“Nhà ăn tình thương” giúp hàng nghìn học sinh nghèo ở An Giang

NDO - 13 năm qua, “Nhà ăn tình thương” xã Vĩnh Trạch đã giúp hàng nghìn học sinh nghèo có bữa cơm trưa ấm lòng, vượt khó tìm con chữ.
0:00 / 0:00
0:00
"Nhà ăn tình thương" từ 13 năm qua đã giúp nhiều học sinh nghèo có bữa ấm lòng.
"Nhà ăn tình thương" từ 13 năm qua đã giúp nhiều học sinh nghèo có bữa ấm lòng.

Nhà ăn do Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo xã Vĩnh Trạch phối hợp Ủy ban nhân dân xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang lập ra. Ông Võ Văn Tuấn, Trưởng Ban điều hành “Nhà ăn tình thương” xã Vĩnh Trạch, chia sẻ, ban đầu nhà ăn được lập ra nhằm hỗ trợ những bữa cơm trưa miễn phí giúp bà con lao động nghèo. Qua thời gian hoạt động, nhiều học sinh nghèo biết đến nhà ăn đã tìm đến.

Nhiều em cho biết, nhà xa, học xong buổi sáng, về nhà ăn cơm thì không kịp quay lại buổi học chiều. Ăn uống ở hàng quán thì tốn kém quá lại không có chỗ nằm nghỉ ngơi.

Từ sự khó khăn của các học sinh, năm 2010, “Nhà ăn tình thương” ra đời nhằm giúp đỡ các em bớt nhọc nhằn. Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo xã Vĩnh Trạch và Ủy ban nhân dân xã cũng đã mở ra 1 điểm nghỉ ngơi miễn phí gần nhà ăn để giúp các em có chỗ nằm.

Ông Võ Văn Tuấn thổ lộ: “Chỉ mong chia sẻ phần nào khó khăn cho các cháu để sau này các cháu ăn học nên người đem tài sức lo cho đất nước, cho xã hội”.

“Nhà ăn tình thương” giúp hàng nghìn học sinh nghèo ở An Giang ảnh 1

Những bữa ăn trưa giúp các học sinh nghèo không còn lo lắng.

Nhà ăn phục vụ bữa trưa từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần, mỗi lần nấu khoảng 500 suất cơm chay miễn phí; trong đó, các em học sinh là 400 suất và người lao động nghèo 100 suất. Nhà ăn ra đời là niềm vui lớn với các phụ huynh bởi từ nay không lo cho con bị đói, có chỗ nghỉ trong lúc chờ học buổi chiều.

Em Trương Vĩnh Toàn, lớp 12, Trường trung học phổ thông Vĩnh Trạch, bộc bạch: “Nhà em cách trường hơn 20km, nếu đi đi về về ăn uống xong không nghỉ ngơi kịp vì còn học buổi chiều. Nhờ bếp ăn này, mà những học trò nhà xa như em ở lại ăn trưa xong, có chỗ nghỉ ngơi nên ôn bài và học bài tốt hơn. Nhờ bếp ăn này mà nhiều học sinh tiết kiệm được thời gian, công sức, tiền bạc, và việc học tập cũng rất hiệu quả nên cảm ơn các cô, chú trong nhà ăn nhiều lắm”.

Em Nguyễn Thị Thanh Hòa, lớp 10, Trường trung học phổ thông Vĩnh Trạch, cho biết: “Nhà ăn chỉ nấu món ăn chay nhưng học sinh ăn ngon miệng vì thực đơn thay đổi liên tục”.

“Nhà ăn tình thương” gồm ban điều hành và khoảng 10 thành viên tham gia nấu nướng. Lúc 10 giờ nhà ăn bắt đầu phục vụ, đến 13 giờ cùng ngày là kết thúc công việc.

Cứ vào khoảng 6 giờ sáng, mọi người tất bật với các công đoạn bếp núc. Xong, cho các suất ăn vào từng bọc để ai có nhu cầu lấy mang đi. Khi ăn cơm, học sinh, người lao động có thể chọn nước uống như cà-phê hay trà đá.

Những thành viên tự nguyện tham gia nấu nướng đều tập trung công việc như rửa rau củ quả cho sạch, nêm nếm nấu thật ngon để giúp người ăn ngon miệng. Bà Huỳnh Thị Ớt, tình nguyện viên “Nhà ăn tình thương”, nói: “Mỗi khi nhìn thấy học sinh ăn ngon miệng là các thành viên lại cảm thấy ấm lòng, gắn bó cùng công việc thiện nguyện”.

Ông Võ Văn Tuấn cho biết, rất nhiều nhà hảo tâm, nông dân thấy việc làm ý nghĩa của “Nhà ăn tình thương” nên đã tặng gạo, rau củ quả, nước tương, dầu ăn, củi khô...

Điều đáng quý là, có khoảng 200 học sinh gắn bó với buổi ăn trưa khi đỗ đạt thành tài, có công ăn việc làm ổn định đã hỗ trợ tiền bạc cho nhà ăn. Cạnh đó, cũng có nhiều phụ huynh làm ăn khấm khá, nhớ ơn ngày xưa con em mình đã từng được “Nhà ăn tình thương” cưu mang nên đã đến góp tiền để trợ lực cho lớp học sinh mới. Ai tặng bao nhiêu, đều được Ban điều hành ghi vào sổ và bảng, công khai minh bạch rõ ràng.

Cứ vậy, những tấm lòng đã cùng đi chung với nhà ăn qua bao năm tháng giúp bếp ăn luôn đỏ lửa giúp học sinh, người lao động nghèo.