Ngày 11/10, thông tin từ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, sau khi siêu bão Yagi gây ngập lụt, sạt lở đất tại các tỉnh phía bắc hồi đầu tháng 9, Chính phủ Nhật Bản đã công bố khoản hỗ trợ 2 triệu USD cho Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) để triển khai các nỗ lực cứu trợ quan trọng và khắc phục sớm tại Việt Nam.
Dự án bao gồm 1 triệu USD để thực hiện các dịch vụ thiết yếu về nước sạch, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường (WASH) và bảo vệ trẻ em do UNICEF Việt Nam cung cấp cho 21.251 cá nhân, cùng 1 triệu USD để IOM Việt Nam hỗ trợ nơi ở tạm thời và cung cấp các đồ dùng thiết yếu cho 16.800 cá nhân tại các tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nhất từ cơn bão.
“Việt Nam có câu tục ngữ ‘Lá lành đùm lá rách’. Chính phủ Nhật Bản muốn bảo đảm rằng khoản hỗ trợ này góp phần trợ giúp cho quá trình phục hồi, tái thiết của một số cộng đồng dễ bị tổn thương nhất tại Việt Nam ở các vùng nông thôn chịu thiệt hại nặng nề sau cơn bão”, ông Ito Naoki, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam chia sẻ.
Nhật Bản cung cấp hàng cứu trợ khẩn cấp cho Việt Nam khắc phục thiệt hại bão số 3
Đại sứ cũng bày tỏ hy vọng cách tiếp cận toàn diện này với những đối tác đáng tin cậy sẽ đặt ra một lộ trình vững chắc cho quá trình phục hồi và tái thiết, đồng thời nhấn mạnh phải hành động nhanh chóng để đạt được tầm nhìn chung về một Việt Nam hùng mạnh, thịnh vượng và kiên cường.
Khoản hỗ trợ này sẽ giúp giải quyết nhu cầu cấp thiết của trẻ em và các gia đình bị ảnh hưởng bởi cơn bão, bên cạnh việc làm cầu nối, tạo điều kiện cho sự phối hợp đa ngành rộng rãi hơn, tăng cường các nỗ lực xuyên suốt trong bảo đảm nơi ở, chăm sóc y tế, giáo dục và dinh dưỡng để đáp ứng nhu cầu toàn diện của trẻ em và gia đình.
Cán bộ IOM trao hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi bão lũ. (Ảnh: IOM Việt Nam) |
Là một phần của kế hoạch hợp tác chung của Liên hợp quốc với Chính phủ Việt Nam, IOM và UNICEF tập trung vào việc hỗ trợ các hộ gia đình dễ bị tổn thương nhất trong đó có trẻ em, bao gồm cả những người phải sơ tán và di dời. Các khoản hỗ trợ từ phía Nhật Bản sẽ cho phép IOM và UNICEF mở rộng phạm vi tiếp cận và đẩy nhanh các nỗ lực tái thiết và phục hồi.
Những đóng góp của Chính phủ Nhật Bản cũng sẽ góp phần giải quyết các vấn đề về giới thông qua các hoạt động hỗ trợ sửa chữa các cơ sở vệ sinh, cải thiện ánh sáng tại các trung tâm sơ tán và thúc đẩy sự an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái bằng các biện pháp can thiệp có mục tiêu.
Bà Silvia Danailov, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết, sự hỗ trợ này sẽ giúp các cộng đồng khôi phục khả năng tiếp cận WASH và các dịch vụ thiết yếu trong bảo vệ trẻ em, vốn đã bị cơn bão làm suy yếu, hư hại hoặc phá hủy.
Cơ quan nhân đạo của Liên hợp quốc cung cấp 2 triệu USD viện trợ cho Việt Nam
Trong khi đó, bà Mitsue Pembroke, quyền Trưởng phái đoàn IOM Việt Nam đánh giá cao sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản, khẳng định thông qua khuôn khổ Đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai tại Việt Nam cùng với chính quyền và các bên liên quan ở cấp tỉnh và địa phương, IOM sẽ bảo đảm các nỗ lực phối hợp để hỗ trợ những người dân dễ bị tổn thương nhất bị thiệt hại nặng hoặc đang phải di dời khỏi nơi ở cũ, đặc biệt là những người gặp khó khăn về kinh tế, phụ nữ, trẻ em gái và người khuyết tật.
Tính đến nay, Chính phủ Nhật Bản đã cung cấp viện trợ vật tư cứu trợ khẩn cấp nhằm khắc phục thiệt hại do bão gây ra, bao gồm thiết bị lọc nước và tấm plastic đa chức năng, cho 2.000 hộ gia đình thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA); các lô hàng cứu trợ khẩn cấp thông qua Trung tâm Điều phối ASEAN về Hỗ trợ nhân đạo trong thiên tai (Trung tâm AHA), bao gồm 2.000 bộ dụng cụ gia đình, 1.000 bộ dụng cụ sửa chữa nơi sơ tán, 1.000 bộ đồ dùng bếp và 3.000 bộ dụng cụ vệ sinh cá nhân, với tổng trị giá khoảng 250 nghìn USD, trong đó 230 nghìn USD được cung cấp thông qua Quỹ Hội nhập Nhật Bản-ASEAN (Quỹ JAIF); cùng viện trợ vật tư cứu trợ khẩn cấp thông qua UNICEF, bao gồm 850 thùng chứa nước, trị giá 70 nghìn USD.
Ngoài ra, là quốc gia thường xuyên chịu tác động của thiên tai và có nhiều kinh nghiệm trong công tác phòng, chống thiên tai, Nhật Bản cam kết sẽ tiếp tục phối hợp cùng Việt Nam nhằm chia sẻ kinh nghiệm về lĩnh vực này trong tương lai.