Cần chính sách thiết thực với người cao tuổi

Ngày Quốc tế Người cao tuổi (1/10) năm 2023 được tổ chức với chủ đề “Gia đình và xã hội hãy tạo điều kiện để người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống có ích”. Tương tự, Tháng hành động vì Người cao tuổi Việt Nam năm nay có chủ đề: “Người cao tuổi được phát huy và chăm sóc đầy đủ”.
0:00 / 0:00
0:00
Khám sức khỏe cho người cao tuổi tại phường Quan Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: HẢI NAM
Khám sức khỏe cho người cao tuổi tại phường Quan Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: HẢI NAM

Đề nghị có chính sách hỗ trợ người cao tuổi tham gia BHYT

Theo dự báo mới đây của Tổng cục Thống kê, tại Việt Nam tính đến năm 2038, nhóm dân số từ 60 tuổi trở lên sẽ chiếm khoảng 20% tổng dân số. Và với tốc độ già hóa dân số như hiện nay, Việt Nam sẽ nằm trong tốp 10 quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới.

Ở thời điểm này chỉ số già hóa của toàn bộ dân số Việt Nam là 53,13; chưa có tỉnh nào có chỉ số già hóa hơn 100 thì với tốc độ già hóa tăng nhanh như hiện nay, dự báo đến năm 2029, tăng lên 14 tỉnh, thành phố có chỉ số già hóa hơn 100, tức là có dân số cao tuổi nhiều hơn dân số trẻ em. Và đến năm 2039, con số sẽ tăng lên 41 tỉnh, thành phố. “Trong khi đó, việc chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi vẫn còn hạn chế, chưa có mô hình hiệu quả”, ông Phan Văn Toàn, Phó Vụ trưởng Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế cho biết.

Hiện cả nước chỉ có một bệnh viện đầu ngành về chăm sóc người cao tuổi là Bệnh viện Lão khoa T.Ư... Việc chăm sóc người cao tuổi chủ yếu dựa vào người nhà. Tuy nhiên, lực lượng này cũng đang không đủ so với nhu cầu do số sinh thấp (mỗi nhà trung bình có 1 - 2 con) và phần lớn bận rộn với lịch làm việc, học tập dày đặc. Các giải pháp tạm thời, như thuê người giúp việc, cũng gặp không ít bất tiện và rắc rối do người giúp việc thiếu kiến thức, kỹ năng chuyên môn và sự hiểu biết về tâm lý...

Ông Trương Xuân Cừ, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam đánh giá: “Tại Việt Nam, có khá nhiều người cao tuổi sống đơn thân hoặc sống một mình trong giờ hành chính, không có con cái nên nhu cầu về dịch vụ chăm sóc người cao tuổi là rất lớn. Hiện có rất nhiều hình thức chăm sóc người cao tuổi khác nhau, nhưng cho dù là hình thức nào thì theo tôi, các dịch vụ này rất phù hợp với cuộc sống hiện đại bởi người cao tuổi rất cần được sống trong môi trường cộng đồng, duy trì các mối quan hệ xã hội, được giao lưu, được chăm sóc, hoạt động thường xuyên để cuộc sống thêm ý nghĩa cả về vật chất lẫn tinh thần”.

Anh Nguyễn Văn Thuần, nhân viên Trung tâm Chăm sóc người cao tuổi Orihome, một trung tâm hiện có cả ba loại hình chăm sóc (24/24, ban ngày, tại nhà) cho biết: So sánh các loại hình chăm sóc người cao tuổi hiện nay, dễ thấy mỗi loại hình đều có ưu, nhược điểm khác nhau, nên các gia đình cần cân nhắc kỹ để lựa chọn cho mình một loại hình phù hợp. Cụ thể, loại hình chăm sóc nội trú 24/24 sẽ phù hợp với người cao tuổi mất khả năng vận động và không có khả năng tự chăm sóc bản thân. Người cao tuổi sẽ được chăm sóc đầy đủ và an toàn, được quản lý và theo dõi diễn biến sức khỏe liên tục và thường xuyên bởi nhân sự có chuyên môn. Sau một thời gian, người cao tuổi sẽ thích nghi với lịch sinh hoạt điều độ, có môi trường sống phù hợp bởi họ được sinh hoạt cùng với những người cùng độ tuổi nên dễ bề tâm sự, giảm bớt sự cô đơn... Khi chọn hình thức này, người cao tuổi sẽ phải sống xa người thân nên rất dễ có cảm giác tủi thân, nhớ nhà nếu không được người thân thăm hỏi hoặc đón về chơi thường xuyên.

Với dịch vụ chăm sóc người cao tuổi vào ban ngày, ưu điểm là vào ban ngày người cao tuổi sẽ có bạn để vui chơi, sinh hoạt, đến tối vẫn trở về với người thân. Tuy nhiên, loại hình dịch vụ này chỉ phù hợp với người cao tuổi vẫn còn khả năng vận động tốt và mức suy giảm trí nhớ thấp, đặc biệt là người cao tuổi có nhà ở gần địa chỉ điều dưỡng. Còn với loại hình dịch vụ chăm sóc tại nhà, người cao tuổi sẽ luôn được ở bên cạnh người thân mà vẫn được chăm sóc, theo dõi về y tế, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo; tuy nhiên, giờ giấc sinh hoạt của người cao tuổi dễ mất cân bằng và không được kiểm soát nghiêm ngặt về chế độ ăn uống để bảo đảm phù hợp với bệnh lý; với người cao tuổi có thể trạng liệt hoặc cần thủ thuật chăm sóc, nếu không được chăm đúng cách thì có thể phát sinh thêm bệnh tật...

Để các dịch vụ chăm sóc cho người cao tuổi phát triển, nhiều ý kiến đề xuất cần khuyến khích nhiều hơn các doanh nghiệp tư nhân tham gia dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, đáp ứng nhu cầu ngày một lớn của người dân, Nhà nước cần có nhiều chính sách ưu đãi hơn nữa như hỗ trợ về mặt bằng, phát triển nhân lực, hỗ trợ về quy chuẩn cho từng mô hình an dưỡng cụ thể, có danh mục nghề cho người chăm sóc để họ được công nhận và được đào tạo...

Hướng tới Tháng hành động vì Người cao tuổi Việt Nam năm 2023 (diễn ra từ ngày 1 đến 31/10), Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đề nghị BHXH các tỉnh, thành phố chủ động tham mưu HĐND, UBND tỉnh, thành phố có chính sách hỗ trợ người cao tuổi tham gia BHYT từ nguồn ngân sách địa phương. Cụ thể, BHXH Việt Nam vừa ban hành Công văn số 3008/BHXH-TT hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố đẩy mạnh truyền thông hưởng ứng Tháng hành động vì Người cao tuổi Việt Nam năm 2023 với chủ đề “Người cao tuổi được phát huy và chăm sóc đầy đủ”. Theo thống kê, hiện cả nước có 16,1 triệu người cao tuổi, trong đó, khoảng 95% người cao tuổi có thẻ BHYT. Số ít còn lại chưa tham gia thuộc các đối tượng chưa đủ điều kiện được cấp thẻ BHYT miễn phí, có hoàn cảnh khó khăn…

Trong Tháng hành động, BHXH Việt Nam yêu cầu toàn ngành truyền thông sâu, rộng về ý nghĩa, giá trị của việc hưởng lương hưu hằng tháng đối với người cao tuổi. Nội dung truyền thông cần lấy các trường hợp người cao tuổi sống an nhàn nhờ có lương hưu, có thẻ BHYT để chăm sóc sức khỏe, giúp người dân hiểu rõ, qua đó, chủ động tích lũy an sinh cho tuổi già bằng cách tham gia BHXH khi còn độ tuổi lao động… Ở cấp cơ sở, BHXH Việt Nam đề nghị BHXH các tỉnh, thành phố chủ động tham mưu HĐND, UBND tỉnh, thành phố có chính sách hỗ trợ người cao tuổi tham gia BHYT từ nguồn ngân sách địa phương; đồng thời, huy động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ trao tặng thẻ BHYT cho người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn.

Cần chính sách thiết thực với người cao tuổi ảnh 1

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đề xuất giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống còn 75 tuổi.

Lấp khoảng trống bằng tầng hưu trí xã hội

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), tổng số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) hằng tháng, trợ cấp hưu trí xã hội là hơn 5,1 triệu người, chiếm khoảng 35% tổng số người sau độ tuổi nghỉ hưu. Số người cao tuổi không có lương hưu và trợ cấp BHXH chiếm 65% đang là khoảng trống về an sinh xã hội. Việt Nam xác định đến năm 2030, phấn đấu khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội.

Do vậy, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã bổ sung nội dung về trợ cấp hưu trí xã hội. Theo đó, công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng khác, thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước (NSNN) bảo đảm. Mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng do Chính phủ quy định, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của NSNN từng thời kỳ.

Dự thảo Luật cũng giao Chính phủ báo cáo Quốc hội quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng của NSNN từng thời kỳ. Dự thảo mới nhất Chính phủ trình Quốc hội đã đề nghị giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống còn 75 tuổi sẽ giúp mở rộng đối tượng thụ hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thêm khoảng 800 nghìn đến 1 triệu người cao tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội và bảo hiểm y tế.

Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu có thời gian đóng BHXH (bao gồm cả bắt buộc và tự nguyện) mà chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu (chưa đủ 15 năm đóng) và cũng chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (chưa đủ 75 tuổi) thì được lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng cho thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, tùy thuộc vào thời gian đóng, tiền lương, thu nhập tháng đóng BHXH của người lao động; đồng thời trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng thì được hưởng BHYT do NSNN bảo đảm.

Như vậy, quy định này giúp gia tăng thêm đối tượng hưởng trợ cấp hằng tháng, mà NSNN không phát sinh tăng nhiều (NSNN chỉ hỗ trợ BHYT, còn trợ cấp hằng tháng do quỹ BHXH bảo đảm từ thời gian đóng BHXH của người lao động). Theo tính toán, người lao động có thời gian đóng BHXH là 5 năm với mức tiền lương tháng đóng bình quân như hiện nay, nếu người lao động không hưởng BHXH một lần mà lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng thì có thể được hưởng trợ cấp hằng tháng (với mức thấp nhất bằng mức trợ cấp hưu trí xã hội) ngay từ khi đủ tuổi nghỉ hưu thay vì phải chờ đến 75 tuổi.