Nhật Bản ghi nhận trên 203 nghìn ca mắc mới Covid-19

Theo hãng tin Kyodo, ngày 27/7, Nhật Bản ghi nhận số ca mắc mới Covid-19 ở mức cao kỷ lục mới, với trên 203 nghìn ca, trong bối cảnh nước này đang phải ứng phó với làn sóng lây nhiễm thứ bảy do dòng phụ BA.5 của biến thể Omicron có khả năng lây lan cao.
0:00 / 0:00
0:00
Người đeo khẩu trang tại khu mua sắm Shibuya đông đúc giữa đại dịch Covid-19 ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 7/8/2021. (Ảnh: Reuters)
Người đeo khẩu trang tại khu mua sắm Shibuya đông đúc giữa đại dịch Covid-19 ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 7/8/2021. (Ảnh: Reuters)

Thống kê dựa trên báo cáo của chính quyền các địa phương ở Nhật Bản cho thấy mức cao kỷ lục trước đó được ghi nhận tuần trước, với khoảng 201 nghìn ca.

Cùng ngày, nhà chức trách Ấn Độ cho biết, số ca mắc mới Covid-19 theo ngày ở nước này đã lên tới 18.313 ca, sau 2 ngày liên tiếp cho thấy xu hướng giảm.

Số liệu mới nhất do Bộ Y tế Ấn Độ công bố, theo đó nâng tổng số ca mắc Covid-19 ở nước này lên 43.938.764 ca, trong đó số ca bệnh đang được điều trị là 145.026 ca.

Ấn Độ cũng ghi nhận thêm 57 ca tử vong do Covid-19, nâng tổng số lên 526.167 người. Đến nay tại Ấn Độ đã có 43.267.571 bệnh nhân Covid-19 được chữa khỏi bệnh và xuất viện, trong đó 20.742 người được xuất viện trong 24 giờ qua.

Về vấn đề tiêm vaccine phòng Covid-19, Chính phủ Ấn Độ cho hay, tại nước này, hiện có khoảng 40 triệu người đủ điều kiện để tiêm phòng nhưng chưa được tiêm liều nào.

Chính phủ Ấn Độ đang tập trung thúc đẩy tiêm liều vaccine tăng cường do tỷ lệ tiêm liều thứ ba tại nước này vẫn ở mức thấp.

Theo giới chức Ấn Độ, động thái này nhằm cải thiện mức độ bao phủ tiêm liều vaccine tăng cường trong người dân, sau khi phát hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 tại nước này.

Tại Hàn Quốc, số liệu do cơ quan thống kê công bố ngày 27/7 cho thấy, tháng 5 vừa qua là tháng 5 có số người tử vong cao nhất ở nước này, trong bối cảnh biến thể phụ của virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 lây lan nhanh.

Cụ thể, trong tháng 5 vừa qua, tại Hàn Quốc có 28.859 người tử vong, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tháng 5 có số tử người tử vong cao nhất tại Hàn Quốc kể từ khi nước này bắt đầu thống kê con số này. Nguyên nhân được cho là do đại dịch Covid-19 kéo dài, đặc biệt là gần đây xuất hiện 1 biến thể phụ mới của virus SARS-CoV-2.

Cùng ngày 27/7, Chính phủ Hàn Quốc đã công bố kế hoạch mới nhằm ngăn chặn sự lây lan của làn sóng lây nhiễm dịch Covid-19 thứ sáu đang diễn ra, với các biện pháp cách ly “dựa trên quyền tự chủ và đoàn kết” trong cuộc sống hàng ngày.

Quyết định này được đưa ra khi Hàn Quốc đang phải ứng phó với một số lượng lớn ca nhiễm mới do dòng phụ BA.5 của biến thể Omicron gây ra. Ngày 27/7, nước này ghi nhận 100.285 ca mới, số ca mắc mới theo ngày cao nhất trong hơn 3 tháng qua.

Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) đã loại trừ việc tái áp đặt biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt như đã từng được sử dụng trước đây khi xem xét đến những thiệt hại kinh tế xã hội có thể xảy ra.

Chính phủ Hàn Quốc nhấn mạnh, các biện pháp phòng ngừa mới là nhằm khuyến khích người dân tự giác chấp hành quy tắc phòng dịch (thay vì áp đặt quy chế và xử phạt hành chính).

Theo đó, Chính phủ Hàn Quốc đề nghị người dân tuân thủ 6 quy tắc phòng dịch cá nhân cơ bản gồm: hoàn thành tiêm vaccine ngừa Covid-19, đeo khẩu trang đúng cách, rửa tay và che miệng khi ho, thông gió và khử khuẩn, hạn chế tụ tập, khám và điều trị khi có triệu chứng.

Chính phủ Hàn Quốc cũng khuyến cáo chủ doanh nghiệp cho người lao động có triệu chứng lây nhiễm được nghỉ phép. Bộ Lao động và Việc làm cũng đang hỗ trợ 50 nghìn won (38 USD)/ngày trong vòng tối đa 10 ngày cho đối tượng là người lao động nghỉ phép không lương để chăm sóc người thân mắc Covid-19, bất kể quy mô doanh nghiệp đang công tác. Người dân thuộc đối tượng này có thể đăng ký nhận hỗ trợ trên trang chủ của bộ này.

Bên cạnh đó, công chức nhà nước được khuyến cáo tích cực làm việc tại nhà, chủ động xét nghiệm nhanh kháng nguyên trước khi quay trở lại làm việc sau khi nghỉ phép.

Cơ quan phòng dịch cũng khuyến khích những trung tâm dạy thêm mà đông học sinh chuyển qua hình thức giảng dạy trực tuyến.