Nhiệt độ bề mặt đại dương ở Mỹ tăng cao bất thường

Nhiệt độ nước bề mặt đại dương ở trong và chung quanh quần đảo Florida Keys, cực nam của bang Florida (Mỹ) tăng lên mức bất thường vào tuần này.
0:00 / 0:00
0:00
Quần đảo Florida Keys, cực nam của bang Florida, Mỹ. (Ảnh: Reuters)
Quần đảo Florida Keys, cực nam của bang Florida, Mỹ. (Ảnh: Reuters)

Nắng nóng cực đoan đang ảnh hưởng đến nhiều bang của nước Mỹ. Trong đó, một hiện tượng được ghi nhận là nhiệt độ nước bề mặt đại dương ở trong và chung quanh quần đảo Florida Keys, cực nam của bang Florida, tăng lên mức bất thường vào tuần này.

Cụ thể, tại Manatee Bay, một đảo và khu vực hành chính thuộc chuỗi đảo Florida Keys, nhiệt độ bề mặt nước được ghi nhận vào chiều 24/7 tăng cao ở mức 38,44 độ C.

Theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), thông thường, vào thời điểm này trong năm, nhiệt độ bề mặt nước ở những khu vực này được ghi nhận ở mức khoảng từ 23 độ C đến 31 độ C.

Trước đó, giới chức đã đưa ra cảnh báo về hiện tượng nước biển ấm lên tại các khu vực ở đông nam nước Mỹ, bao gồm bang Florida, trong bối cảnh nền nhiệt tiếp tục gia tăng trên nhiều vùng miền ở nước này.

Hồi đầu tháng 7, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết nhiệt độ nước biển trên phạm vi toàn cầu đã đạt mức cao kỷ lục hằng tháng kể từ hồi tháng 5/2023 và một phần là do hiện tượng El Nino gây ra.

Các nhà khoa học cảnh báo nhiệt độ bề mặt nước biển tăng cao có thể đe dọa đến hệ sinh thái biển, sinh vật biển cũng như ảnh hưởng đến sinh kế của những ngư dân.

Trong khi đó, ở bang Arizona, các nhà khoa học ngày 25/7 ghi nhận xương rồng saguaro - một biểu tượng của miền tây nước Mỹ - đã bị héo rũ xuống, không ra nhánh và thậm chí đổ rạp trong đợt nắng nóng cực đoan chưa từng có ở bang này.

Theo nhà khoa học Tania Hernandez tại khu vườn Desert Botanical ở thành phố Phoenix, bang Arizona, nắng nóng cực đoan lên tới trên 43 độ C kéo dài 25 ngày tại Phoenix đã khiến loài cây được mệnh danh là “gã khổng lồ” trên sa mạc này gặp khó khăn trong quá trình sinh tồn.

Lâu nay, xương rồng được biết đến là loài cây có thể chịu đựng được mức nhiệt cao để sinh tồn song đôi khi vẫn cần nước và nhiệt độ giảm vào ban đêm.

Ngày 25/7, theo đánh giá của một nhóm nhà khoa học của World Weather Attribution - tổ chức chuyên đánh giá vai trò của biến đổi khí hậu đối với mô hình thời tiết cực đoan trên thế giới, mô hình thời tiết cực đoan ở cả trên đất liền và trên đại dương, với quy mô và mức độ ngày càng gia tăng, là do tác động của biến đổi khí hậu mà con người gây ra.

Các nhà khoa học nói rằng kiểu thời tiết cực đoan này đã trở thành một hiện tượng thời tiết trên phạm vi toàn cầu. Nhóm nghiên cứu dự đoán các đợt nắng nóng cực đoan đang diễn ra hiện nay có thể sẽ tiếp diễn cho đến hết tháng 8.