Gia tăng bệnh nhân cao tuổi nhập viện
Chị Hoàng Thị M. (Cầu Giấy, Hà Nội) tất tả lo thủ tục giấy tờ cho mẹ chị là bà Triệu Thị N. (75 tuổi) nhập viện Bệnh viện Lão khoa Trung ương sáng 1/11. Bà N. có tiền sử bệnh phổi. Những ngày thay đổi thời tiết vừa qua, bà N. vẫn đi tập thể dục buổi sáng ở công viên Cầu Giấy. Tuy nhiên, thời gian buổi sáng sớm nhiệt độ giảm sâu, bệnh hô hấp của bà lại tái phát, sốt, khó thở và ho không dứt. "Bà bị viêm phổi nặng, bác sĩ chỉ định nhập viện", chị M. chia sẻ.
Tập tễnh chân đau đến khám về bệnh lý cơ xương khớp, ông Nguyễn Văn M. (71 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, mấy hôm nay trở trời, ông lại bị đau khớp gối, tràn dịch, đi lại rất khó khăn. Ông cố gắng ở nhà bó đầu gối, hạn chế vận động, tuy nhiên cơn đau vẫn hành hạ ông từng đêm không ngủ được. "Tôi phải đi khám, lại hút dịch khớp gối chứ không đau không gập được chân, nhức nhối không đi lại được", ông M. nói.
Ngồi trên xe lăn, bà Nguyễn Thị Th. (78 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) mệt mỏi gục xuống thành ghế. Bà Th. có tiền sử mắc tiền đình từ 20 năm trước, lần này, thời tiết giao mùa khiến căn bệnh của bà tái phát, lúc nào cũng trong tình trạng nôn nao, chóng mặt, không gượng dậy được, cơ thể lả đi như muốn ngất. Chị Lê Thị H. - con gái bà Th. chia sẻ, lần này gia đình cho bà nhập viện nằm điều trị một thời gian, để bà ở nhà lo lắng không biết tình trạng của bà ra sao.
Nhiều người cao tuổi mắc bệnh hô hấp, xương khớp đến khám những ngày qua. |
Ghi nhận tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương, trong những ngày thời tiết chuyển lạnh vừa qua, tỷ lệ bệnh nhân nhập viện tăng cao.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Dương Thị Hồng Lý, Trưởng Khoa Ung bướu và điều trị giảm nhẹ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết, thông thường số lượng bệnh nhân tới khám tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương khá ổn định trong năm. Tuy nhiên, vào những dịp thời tiết thay đổi đột ngột như những ngày nóng nực giữa hè hoặc khi thời tiết chuyển mùa trở lạnh số lượng bệnh nhân đến khám và phải nhập viện điều trị tăng lên rõ rệt.
"Trong giai đoạn này, thời tiết đang chuyển mùa từ thu sang đông, nhiệt độ ngày đêm chênh lệch khá cao nên có tình trạng tăng số lượng bệnh nhân đến khám vì các triệu chứng về hô hấp (ho, khó thở) và các vấn đề xương khớp (đau khớp gối, đau cột sống thắt lưng…).
Bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương sáng 1/11. |
Nhiều bệnh nhân ngoại trú thời gian này cũng phàn nàn về tình trạng đau đầu, chóng mặt, rối loạn giấc ngủ, đo huyết áp dao động nhiều", bác sĩ Lý cho biết.
Điều đặc biệt khác, thời gian gần đây, có một số lượng không nhỏ người cao tuổi đến khám vì sốt (test Dengue dương tính), đây thực sự là mối lo ngại lớn vì sốt xuất huyết là khởi nguồn cho một loạt các bất lợi về sức khỏe của người cao tuổi, thậm chí đe dọa tính mạng của họ.
Nhiệt độ chênh lệch cao, người già cần lưu ý sức khỏe
Theo bác sĩ Lý, thời tiết giao mùa là 1 trong những yếu tố đặc trưng của khí hậu nước ta. Đây là một yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe của mọi người, đặc biệt là ở người cao tuổi.
Trong giai đoạn giao mùa thu-đông ở miền bắc, thời tiết từ thời tiết mát mẻ sang lạnh, ẩm, có khi hanh khô; nhiệt độ có sự chênh lệch giữa ngày và đêm nhiều là điều kiện thuận lợi cho các loại virus, vi khuẩn gây bệnh phát triển, ảnh hưởng đến sức khỏe. Bên cạnh đó, ở người cao tuổi có sự suy giảm chức năng hoạt động của các hệ cơ quan như hệ tim mạch, hệ miễn dịch… Đây là nguyên nhân khiến người cao tuổi dễ bị mắc bệnh khi thời tiết giao mùa.
Khi thời tiết giao mùa, người cao tuổi dễ bị nhiễm bệnh hoặc bệnh tái phát do hệ miễn dịch đã suy giảm.
Theo đó, với người cao tuổi, đường hô hấp rất nhạy cảm với thời tiết của mùa lạnh, dễ bị các bệnh như viêm mũi họng, viêm khí quản, phế quản, hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phổi,... Người hút thuốc lá, thuốc lào, uống rượu, bia nhiều nguy cơ mắc bệnh hơn.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Dương Thị Hồng Lý, Trưởng Khoa Ung bướu và điều trị giảm nhẹ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương chia sẻ về các bệnh lý của người cao tuổi khi thời tiết giao mùa. |
Các bệnh này nếu không phát hiện hoặc điều trị ngay có thể dẫn đến mạn tính hoặc nguy hiểm cho tính mạng. Bệnh có thể tái phát bởi sức đề kháng kém. Hoặc do dùng thuốc không thường xuyên hoặc cả hai.
Ngoài ra, người cao tuổi dễ mắc các bệnh về tim mạch: tăng huyết áp, đột quỵ, nhồi máu cơ tim; các bệnh nhiễm trùng hô hấp, nhiễm trùng tiết niệu, nhiễm trùng tiêu hóa; các bệnh về cơ, xương, khớp: loãng xương, thoái hóa khớp, viêm khớp.
Theo bác sĩ Lý, tuy số lượng người cao tuổi đến khám tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương trong thời gian này có sự tăng lên nhưng với sự cộng tác liên khoa, Ban Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương luôn có sự điều động nhân lực hợp lý.
"Cùng với việc triển khai cổng đăng ký hẹn khám trước qua điện thoại, đồng thời lịch tái khám của các bệnh nhân trong các chương trình quản lý bệnh mạn tính tại bệnh viện đã được các bác sĩ phân bổ hợp lý tránh việc quá tải bệnh nhân, nên dù bệnh nhân đông trong những ngày thời tiết tiêu cực như vậy nhưng hầu hết không phải chờ đợi quá lâu", bác sĩ Lý chia sẻ.