Ăn gỏi sống, coi chừng "rước họa" bệnh ký sinh trùng

NDO -

NDĐT - Từ tháng 2 đến tháng 6-2017, Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận gần 100 bệnh nhân nhiễm giun lươn trong các biểu hiện bệnh lý về tiêu hóa, phổi, ổ bụng… Đa số các bệnh nhân này đều vẫn thói quen ăn gỏi, ăn tái, không ăn thức ăn sống, chưa được nấu chín như nem chua, gỏi, rau sống...

Hình ảnh sán lá gan.
Hình ảnh sán lá gan.

Do đặc điểm khí hậu nhiệt đới cùng ý thức vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường không bảo đảm và những thói quen tập quán sinh hoạt lạc hậu, là điều kiện thuận lợi cho bệnh nhiễm ký sinh trùng phát triển. Vì thế, bệnh nhân nhiễm ký sinh trùng, đặc biệt là sán lá gan lớn, giun lươn nhập viện có chiều hướng gia tăng.

TS.BS Đoàn Thu Trà, Trưởng Phòng Nhiễm khuẩn tổng hợp, Phó khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, có rất nhiều bệnh nhân đến khoa với chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết, suy kiệt, tiêu chảy kéo dài rất nặng nề mà không tìm ra nguyên nhân. Từ tháng 2 đến tháng 6-2017, Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận gần 100 bệnh nhân nhiễm giun lươn trong các biểu hiện bệnh lý về tiêu hóa, phổi, ổ bụng…

Hiện khoa đang điều trị cho một bệnh nhân 70 tuổi (Ý Yên, Nam Định) bị áp xe gan do nhiễm sán lá gan. Bệnh nhân vào viện trong tình trạng sốt cao và đau nhiều vùng gan được tuyến dưới chẩn đoán áp xe gan không rõ nguyên nhân.

“Thể trạng người bệnh sốt cao, rét run, có biểu hiện bệnh lý nhiễm trùng, vùng gan rất đau, men gan cũng như xét nghiệm Bilirubin máu tăng cao. Chúng tôi đã lưu ý đặc biệt đến yếu tố tập quán của bệnh nhân sống ở vùng quê hay ăn những thức ăn chưa được nấu chín như nem chua, gỏi, rau sống… và kết quả xét nghiệm huyết thanh chẩn đoán là dương tính với sán lá gan. Như vậy bệnh nhân được chẩn đoán áp xe gan là do nhiễm sán lá gan” - bác sĩ Trà cho biết.

Ăn gỏi sống, coi chừng "rước họa" bệnh ký sinh trùng ảnh 1

Bác sĩ Đoàn Thu Trà khám cho bệnh nhân.

Một cảnh báo từ các bác sĩ truyền nhiễm là hiện nay bệnh lý về viêm màng não do Angiostrongylus cantonesis (một loài giun đũa chuột gây nên) cũng gia tăng và gây ra những bệnh cảnh nặng nề. Hiện nay, khoa đang có một đề tài nghiên cứu kết hợp với bên Nhật do một bác sĩ người Nhật làm đề tài cho thấy, tổn thương về bệnh lý do giun đũa chuột tại Việt Nam tỷ lệ gặp tương đối nhiều trong các bệnh nhân viêm màng não, đặc biệt là các bệnh nhân viêm màng não không tìm rõ căn nguyên.

Bác sĩ Trà khuyến cáo, hiện nay một số bác sĩ ngay cả ở tuyến Trung ương cũng chưa thực sự quan tâm đến những bệnh lý do nhiễm ký sinh trùng. Do đó, trong một số trường hợp chẩn đoán viêm màng não hoặc một số bệnh chưa rõ căn nguyên. Vì thế, theo bác sĩ Trà, nếu bệnh nhân có kèm theo các bệnh lý tiêu chảy kéo dài, có bệnh lý về áp xe gan thì nên sàng lọc để phát hiện các nguyên nhân do ký sinh trùng để có chẩn đoán và điều trị chính xác cho người bệnh. Bởi đối với các bệnh lý do ký sinh trùng nếu không chẩn đoán đúng, việc sử dụng kháng sinh sẽ không có tác dụng, gây kháng thuốc và tốn kém cho bệnh nhân, gia đình và xã hội. Ngược lại nếu chẩn đoán đúng thì việc điều trị nhiều khi lại rất đơn giản với chi phí không nhiều.

Để phòng tránh các bệnh do ký sinh trùng, bác sĩ chuyên ngành truyền nhiễm khuyến cáo: Người dân phải tấy giun thường xuyên một lần/năm; Thức ăn phải đun sôi, nấu chín; Từ bỏ tập tục thói quen ăn gỏi, ăn tái, không ăn thức ăn sống, chưa được nấu chín như nem chua, gỏi, rau sống…; Vệ sinh cá nhân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, tránh tiếp xúc gần gũi với các con vật nuôi, vứt bỏ các thảm cũ, bụi bặm…