Nhiễm ký sinh trùng từ những điều không ngờ

NDO - Ăn nhiều rau sống, nuôi chó mèo trong nhà nhưng lại bỏ qua thói quen uống thuốc tẩy giun định kỳ khiến nhiều người Việt mắc bệnh ký sinh trùng, gây ra những nguy hiểm cho sức khỏe. 
0:00 / 0:00
0:00
Một bệnh nhân phải phẫu thuật loại bỏ khối u trong não do bị nhiễm ký sinh trùng.
Một bệnh nhân phải phẫu thuật loại bỏ khối u trong não do bị nhiễm ký sinh trùng.

Thói quen ăn uống dễ khiến nhiễm ký sinh trùng

Bệnh viện E (Hà Nội) vừa tiếp nhận 2 trường hợp bệnh nhân nhiễm ký sinh trùng có bệnh lý nền với diễn biến nguy hiểm.

Trường hợp đầu tiên là bệnh nhân 64 tuổi, ở Tam Điệp, Ninh Bình, đang điều trị bệnh lý về máu tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương. Gần đây do bệnh nhân đau âm ỉ liên tục hạ sườn trái, nên được chuyển tới Bệnh viện E kiểm tra. Xét nghiệm máu cho thấy tiểu cầu thấp, bạch cầu cao và dương tính với giun đũa chó mèo.

Trường hợp khác là một bệnh nhân 60 tuổi ở Hà Nội từng mổ sỏi niệu quản trái năm 2021, cắt túi mật nội soi năm 2022, có áp xe phía trên thành ngực phải, phải chọc hút dịch ở ổ áp xe nhiều lần.

Bệnh nhân tới khám do sờ thấy khối cục trên cơ thể. Tại bệnh viện, ngoài có ổ áp xe lớn ở ngực phải, bệnh nhân còn có đám thâm nhiễm mỡ sau phúc mạc ở hố chậu trái. Kết quả xét nghiệm cho thấy có tình trạng nhiễm khuẩn, dương tính với giun đũa chó mèo.

Qua khai thác tiền sử, các bác sĩ cho biết, cả hai bệnh nhân này đều có thói quen ăn rau sống và có nuôi chó mèo trong gia đình.

Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Mạnh Cường, Phụ trách Khoa Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện E, cho biết với giun đũa chó mèo, bệnh nhân có nguy cơ lây nhiễm khi tiếp xúc với nguồn phân chó mèo có chứa ấu trùng hoặc ăn các loại rau sống có chứa ấu trùng này.

Trước đó, tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội ghi nhận trường hợp bệnh nhân N.T (Hà Tĩnh) trước đó khỏe mạnh nhưng bỗng nhiên bị liệt nửa người. Bệnh nhân được chỉ định chụp MRI, phát hiện một nửa bán cầu não có rất nhiều khối u.

GS, BS Nguyễn Văn Đề - nguyên Trưởng bộ môn Ký sinh trùng (Trường đại học Y Hà Nội) cho biết, bệnh nhân bị nhiễm giun đầu gai và ký sinh ở trong não, chính giun này gây nên những khối u bên trong và dẫn tới bị liệt. Điều này do bệnh nhân thường ăn các loại gỏi thủy hải sản.

Tuy nhiên, cũng có những trường hợp bệnh nhân không ăn rau sống, ăn uống sạch sẽ vẫn bị nhiễm ký sinh trùng.

Điển hình đó là trường hợp bệnh nhân 50 tuổi, ở Mộc Châu, Sơn La, thường xuyên đau ở vùng hạ sườn phải, bị tăng huyết áp đã điều trị nhiều năm. Bệnh nhân có mẹ đã mất vì ung thư gan nên rất lo lắng đã tìm tới Bệnh viện E kiểm tra. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân dương tính với giun lươn, các xét nghiệm về ung thư đều bình thường, có men gan cao.

Khi biết mình bị nhiễm giun lươn, bệnh nhân đã rất bất ngờ do chưa nghe đến tên bệnh này. Bệnh nhân cũng khẳng định với bác sĩ mình ăn uống rất cẩn thận, sạch sẽ, hiếm khi ăn đồ sống.

Trường hợp này chủ yếu là làm vườn, nhặt rau không đeo găng tay, từ đó ký sinh trùng xâm nhập qua cơ thể từ những vết xước măng rô ở ngón tay.

Nhiều đường lây của ký sinh trùng

Theo GS, BS Nguyễn Văn Đề, khi ấu trùng giun đầu gai xâm nhập vào cơ thể, chúng không nằm cố định ở một chỗ mà "di chuyển" đến các bộ phận khác. Ấu trùng có thể ở dưới da, lên não, vào tim, gan…

Các biểu hiện khi nhiễm ký sinh trùng thường rất đa dạng, do vậy dễ bị chẩn đoán nhầm thành bệnh khác.

Trên thực tế, đã có những trường hợp nhiễm giun, sán bị chẩn đoán nhầm thành ung thư. Do vậy, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ vô cùng nguy hiểm cho sức khỏe.

Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Mạnh Cường cho biết giun lươn thường lây qua da, vào mạch máu (tĩnh mạch) và cũng có thể lây qua đường ăn uống. Do đó, nhiều người dù ăn uống rất sạch sẽ nhưng vẫn nhiễm bệnh, đường lây nhiễm có thể do tiếp xúc với đất, nhặt rau có ấu trùng….

"Giun lươn khi ký sinh ở cơ quan nào sẽ gây tổn thương cho cơ quan đó. Nếu ký sinh tại gan dễ gây áp xe gan, lên não có thể gây áp xe não, tổn thương não. Nếu không phát hiện kịp thời có thể gây nguy hiểm đến tính mạng", bác sĩ Cường cho biết.

Về phương pháp điều trị, bác sĩ Cường cho hay, tùy từng loại ký sinh trùng sẽ có thời gian điều trị khác nhau, có thể kéo dài từ 2-4 tuần theo đúng phác đồ của bác sĩ. Với trường hợp có ổ áp xe ở một số bộ phận thì cần tiến hành chọc hút.

Đặc biệt, khi đã nhiễm ký sinh trùng, dù điều trị khỏi nhưng vẫn hoàn toàn có khả năng mắc lại, vì thế việc phòng bệnh là rất quan trọng.

Theo bác sĩ Cường, triệu chứng khi nhiễm ký sinh trùng đa số đều có đặc điểm: mệt mỏi, chán ăn, thiếu máu, gầy sút cân.

Để phòng bệnh, việc đầu tiên phải làm là ăn chín, uống sôi. Ngoài ra cần uống thuốc tẩy giun định kỳ.

Khi lao động cần phải có đồ bảo hộ vì có ký sinh trùng lây nhiễm qua da. Nếu thấy cơ thể có bất thường, cần đi khám sớm để loại trừ nguy cơ nhiễm ký sinh trùng và các bệnh lý khác.