Đừng quên lãng các bệnh ký sinh trùng

NDO -

NDĐT – TS, BS Trần Huy Thọ cho biết, các bệnh ký sinh trùng thường hay mắc phải ở người lớn do thói quen ăn gỏi, nem chua, tiết canh. Ngoài bệnh sán dây lợn, gần đây, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trương ương ghi nhận gia tăng số bệnh nhân mắc ấu trùng giun đũa chó mèo, sán lá gan, giun lươn…

TS, BS Trần Huy Thọ.
TS, BS Trần Huy Thọ.

Bệnh ký sinh trùng thường bị quên lãng

Sự việc hàng trăm trẻ mầm non tại huyện Thuận Thành, Bắc Ninh dương tính với sán dây lợn và nhiễm nhiều loại ký sinh trùng khác như giun đũa chó mèo, sán lá gan… là một cảnh báo về thói quen ăn uống và sử dụng thực phẩm không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, những bệnh về ký sinh trùng này thường bị quên lãng và không ít người dân coi nhẹ bệnh này.

TS, BS Trần Huy Thọ, Trưởng khoa điều trị hàng ngày (Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương) cho biết, những năm gần đây, viện ghi nhận số bệnh nhân đến khám mắc giun đũa chó mèo tăng mạnh. Bệnh nhân gặp triệu chứng ngứa, nổi ban, mề đay và đã từng đi khám ở các chuyên khoa da liễu, dị ứng nhưng không hiệu quả. Giun đũa chó, mèo ký sinh ở động vật, người là vật chủ bị ký sinh nhầm. Ấu trùng này sẽ theo đường máu di chuyển tới các bộ phận trong cơ thể và khi ký sinh ở bộ phận nào, chúng sẽ gây tổn thương cho bộ phận đó.

Trong khi đó, bệnh sán lá gan cũng rất phổ biến với tổn thương như khối u ở gan. Những trường hợp nhiễm sán lá gan lớn chủ yếu là bệnh nhân đã khám ở những bệnh viện tuyến Trung ương chụp CT có những tổn thương gan, đã loại trừ ung thư. Sán lá gan lớn không phải là bệnh mới nhưng ngày càng xuất hiện nhiều. Năm 2016, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương tiếp nhận và điều trị tới gần 2.000 ca sán lá gan.

Những bệnh nhân nhiễm sán lá gan thường bị đau hạ sườn phải, đau thượng vị (mũi ức) dạ dày vì gan trái gần với dạ dày, nên dễ bị chẩn đoán nhầm thành đau dạ dày. Sán lá gan cũng gây ra những tổn thương gan như những ổ áp xe trong gan, phá hủy tế bào gan nên có thể bị chẩn đoán nhầm thành u gan.

Một căn bệnh nữa cũng nguy hiểm gây xôn xao những ngày qua là bệnh ấu trùng sán lợn. Khi cơ thể mang ấu trùng sán lợn, ấu trùng này sẽ ký sinh ở não gây động kinh, co giật, liệt, nói ngọng làm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người bệnh.

Ký sinh trùng điều trị khỏi, cần chú ý cách ăn uống

Các bệnh ký sinh trùng gây ra những khó chịu trong sinh hoạt và cuộc sống khác nhau như ngứa; mề đay, tổn thương gan, tổn thương não… dẫn tới những biến chứng như động kinh, co giật… Thậm chí có bệnh nhân còn bị chẩn đoán là ung thư gan, phải can thiệp ngoại khoa.

TS Trần Huy Thọ cho biết, bệnh ký sinh trùng thường hay bị chẩn đoán nhầm. Nhiều bệnh nhân đến Viện Sốt rét sau khi đã tìm không ra lý do bị bệnh. “Có bệnh nhân đến với chúng tôi sau khi được chẩn đoán ung thư gan giai đoạn cuối, bệnh viện trả về. Tuy nhiên, sau một thời gian bệnh nhân đi tái khám thấy bạch cầu tăng, đến với chúng tôi làm các xét nghiệm, chẩn đoán thì phát hiện mắc bệnh sán lá gan lớn”, BS Thọ nói.

Các bệnh ký sinh trùng thường âm ỉ, dai dẳng nên nhiều người dân thờ ơ, bỏ qua. Khi bị ngứa hay đau đầu, mọi người đi điều trị da liễu và tâm thần mãn. Nhưng vì điều trị không đúng bệnh, cho tới khi lên cơn co giật mới khám… thì lúc ấy, bệnh đã tiến triển nặng.

Cũng theo BS Thọ, các bệnh ký sinh trùng hiện nay đều có phác đồ điều trị của Bộ Y tế. Tuy nhiên, tùy từng thể bệnh, giai đoạn bệnh và tính chất tổn thương của người bệnh mới có thể đánh giá được phác đồ điều trị.

"Với bệnh ấu trùng sán lợn, có những bệnh nhân tổn thương dưới da, có những bệnh nhân tổn thương não. Ở da, điều trị những tổn thương da sẽ mất đi, còn với não thì có những bệnh nhân điều trị theo ba lộ trình khỏi nhưng cũng có những bệnh nhân không hết, tạo thành sạn vôi trên não, dẫn đến di chứng như co giật, động kinh, ứ dịch não tủy, gây chèn ép đau đầu, giảm chức năng vận động. Những trường hợp cần thiết sẽ phải phải can thiệp ngoại khoa rồi tiếp tục điều trị bệnh ký sinh trùng", TS Thọ nói.

Chuyên gia khuyến cáo, bệnh giun sán nói chung, bệnh sán lợn nói riêng là bệnh mọi đối tượng người dân đều có nguy cơ nhiễm bệnh. Biện pháp tốt nhất vẫn là dùng thực phẩm phải qua chế biến, nấu chín, uống nước đun sôi để nguội, rửa tay trước khi ăn. Đồng thời định kỳ tẩy giun 6 tháng/lần.