tối đa ba tháng); bảo đảm thanh quyết toán đầy đủ chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế liên quan đến dịch Covid-19; chuyển tuyến, hẹn tái khám phù hợp với tình hình dịch bệnh tại địa phương; đẩy mạnh giao dịch điện tử;… góp phần hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp, bảo đảm việc giãn cách, cách ly xã hội để phòng chống dịch Covid-19.

Đến hết tháng 5/2021, ngành bảo hiểm xã hội đã tiếp nhận hồ sơ và giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với 1.847 đơn vị, doanh nghiệp, với 192.503 lao động, với số tiền tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất là trên 786 tỷ đồng.

Cơ quan bảo hiểm xã hội cũng xác nhận danh sách người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương đối với 168.163 người và người lao động bị ngừng việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với 585 người.

Ngoài ra, việc vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài ngành quyên góp, ủng hộ kinh phí để trao tặng sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, bị dịch Covid-19 ảnh hưởng được triển khai tích cực. Người lao động trong toàn ngành cũng đóng góp ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch Covid-19, Quỹ Vaccine phòng Covid-19 với số tiền hàng tỷ đồng…