Nhiều bất cập trong hoạt động quảng cáo

Nhận định chung của hầu hết đại biểu khi tham gia chương trình giám sát hoạt động quảng cáo của Hội đồng nhân dân thành phố mới đây, đó là, có quá nhiều đơn vị chức năng cùng quản lý hoạt động này trong khi thiếu một “nhạc trưởng” có thẩm quyền cấp phép và chế tài vi phạm.
0:00 / 0:00
0:00

Đơn cử, việc quản lý hoạt động, nội dung quảng cáo trên địa bàn thành phố được giao cho Sở Văn hóa và Thể thao. Riêng quảng cáo ngoài trời, nếu lắp đặt trên phạm vi hành lang an toàn giao thông do Sở Giao thông vận tải quản lý; việc treo băng-rôn trên trụ đèn chiếu sáng đô thị lại do Sở Xây dựng quản lý... Như vậy, thực tế hoạt động quảng cáo của thành phố xem như “chia năm, xẻ bảy” tùy theo tính chất lĩnh vực, từ đó dẫn đến công tác quản lý chưa tập trung, thiếu sự rà soát, thậm chí còn thất thu không nhỏ cho ngân sách nhà nước. Đó là chưa kể các bảng quảng cáo nằm trên các tuyến đường cao tốc vẫn còn “bỏ trống” đơn vị quản lý hay bảng quảng cáo “treo” ở phía trên công trình tư nhân, nhà ở của người dân hiện chưa có quy định nên cũng lúng túng trong công tác quản lý…

Sở Giao thông vận tải cũng cho biết, Sở được phân cấp quản lý 1.428km đường với khoảng 979 trụ pa-nô tuyên truyền cổ động chính trị, an toàn giao thông kết hợp quảng cáo thương mại nằm trong hành lang đường bộ. Tuy nhiên, nguồn thu quảng cáo từ các trụ này Sở lại không giữ mà được nộp vào Quỹ Bảo trì đường bộ (đơn giá cho thuê đối với trụ quảng cáo có diện tích dưới 10m2 là 10 triệu đồng/trụ/năm, hơn 10m2 là 15 triệu đồng/trụ/năm). Cũng theo Sở Giao thông vận tải, phí này gọi là phí cho thuê tạm thời khi đặt vị trí các trụ trên hành lang an toàn giao thông, không phải chi phí cho thuê quảng cáo cho nên phí này vẫn chưa sát với thực tế.

Bên cạnh đó, một trong những nội dung vi phạm phổ biến của hoạt động quảng cáo ngoài trời được Sở Văn hóa và Thể thao thành phố nhận định là nhiều bảng quảng cáo không viết chữ bằng tiếng Việt mà viết bằng tiếng nước ngoài; treo hoặc dựng bảng quảng cáo không đúng vị trí đã quy hoạch; không thông báo hoặc thông báo không đúng nội dung quảng cáo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi thực hiện quảng cáo.

Với những sai phạm này, trong năm 2020, thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao thành phố đã kiểm tra và xử lý 136 vụ vi phạm với số tiền hơn một tỷ đồng; năm 2021 kiểm tra, xử lý 145 vụ với số tiền hơn 1,9 tỷ đồng. Không chỉ vậy, qua ghi nhận thực tế các trụ quảng cáo không bảo đảm khoảng cách theo quy định trong hành lang an toàn giao thông, quảng cáo vượt diện tích quy định của bảng quảng cáo; không ghi tên, địa chỉ, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo; một số nơi tuyên truyền, cổ động chính trị trở thành quảng cáo thương mại...

Trước những bất cập này, thành phố cần sớm ban hành Quy chế quảng cáo và chiến lược phát triển quảng cáo trên địa bàn, có như vậy mới có thể cấp phép sản phẩm quảng cáo. Các sở, ngành chức năng tiếp tục rà soát, đánh giá thực trạng quản lý hoạt động quảng cáo, những bất cập cần khắc phục. Thống kê đầy đủ các vị trí quảng cáo ở từng địa phương; trong đó, xác định vị trí nào nên ưu tiên cổ động chính trị, không cho quảng cáo thương mại; thực hiện cơ chế đấu thầu công khai để tạo thêm nguồn thu cho ngân sách.

Đồng thời, kiên quyết xử lý những bảng, trụ quảng cáo để trống, xuống cấp, vừa mất mỹ quan vừa không an toàn, tăng tính chế tài đối với những hành vi quảng cáo sai phạm, “lập lờ”. Nhiều ý kiến cho rằng, các sở, ngành thành phố cần xem lại cơ sở của đơn giá tạm tính cho thuê quảng cáo có phù hợp không, nộp ngân sách ra sao; sớm xác định đơn vị quản lý các trụ quảng cáo trên cao tốc, các bảng quảng cáo treo lửng lơ trên tường nhà, công trình...

Để hoạt động quảng cáo từng bước đi vào nền nếp, tạo tính công bằng giữa các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, tạo ra nguồn thu hiệu quả cho Nhà nước, cần phải có “nhạc trưởng” quản lý hoạt động này ■