Nhanh chóng ổn định tình hình cung ứng xăng dầu trên địa bàn Hà Nội

Để không bị gián đoạn việc cung ứng xăng dầu cho các cửa hàng, thành phố Hà Nội đã cho phép các xe chở xăng được hoạt động 24/24 giờ tất cả các ngày trong tuần. Đồng thời, tăng cường giám sát, kiểm tra việc chấp hành các quy định trong kinh doanh mặt hàng đặc biệt này.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo Sở Công thương Hà Nội đi kiểm tra tình hình kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thành phố sáng 3/11.
Lãnh đạo Sở Công thương Hà Nội đi kiểm tra tình hình kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thành phố sáng 3/11.

Những ngày gần đây, người dân Hà Nội phải xếp hàng khá lâu mới mua được xăng dầu. Qua quan sát, hầu hết các cây xăng vào các khung giờ cao điểm buổi sáng hoặc giờ tan tầm đều chật kín người vào đổ xăng.

Anh Đỗ Quốc Thái, cửa hàng trưởng Cửa hàng xăng dầu Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Mấy ngày gần đây, lượng khách vào mua hàng tăng gấp rưỡi so thời điểm trước. Vào khung giờ buổi chiều, các xe ô-tô xếp hàng để mua xăng, dầu gây ùn tắc một đoạn đường Thái Thịnh”.

Theo người dân phản ánh, tại một số cửa hàng, vào một vài thời điểm trong ngày chỉ cho mua một lượng nhất định, như một xe máy được mua tối đa 50 nghìn đồng/lần; mỗi xe ô-tô được mua từ 300 đến 500 nghìn đồng/lần.

Trước tình hình này, sáng 3/11, Sở Công thương Hà Nội đã đi kiểm tra tình hình cung ứng, kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn. Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết: “Trên địa bàn Hà Nội có sáu doanh nghiệp đầu mối và gần 20 thương nhân phân phối phục vụ cung ứng xăng, dầu. Thời gian gần đây, một số tỉnh, thành phố gặp khó khăn rất lớn về nguồn cung ứng xăng, dầu, cho nên người dân, doanh nghiệp đang đổ dồn về thị trường Hà Nội.

Ngoài phục vụ thị trường hơn 10 triệu dân của Hà Nội, các cửa hàng thì còn đang phải phục vụ nhu cầu của người dân các tỉnh, thành phố lân cận, tạo nên sức ép rất lớn. Bình thường, nhu cầu sử dụng xăng dầu trên địa bàn Hà Nội khoảng 146 nghìn m3/tháng, nhưng khoảng hai tháng gần đây, số lượng này đã tăng khoảng 20%, tương đương 170 nghìn m3/tháng”.

Với một số cửa hàng nhỏ, dung tích bể chứa có hạn, trong khi nhu cầu mua xăng dầu tăng đột biến vào một số thời điểm nhất định, cho nên dẫn đến tình trạng thiếu hàng cục bộ, phải chờ nhập hàng. Vì vậy, khi thấy lượng hàng trong bể gần hết, để phục vụ cho người dân nào cũng có xăng để đi lại, thì cửa hàng áp dụng việc khống chế số lượng nhất định cho khách mua hàng. Ngành Công thương cũng khuyến cáo người dân không nên mua tích trữ, chỉ nên mua đủ nhu cầu sử dụng, đồng thời chia sẻ khó khăn hiện tại của các đơn vị kinh doanh xăng, dầu.

Nhanh chóng ổn định tình hình cung ứng xăng dầu trên địa bàn Hà Nội ảnh 1

Người dân xếp hàng chờ mua xăng dầu tại cây xăng Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội).

Cửa hàng trưởng Cửa hàng xăng dầu Thái Thịnh Đỗ Quốc Thái cho biết: “Trước nhu cầu tăng cao, cửa hàng đã tăng ca, bố trí thêm nhân lực để kịp thời phục vụ. Phía công ty cũng luôn bảo đảm nguồn hàng cho cửa hàng phục vụ khách hàng 24/24 giờ”.

Đại diện Sở Công thương Hà Nội cho biết thêm: Trong số 493 cửa hàng kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn Hà Nội, hiện chỉ có 20 cửa hàng đang được Sở Công thương đồng ý cho phép đóng cửa để cải tạo, sửa chữa. 73% cửa hàng do các đơn vị đầu mối cung cấp, bảo đảm đầy đủ nguồn cung và liên tục phục vụ không hạn chế. Còn lại 27% số cửa hàng là nhập từ các thương nhân phân phối. Với 27% cửa hàng này, khi nguồn cung gặp khó khăn thì mong người dân cũng chia sẻ và sang mua hàng ở các cửa hàng của doanh nghiệp đầu mối để được phục vụ đầy đủ.

Để khắc phục tình trạng nguồn cung gặp khó khăn, Sở Công thương Hà Nội đã thường xuyên phối hợp các doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối trên địa bàn để luôn chủ động sẵn sàng nguồn cung, tăng lượng dự trữ vào các kho, bể, bồn trong thành phố, thúc đẩy các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong kinh doanh xăng dầu.

Bên cạnh đó, Sở đã đề xuất và được thành phố chấp thuận việc cho phép các xe chở xăng dầu được lưu thông 24/24 giờ, đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp vay vốn ưu đãi từ Quỹ đầu tư phát triển của thành phố để doanh nghiệp có điều kiện bảo đảm nguồn cung. “Chúng tôi cũng mong muốn các ngân hàng nhà nước nhanh chóng đưa ra các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khoanh lãi hiện tại để tiếp tục có nguồn vốn nhập khẩu”, bà Trần Thị Phương Lan đề xuất.

Từ nay đến cuối năm 2022, nhu cầu sử dụng xăng, dầu trên địa bàn Hà Nội dự báo tăng từ 15-20% do nhu cầu sản xuất kinh doanh, đi lại của người dân và doanh nghiệp. Sở Công thương Hà Nội sẽ tiếp tục chủ động nắm sát tình hình cung ứng xăng dầu trên địa bàn, phối hợp lực lượng Quản lý thị trường báo cáo tình hình đóng mở, kinh doanh xăng dầu của các cửa hàng trước 17 giờ hằng ngày để có sự điều tiết nhanh nhất và hợp lý nhất.

Sở đề xuất Bộ Công thương báo cáo Chính phủ giải quyết các vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu liên quan đến việc tính giá cơ sở, bảo đảm chiết khấu cho các cửa hàng kinh doanh để có lãi và đáp ứng chi phí tương đương với giá xăng dầu diễn biến trên thị trường.