EU khuyến cáo về nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 trong mùa đông

Ngày 25/7, Ủy viên phụ trách y tế và an toàn thực phẩm của Liên minh châu Âu (EU), bà Stella Kyriakides, cho rằng các nước thành viên EU nên lập tức triển khai các công tác chuẩn bị ứng phó nguy cơ bùng dịch Covid-19 trong mùa đông và mùa thu.
0:00 / 0:00
0:00
Hành khách đeo khẩu trang tại 1 ga tàu điện ngầm ở Barcelona, Tây Ban Nha. (Ảnh: Reuters)
Hành khách đeo khẩu trang tại 1 ga tàu điện ngầm ở Barcelona, Tây Ban Nha. (Ảnh: Reuters)

Theo bà Stella Kyriakides, đại dịch Covid-19 vẫn đang hiện hữu và có những dấu hiệu đáng lo ngại và "ngày càng gia tăng" về các đợt bùng phát mới tại một số quốc gia.

Bà nêu rõ: "Trong 2 tháng qua, chúng tôi đã chuẩn bị cho những đợt dịch mới có thể xuất hiện trong mùa thu và mùa đông, nhận thức đầy đủ rằng sẽ không thể để cho làn sóng tiếp theo của đại dịch tạo thêm gánh nặng cho nền kinh tế hoặc xã hội của chúng ta, đặc biệt là vào thời điểm mà chúng ta đang chịu ảnh hưởng từ cuộc xung đột tại Ukraine, cũng như tình hình lạm phát".

Theo bà Kyriakides, Ủy ban châu Âu đã yêu cầu các quốc gia thành viên đẩy nhanh các chiến dịch tiêm liều tăng cường vaccine ngừa Covid-19, hiện đang thực hiện đối với những người trên 60 tuổi và các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương.

Bà nhấn mạnh: "Những tháng này nên được tập trung cho công tác chuẩn bị. Như vậy, hệ thống y tế của chúng ta sẽ sẵn sàng cho các làn sóng mới có thể xảy đến, và rất có thể sẽ xảy ra trùng thời điểm với bệnh cúm mùa".

Trong khi đó, những diễn biến tích cực về dịch Covid-19 đang được ghi nhận tại New Zealand.

Thủ tướng Jacinda Ardern ngày 25/7 cho biết, số ca mắc mới Covid-19 tại nước này có chiều hướng suy giảm, mặc dù số ca nhập viện điều trị tăng vọt lên mức cao nhất kể từ tháng 3 vừa qua.

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế New Zealand, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 6.910 trường hợp mắc mới Covid-19, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình trong tuần qua.

Số trường hợp phải nhập viện lại tăng vọt lên mức 836 người - cao nhất kể từ ngày 29/3 vừa qua. Tuy nhiên, các kết quả xét nghiệm nước thải cho thấy sự suy giảm đáng kể của virus SARS-CoV-2, đồng nghĩa với việc số ca bệnh sẽ tiếp tục đà giảm.

New Zealand đã đóng cửa biên giới hồi đầu năm 2020, đồng thời thực hiện các biện pháp hạn chế xã hội ở mức nghiêm ngặt, nhằm kiềm chế sự lây lan của dịch Covid-19.

Quốc gia 5,1 triệu dân này đã mở cửa trở lại biên giới hồi tháng 2 vừa qua, đồng thời dự kiến sẽ dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp hạn chế phòng dịch vào cuối tháng này.

Hiện New Zealand đã ghi nhận 2.006 ca tử vong do đại dịch Covid-19.

Ở nước láng giềng Australia, số liệu chính thức cho thấy, số ca mắc Covid-19 phải nhập viện tại nước này tăng kỷ lục, với khoảng 5.450 ca được ghi nhận trong ngày 25/7, trong bối cảnh làn sóng dịch mới do biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron gây áp lực lên hệ thống y tế cả nước.

Đây là số ca nhập viện nhiều nhất kể từ khi đại dịch bùng phát tại Australia, vượt mức 5.390 ca ghi nhận hồi tháng 1 vừa qua trong làn sóng dịch đầu tiên do biến thể Omicron.

Số ca tử vong theo ngày do Covid-19 cũng gia tăng, lần đầu tiên lên tới mức 100 ca vào ngày 23/7 vừa qua.

Theo số liệu của Chính phủ Australia, hơn 1.000 nhà dưỡng lão tại nước này đang bị ảnh hưởng do đợt bùng phát dịch lần này, khi mà người cao tuổi là nhóm đối tượng chịu nhiều ảnh hưởng và nhiều cơ sở dưỡng lão thiếu hụt nhân viên.

Trước tình hình trên, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles cùng ngày thông báo triển khai Lực lượng Phòng vệ Australia (ADF) nhằm hỗ trợ phòng dịch tại những cơ sở này.

Theo kế hoạch, sẽ có tới 250 thành viên ADF được bố trí nhằm bảo đảm hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại các viện dưỡng lão đến cuối tháng 9 tới.

Theo thống kê của Hiệp hội dịch vụ chăm sóc cộng đồng và người cao tuổi, chỉ tính trong năm 2020, đã có hơn 2.000 ca mắc Covid-19 tại các viện dưỡng lão đã tử vong, chiếm hơn 20% tổng số ca tử vong do bệnh này tại Australia kể từ khi đại dịch bùng phát.

Kể từ tháng 2 vừa qua, ADF đã tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch tại các trung tâm dưỡng lão thiếu nhân viên.

Trong bối cảnh Australia phải đối mặt đồng thời với làn sóng dịch Covid-19 và dịch cúm mùa, nhà chức trách đã khuyến cáo người dân đeo khẩu trang trong không gian kín, tiêm mũi vaccine tăng cường và khuyến khích làm việc tại nhà.

Là một trong số quốc gia đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng, Australia đã tiêm 2 mũi cơ bản cho 95% người trưởng thành trên 16 tuổi, trong khi tỷ lệ tiêm mũi tăng cường là 71%.

Tính đến nay, Australia ghi nhận 9,13 triệu ca mắc Covid-19, trong số này có 11.181 ca tử vong.