Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, dữ liệu từ Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) cho thấy, nhiệt độ bề mặt đại dương ở vùng biển chung quanh quần đảo Nhật Bản trong nửa đầu năm nay đạt mức cao nhất kể từ năm 1982, khi dữ liệu lần đầu tiên được theo dõi.
Theo phân tích dữ liệu JMA về nhiệt độ mặt nước biển trung bình ở 10 vùng biển gần Nhật Bản được thực hiện khoảng 10 ngày một lần trong 43 năm qua, Thái Bình Dương ngoài khơi Hokkaido đặc biệt ấm áp, điều mà các chuyên gia cho là do dòng chảy bất thường của dòng hải lưu Kuroshio.
Nhiệt độ các đại dương trên thế giới tiếp tục tăng lên mức cao kỷ lục
Theo số liệu, nhiệt độ mặt nước biển trung bình từ tháng 1- 6/2024 là 18,44 độ C. Mức nhiệt này cao hơn khi so sánh với mức 18,18 độ C được thiết lập vào năm 1998, khi đó là một kỷ lục.
Mức nhiệt này cũng cao hơn 1,06 độ C so mức trung bình trong giai đoạn từ 1991-2020, được coi là “bình thường”.
Đặc biệt, nhiệt độ nước mặt ở vùng biển trải dài phía đông Hokkaido trong nửa đầu năm cao hơn bình thường 2,38 độ C.
Ông Toru Miyama, nhà nghiên cứu trưởng về vật lý đại dương tại Cơ quan Khoa học và công nghệ biển-Trái Đất của Nhật Bản (JAMSTEC) cho rằng, dòng chảy bất thường của Dòng hải lưu Kuroshio là nguyên nhân.
Dòng hải lưu Kuroshio mang theo sức nóng từ đại dương ấm áp phía nam. Thông thường, dòng hải lưu Kuroshio quay vòng ngoài khơi bờ biển Choshi, tỉnh Chiba và chảy về phía đông.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Miyama, từ khoảng mùa thu năm 2020, dòng hải lưu này bắt đầu di chuyển rõ rệt về phía bắc dọc theo Honshu, hòn đảo chính của Nhật Bản.
Chuyên gia Miyama cho biết, điều này được cho là do gió Tây di chuyển theo hướng bắc nhiều hơn trước. Ông nói thêm rằng, hiện tượng này cũng được cho là có liên quan đến hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Sự thay đổi nhiệt độ này đã ảnh hưởng đến hoạt động đánh bắt cá và các hoạt động khác. Vào ngày 3/4, 9 tàu đánh cá bằng lưới trôi đã đồng loạt khởi hành đánh bắt cá hồi và cá hồi xa bờ từ cảng Habomai ở Nemuro, Hokkaido.
Năm nay, thời điểm bắt đầu mùa đánh bắt cá được dời lên một tuần so với năm trước, một biện pháp bất thường. Ngư trường có nhiều cá hồi chum, cá hồi hồng và cá hồi đỏ nằm cách Nhật Bản trong phạm vi 200 hải lý.
Ông Kazuhiko Nakajima, 65 tuổi, giám đốc điều hành hiệp hội ngư dân cá hồi nhỏ Thái Bình Dương có trụ sở tại Sapporo, cho biết: “Do nhiệt độ nước biển tăng cao, gần như không thể đánh bắt được cá hồi vào cuối mùa đánh bắt trong những năm gần đây”.
Một trong những nguyên nhân gây ra những bất thường như vậy ở ngư trường là “sóng nhiệt đại dương”, một hiện tượng hiếm gặp về mặt thống kê trong đó nhiệt độ nước biển cao kéo dài hơn 5 ngày.
Khu vực ngoài khơi bờ biển phía đông Hokkaido đến Sanriku được biết đến là nơi có hiện tượng này đặc biệt đáng chú ý.
Sự di chuyển về phía bắc của dòng hải lưu Kuroshio ngăn dòng hải lưu lạnh giá Oyashio di chuyển về phía nam, khiến các đợt nắng nóng đại dương dễ xảy ra hơn.
Vào mùa thu năm 2021, bờ biển phía Đông Hokkaido hứng chịu đợt thủy triều đỏ tồi tệ nhất từng được ghi nhận. Nhím biển, cá hồi và bạch tuộc chết hàng loạt.
Các chuyên gia lưu ý rằng thủy triều đỏ là do sự gia tăng bùng nổ của thực vật phù du có độc tính cao do sự thay đổi môi trường dưới biển vì đợt nắng nóng đại dương vào mùa Hè cùng năm gây ra.
Ông Hiroshi Kuroda, trưởng nhóm vật lý biển tại Cơ quan Giáo dục và nghiên cứu thủy sản Nhật Bản cho biết, sóng nhiệt đại dương xảy ra thường xuyên ở vùng biển quanh Nhật Bản từ tháng 7-9 trong những năm gần đây và hiện đang trở nên phổ biến hơn.
Chuyên gia Kuroda cho biết: “So với đầu những năm 1990, khả năng xảy ra các đợt nắng nóng trên đại dương đã tăng khoảng 4 lần trong những năm 2020”.