Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có khoảng 1.580 chung cư cũ, được xây dựng từ khoảng năm 1960 đến 1990. Trong quá trình sử dụng, các chung cư không được sửa chữa, bảo trì thường xuyên, cộng với tình trạng các hộ dân tự ý cơi nới, lấn chiếm, dẫn đến chung cư xuống cấp nghiêm trọng. Một số chung cư bị hư hỏng nặng, được cơ quan chức năng kiểm định, đánh giá chất lượng mức độ D, buộc phải phá dỡ, xây dựng lại.
Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã phê duyệt Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố và ban hành các kế hoạch triển khai đề án. Thành phố đã giao nhiệm vụ cho ủy ban nhân dân các quận, huyện nơi có nhà chung cư cũ chủ trì lập, trình thẩm định quy hoạch chi tiết, tổng mặt bằng và phương án kiến trúc làm cơ sở lựa chọn chủ đầu tư dự án, đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch chi tiết, nhưng đến quý II/2024 chưa có nhà chung cư nào được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500.
Theo đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, các vướng mắc trong công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ liên quan cơ sở pháp lý lựa chọn đơn vị tư vấn thực hiện kiểm định, đánh giá chất lượng nhà chung cư, phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500; lựa chọn chủ đầu tư; chi phí lập quy hoạch tổng mặt bằng và việc xác định hệ số bồi thường khi thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
Vừa qua, để ứng phó bão số 3, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương sơ tán người dân sinh sống tại các chung cư, nhà nguy hiểm đến nơi tránh trú an toàn để bảo đảm tính mạng. Các quận Ba Đình, Hoàng Mai, Hoàn Kiếm, Tây Hồ… đã nhanh chóng huy động các lực lượng hỗ trợ người dân di dời đến nơi tránh trú an toàn, không để xảy ra các sự cố đáng tiếc.
Bộ Xây dựng đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thực hiện ngay các giải pháp để di dời người dân ra khỏi các chung cư cũ nguy hiểm, xuống cấp, thuộc diện phải phá dỡ theo quy định, bố trí chỗ ở tạm thời cho các hộ dân phải di dời; khẩn trương kiểm định, đánh giá chất lượng các chung cư cũ; lập, phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/500 khu vực có nhà chung cư cần cải tạo, xây dựng lại để các nhà đầu tư có cơ sở tham gia xây dựng phương án đầu tư, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi tham gia đăng ký làm chủ đầu tư dự án…
Bộ Xây dựng nhấn mạnh, đối với thành phố Hà Nội, địa phương có nhiều chung cư cũ thuộc diện phải cải tạo, xây dựng lại, nhất là các dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư đã triển khai thực hiện trước thời điểm Luật Nhà ở năm 2023 có hiệu lực thi hành, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành các thủ tục trong giai đoạn chuẩn bị dự án, như phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất, cấp giấy phép xây dựng,... thì căn cứ quy định của Luật Nhà ở năm 2023, Nghị định số 98/2024/NĐ-CP khẩn trương hoàn thành thủ tục cho các chủ đầu tư sớm triển khai khẩn cấp xây dựng dự án, bố trí tái định cư cho người dân, bảo đảm các quyền lợi của chủ sở hữu nhà chung cư và các chủ đầu tư dự án.