Người tiêu dùng được tạo điều kiện lựa chọn môi trường tiêu dùng lành mạnh, bền vững

NDO - Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vừa được Quốc hội thông qua quy định rõ về quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng, theo đó người tiêu dùng được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản… khi tham gia giao dịch, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, cũng như được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn về kiến thức và kỹ năng tiêu dùng và tạo điều kiện lựa chọn môi trường tiêu dùng lành mạnh, bền vững.
0:00 / 0:00
0:00

Quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân bán hàng đa cấp

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, chiều 20/6, sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày báo cáo về một số vấn đề lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua luật này.

Kết quả, với 463/465 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (bằng 93,72% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Người tiêu dùng được tạo điều kiện lựa chọn môi trường tiêu dùng lành mạnh, bền vững ảnh 1

Kết quả biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). (Ảnh: DUY LINH)

Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 7 Chương, 80 Điều; sửa đổi, bổ sung toàn bộ các Điều (bao gồm các Điều được bỏ, chuyển nội dung sang Điều khác, bổ sung 3 Điều); và bổ sung khoản 5 của Điều 317 Bộ luật Tố tụng dân sự để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Luật này quy định về nguyên tắc, chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng; hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của cơ quan, tổ chức; giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh; quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Luật nêu rõ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm của Nhà nước, tổ chức, cá nhân và toàn xã hội. Trong đó, quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng được công nhận, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ theo quy định của pháp luật; bảo đảm công bằng, bình đẳng, không phân biệt về giới, tự nguyện, không vi phạm pháp luật, không trái với thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội trong giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Người tiêu dùng được tạo điều kiện lựa chọn môi trường tiêu dùng lành mạnh, bền vững ảnh 2

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Người tiêu dùng được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, bảo vệ thông tin, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp.

Theo luật này, người tiêu dùng cũng được lựa chọn sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh theo nhu cầu, điều kiện thực tế của mình; quyết định tham gia hoặc không tham gia giao dịch; thỏa thuận các nội dung giao dịch với tổ chức, cá nhân kinh doanh; được cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đúng với nội dung đã giao kết; được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn về kiến thức và kỹ năng tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, cũng như được tạo điều kiện lựa chọn môi trường tiêu dùng lành mạnh và bền vững.

Người tiêu dùng được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, bảo vệ thông tin, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp.

Đặc biệt, Điều 45 của luật này có quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân bán hàng đa cấp. Theo đó, tổ chức bán hàng đa cấp có trách nhiệm niêm yết công khai các tài liệu hoạt động tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, trang thông tin điện tử, phần mềm ứng dụng (nếu có) của tổ chức bán hàng đa cấp; nhận lại hàng hóa và trả lại tiền theo yêu cầu của cá nhân tham gia bán hàng đa cấp hoặc người tiêu dùng nếu yêu cầu được thực hiện trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận hàng hóa và hàng hóa còn nguyên bao bì, tem, nhãn và còn thời hạn sử dụng.

Tổ chức bán hàng đa cấp chịu trách nhiệm đối với hoạt động bán hàng đa cấp của cá nhân tham gia bán hàng đa cấp trong trường hợp hoạt động đó được thực hiện tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh hoặc tại các hội nghị, hội thảo, khóa đào tạo của tổ chức bán hàng đa cấp.

Cá nhân tham gia bán hàng đa cấp có trách nhiệm xuất trình thẻ thành viên trước khi giới thiệu hoặc tiếp thị, bán hàng; tuân thủ hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp và quy tắc hoạt động; không được lợi dụng chức vụ, quyền hạn, địa vị xã hội, nghề nghiệp để khuyến khích, yêu cầu, lôi kéo, dụ dỗ người khác tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp hoặc mua hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng

Trước đó, trong quá trình thảo luận, có ý kiến đại biểu đề nghị cần quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng khi chưa có một luật riêng về lĩnh vực này.

Tại phiên họp, làm rõ thêm về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng hết sức cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra hiện nay.

Người tiêu dùng được tạo điều kiện lựa chọn môi trường tiêu dùng lành mạnh, bền vững ảnh 4

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày báo cáo về một số vấn đề lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, thông qua. (Ảnh: DUY LINH)

Tuy nhiên, bên cạnh Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với những lĩnh vực đặc thù cần có các quy định của pháp luật chuyên ngành để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thí dụ như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng cần phải áp dụng cả pháp luật về tài chính, ngân hàng, bảo hiểm.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã có quy định về bảo vệ người tiêu dùng khi ký kết các hợp đồng theo mẫu hoặc điều kiện giao dịch chung (Chương II). Hợp đồng theo mẫu của ngành ngân hàng, bảo hiểm thường là những hợp đồng in sẵn, nội dung rất phức tạp, mang tính nghiệp vụ chuyên ngành.

Do đó, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong trường hợp này, luật đã có quy định bên cung cấp dịch vụ phải giải thích rõ ràng, đầy đủ cho bên mua về quyền lợi, điều khoản loại trừ trách nhiệm, cung cấp bằng chứng giao dịch và các quy định để kiểm soát loại các loại hợp đồng này (các Điều 21, 28, 29).

Bên cạnh đó, luật này cũng có các quy định liên quan như các quy định về bảo vệ, thu thập, sử dụng, bảo đảm an toàn thông tin của người tiêu dùng (các Điều 15, 16, 17, 18, 19, 20); về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng trong giao dịch đặc thù (Chương III), về giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh (Chương V).

Đồng thời, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn liên quan đến việc tổ chức thực hiện chính sách pháp luật, do đó đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành quyết liệt hơn trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng và trong giao dịch điện tử.

Về giải quyết tranh chấp tại Tòa án (Điều 70 đến Điều 73), tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Điều 70 đã được chỉnh lý, hoàn thiện, khẳng định rõ vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chỉ cần có giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng là được giải quyết theo thủ tục rút gọn mà không cần đáp ứng bất cứ điều kiện nào khác. Tòa án giải quyết theo trình tự, thủ tục quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự.

Đối với các vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khác ngoài trường hợp nêu trên thì sẽ giải quyết theo thủ tục rút gọn khi đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 317 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Sau khi được Quốc hội thông qua, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.