Nhà nông thi đua chuyển đổi số

Nhận thấy chuyển đổi số phát huy hiệu quả trong phát triển nông nghiệp, nhất là ở khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm tới khách hàng qua các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, nhiều nhà nông ở tỉnh Nam Định đã tích cực, chủ động khai thác thế mạnh của chuyển đổi số. Cùng với sự hỗ trợ của chính quyền và ngành chức năng, công cuộc xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh ở tỉnh Nam Định hứa hẹn những kết quả tốt đẹp.
0:00 / 0:00
0:00
Buổi livestream bán hàng trên sàn thương mại điện tử của Công ty cổ phần Nông nghiệp VIAGRI. (Ảnh: NGUYỄN LÀNH)
Buổi livestream bán hàng trên sàn thương mại điện tử của Công ty cổ phần Nông nghiệp VIAGRI. (Ảnh: NGUYỄN LÀNH)

Gặp chúng tôi, anh Vũ Ngọc Duy, Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp VIAGRI ở xã Trực Chính, huyện Trực Ninh (Nam Định) hồ hởi “khoe” vừa xây dựng một phòng trưng bày, đồng thời là studio quay phim livestream (quay video phát sóng trực tiếp) giới thiệu đến khách hàng các sản phẩm của công ty. Vũ Ngọc Duy cũng cho biết anh thường xuyên thực hiện livestream quảng bá sản phẩm trên các kênh YouTube, TikTok, Facebook, Zalo; kết nối với các đơn vị vận chuyển, shipper để tạo mạng lưới liên kết phân phối sản phẩm, tiếp cận khách hàng. Việc tiếp cận các kênh thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Sen đỏ... đã được công ty của Duy thực hiện ngay từ những ngày đầu thành lập năm 2020.

Trong các sản phẩm chủ lực như tinh bột củ sen, trà củ sen (sản phẩm OCOP 3 sao), công ty của Duy đều có mã QR để truy xuất nguồn gốc xuất xứ, nơi sản xuất, công dụng, hướng dẫn sử dụng, tạo dựng thêm niềm tin, uy tín với người tiêu dùng. Anh còn tạo lập website riêng; cùng với gian hàng trên sàn thương mại điện tử chung, trang mạng xã hội đã có hàng chục nghìn lượt theo dõi; mỗi tháng, công ty xuất bán khoảng 10 tấn sản phẩm chế biến từ củ sen, trong đó 50% sản phẩm được bán trên “kênh số”.

Là người đầu tiên nuôi chim yến lấy tổ tại Nam Định, hiện mỗi năm anh Đinh Văn Thuận ở xã Hải Đông (huyện Hải Hậu) thu nhập hàng tỷ đồng từ kinh doanh tổ yến. Để có niềm tin của người tiêu dùng, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP 3 sao của mình, anh Thuận chủ động đưa sản phẩm đi phân tích thành phần, hoàn thiện mẫu mã, bao bì, tem mác; tập trung truyền thông, quảng bá, tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại, hội chợ. Từ đó, sản phẩm của Cơ sở Yến sào Đinh Thuận làm ra đến đâu được tiêu thụ hết tới đó, trong đó giúp tiêu thụ mạnh nhất là các trang mạng xã hội Facebook, Zalo, TikTok, chiếm khoảng 70%; các sàn thương mại điện tử Lazada, Shopee, Tiki… chiếm khoảng 20%.

Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Nam Định Vũ Trọng Quế, thời gian qua, chính quyền và ngành chức năng của tỉnh đã có nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân trong chuyển đổi số như triển khai đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử. Từ cuối năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định đã ban hành kế hoạch về hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử, thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp, nông thôn tỉnh.

Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với sở, ngành liên quan và 2 sàn thương mại điện tử (sàn Postmart của Bưu điện Việt Nam và sàn VOSO của Bưu chính Viettel) thực hiện hỗ trợ nông dân. Đến nay, đã có gần 177.000 hộ sản xuất nông nghiệp được đưa lên sàn thương mại điện tử; hơn 201.000 hộ sản xuất nông nghiệp được tập huấn kỹ năng số; gần 2.000 sản phẩm nông nghiệp của tỉnh được bán và giới thiệu trên sàn thương mại điện tử.

Tỉnh cũng quan tâm chỉ đạo thực hiện phát triển các điểm cung cấp dịch vụ bưu chính để làm hạ tầng cho thương mại điện tử và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến. Nhờ đó, toàn tỉnh đã có 337 điểm phục vụ bưu chính có người phục vụ, cơ bản đã đáp ứng tốt nhu cầu chuyển phát của người dân và doanh nghiệp, làm hạ tầng cho thương mại điện tử phát triển.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Vũ Trọng Quế cho biết: Song song với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, tỉnh Nam Định sẽ hướng đến nông thôn thông minh. Do đó, tỉnh đang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới cho cấp ủy, chính quyền và người dân.

Bên cạnh đó là nâng cao kỹ năng số cộng đồng cho người dân (kỹ năng thiết lập và cài đặt các thiết bị số, sử dụng smartphone, khai thác internet, sử dụng các phần mềm ứng dụng và các nền tảng số, đặc biệt phục vụ cho sản xuất và tiêu thụ nông sản, bán hàng trực tuyến...). Mục tiêu của tỉnh là hình thành đội ngũ nông dân số gắn liền với quá trình chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục thúc đẩy kinh tế số trong phát triển kinh tế nông thôn; đưa các ứng dụng khoa học công nghệ để làm thay đổi phương thức sản xuất của người dân nông thôn, tạo ra giá trị gia tăng cao, sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giảm lãng phí, thất thoát và giảm tối đa lượng chất thải trong sản xuất, bảo vệ môi trường.

Tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh quá trình số hóa, xây dựng bản đồ số nông nghiệp, nông thôn, cơ sở dữ liệu đồng bộ, thực hiện quản lý mã số vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn; đồng thời tăng cường hỗ trợ nông dân, hợp tác xã tiêu thụ nông sản trên sàn giao dịch thương mại điện tử; từ đó thúc đẩy sản xuất các sản phẩm nông nghiệp an toàn, sản xuất theo chuỗi, hình thành phương thức mua bán nông sản an toàn, hiện đại dưới sự quản lý, giám sát chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm của cơ quan quản lý.