Quyết liệt ngăn chặn buôn lậu xăng dầu trên biển

Vừa qua, trong quá trình tuần tra, kiểm soát trên vùng biển cách Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu khoảng 10 hải lý về phía nam, các cán bộ của Hải đoàn 18, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã phát hiện tàu cá mang số hiệu TG90187TS, do ông Nguyễn Văn Ngọc Ánh (SN 1974, trú tại huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) điều khiển, có biểu hiện nghi vấn cho nên đã kiểm tra hành chính.
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng chức năng kiểm tra tàu cá TG90187TS vận chuyển dầu do không có hóa đơn chứng từ theo quy định. (Ảnh NINH NHÂM)
Lực lượng chức năng kiểm tra tàu cá TG90187TS vận chuyển dầu do không có hóa đơn chứng từ theo quy định. (Ảnh NINH NHÂM)

Tại thời điểm kiểm tra, tất cả bốn thuyền viên trên tàu đều không có giấy tờ tùy thân, chứng chỉ theo quy định và khoảng 30.000 lít dầu DO. Thời điểm kiểm tra, thuyền trưởng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ liên quan hàng hóa.

Tổ công tác đã dẫn giải tàu vi phạm về đơn vị để xử lý theo quy định… Trước đó, Biên đội tàu CSB 4039 thuộc Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 4 đã tạm giữ tàu cá mang số hiệu KG90620TS đang vận chuyển khoảng 20.000 lít dầu DO. Toàn bộ số dầu này không có giấy tờ chứng minh tính hợp pháp. Trên tàu có bốn thuyền viên do ông Nguyễn Thanh Tú (SN 1984, ở thị trấn Sóc Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang) làm thuyền trưởng…

Hiện nay, nguyên nhân chính làm gia tăng tình trạng buôn lậu xăng, dầu là do lượng tiêu thụ xăng, dầu trong nước là khoảng hơn 20 triệu tấn/năm. Trong đó, tự chủ chiếm khoảng 60%-70%, số còn lại phải nhập khẩu.

Ngoài ra, giá xăng, dầu do buôn lậu luôn thấp hơn giá xăng dầu hợp pháp trong đất liền từ 3.000 đồng đến 5.000 đồng/lít đối với dầu DO và 5.000 đồng đến 6.500 đồng/lít với xăng… Việc buôn lậu xăng, dầu thường diễn ra tại các tỉnh có khu vực biển Tây Nam tiếp giáp với Thái Lan, Campuchia; khu vực biển phía nam Côn Đảo giáp ranh với Indonesia, Malaysia… Các đối tượng thường vận chuyển và giao nhận xăng, dầu trái phép vào ban đêm; sử dụng thiết bị công nghệ cao để buôn lậu.

Đặc biệt, các đối tượng thường lợi dụng thời tiết xấu; neo đậu ở vùng biển giáp ranh đường phân định hoặc thời điểm không có hoạt động tuần tra, kiểm soát của lực lượng chức năng; sử dụng các tàu cải hoán, núp bóng tàu đánh cá để nhận dầu tại các tọa độ hẹn trước, rồi mang về bán lại cho tàu cá trong nước; thay đổi tên và số hiệu phương tiện, tuyến hành trình, tắt thiết bị định vị... Một số chủ tàu bơm nước vào phương tiện để đánh lừa về tải trọng, khi đến điểm nhận hàng thì bơm nước ra để nhận xăng, dầu lậu.

Sau đó, hợp pháp số xăng, dầu lậu bằng các hóa đơn, chứng từ... Đối tượng tham gia hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép xăng, dầu rất đa dạng, gồm cả doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu; lao động làm thuê, ngư dân trên các tàu đánh cá…

Đại tá Tô Văn Ðồng, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh cho biết, Quảng Ninh có bờ biển dài 250km với vùng biển rộng hơn 6.000km2, có nhiều đảo, vịnh, luồng lạch, có đường biên giới trên sông và trên biển.

Để phòng ngừa có hiệu quả tình trạng buôn lậu xăng, dầu trên biển, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị... của Trung ương, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh BĐBP, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tập trung vào mặt hàng xăng, dầu; thường xuyên rà soát, phân loại, lập hồ sơ, quản lý chặt chẽ những đối tượng buôn lậu, đối tượng bảo kê cho buôn lậu để xây dựng kế hoạch nghiệp vụ hoặc xác lập chuyên án đấu tranh, không để bị động, bất ngờ; tăng cường tuần tra, kiểm soát; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong trao đổi thông tin, chủ động đấu tranh có hiệu quả với hoạt động buôn lậu và vận chuyển xăng, dầu trên biển…

Việc ngăn chặn xăng, dầu nhập lậu cần được thực hiện ngay từ khu vực biên giới, trong đó lực lượng nòng cốt là biên phòng, hải quan. Trong nội địa, lực lượng quản lý thị trường tỉnh luôn xác định xăng, dầu là mặt hàng trọng điểm, từ đó phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng để sớm phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm liên quan. Bên cạnh đó, các đơn vị nghiệp vụ của Cục cũng thường xuyên giám sát trực tiếp các cửa hàng bán lẻ xăng, dầu vào thời điểm điều chỉnh giá; đồng thời, niêm yết thông tin đường dây nóng tại các cửa hàng xăng, dầu trong tỉnh, làm việc với thương nhân đầu mối để nắm tình hình về nguồn cung.

NGUYỄN ĐÌNH HƯNG

Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh

Hiện nay, tội “Buôn lậu” trong Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có đề cập yếu tố vận chuyển hàng hóa qua biên giới. Tuy nhiên, biên giới biển trong Luật Biển Việt Nam thì nêu đường ranh giới là đường lãnh hải. Theo đó, trong vùng biển đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam, chỉ có thể xử lý hành chính về hành vi buôn lậu của các chủ phương tiện, dù số lượng hàng hóa rất lớn. Do đó, để xử phạt được các đối tượng buôn lậu hàng hóa, nhất là xăng, dầu trên biển, cần sớm sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự hiện hành.

Luật sư PHẠM VIẾT LUÂN

(Văn phòng Luật sư Phúc Thọ, TP Hà Nội)