"Người lính nhạc"của phố phường

NDO - Thông thường một người sáng tác, cũng như người nông dân, thâm canh trên mảnh ruộng của mình chứ ít khi quảng canh. Thế Hiển thì khác, tôi thấy anh viết về đủ mọi loại đề tài và cho mọi đối tượng, nhưng bao quát hết thảy vẫn là tấm lòng đầy trách nhiệm của một người nghệ sĩ như người lính không quản ngại xông pha

Nhạc sĩ đa năng

Viết cho trẻ con bài Nhanh nhanh nhanh, Thế Hiển đưa vào hình ảnh thực ngộ nghĩnh: 'Nhong nhong nhong cha làm con ngựa. Ðể cho con lên cưỡi trên lưng'. Anh sáng tác về những nhân vật vô danh, không một xu dính túi, đó là đám trẻ lang thang không nhà cửa và tuyệt vọng, như những phóng sự bằng tiếng hát: 'Thương sao bao nhiêu em thơ không mẹ không cha không cửa không nhà. Thương sao bao nhiêu em thơ mang nặng tật nguyền chìm trong đớn đau' (Mỗi trái tim một tấm lòng). Bài hát về tuổi hồng, như 'Cô bé soi gương', rất dí dỏm. Anh viết những bài hát được giới sinh viên yêu thích, điển hình là bài 'Cho dù có đi nơi đâu' với ca từ và giai điệu lãng mạn, da diết: 'Cho dù có đi nơi đâu. Ta cũng không quên được nhau. Cùng ngắm một vầng trăng sáng. Ðằm thắm chung mùa mưa ngâu'. Sáng tác về tình yêu của Thế Hiển tuy không nhiều nhưng cũng có những dấu ấn riêng như, độc đáo mà rất đời thường: 'Tóc em đuôi gà', 'Ðợi chờ trong cơn mưa'...

Thế Hiển là một trong những nhạc sĩ đa năng, bởi trước hết anh là ca sĩ được đào tạo bài bản tại Nhạc viện, có khả năng trình bày tốt ca khúc của mình. Công chúng đã quen thuộc với hình ảnh của người nhạc sĩ ca sĩ với cây đàn ghi-ta, cùng lăn lộn trên các công trường, những nẻo đường xa xôi của đất nước. Ca khúc của anh, dù viết đề tài gì, cũng chứa đựng một góc nhìn, một tình cảm riêng, một cái 'tôi' cá tính và bản lĩnh. Tự anh đã tạo nên một thế giới của mình và đem nó tới phục vụ cho đông đảo người nghe, đủ mọi tầng lớp, mọi miền đất nước.

Trái tim nhân hậu của người 'lính nhạc'

Tôi gặp anh ở Câu lạc bộ 'Nhánh lan rừng'của anh ở TP Hồ Chí Minh. Câu lạc bộ trùng tên với một ca khúc nổi tiếng của anh viết về người lính, với những câu ca lời hát vừa đầy chất lãng mạn tài tử, vừa khúc chiết, mạch lạc, mạnh mẽ và thong dong mà dứt khoát: Về thăm thành phố náo nức mùa xuân ba lô trên lưng mang theo nhánh lan rừng. Có người chiến sĩ, áo vương bụi đường xa đi giữa dòng người qua phố phường đông vui...

Thế Hiển giản dị, anh thích nói và có lẽ chỉ nói chuyện về âm nhạc. Âm nhạc là thứ có giá trị, nhưng khác với những thứ giá trị chỉ phục vụ cho một vài người sung túc, âm nhạc có sức lan tỏa đến mọi người, đưa họ vượt lên những khó khăn, tìm thấy được chính mình. Như anh đã cố gắng thắp sáng những ước mơ: Dù cho đời lính chinh chiến qua nhiều gian khổ. Vẫn hẹn ngày trở về trọn vẹn bao ước mơ...

Thế Hiển vừa đi dự festival Biển Nha Trang về. Biển Việt Nam, vẻ đẹp của nó, những khó khăn gian khổ và thử thách, đã là cảm hứng để anh sáng tác hàng chục ca khúc về biển Nha Trang, về những người lính giữ biển đảo hôm nay. Chùm ca khúc mới viết về biển đảo của anh, vẫn giữ được sự dung dị, gần gũi, đầy chất tự sự, nhưng chứa đựng nhiều hơn những niềm vui, sự lạc quan, tin tưởng vào người lính trẻ hôm nay. Tôi ấn tượng về sự hào sảng từ nắng gió đại dương, tràn ngập trong các ca khúc mới của Thế Hiển. Tinh thần yêu nước của những người lính trẻ trên con đường bảo vệ và khẳng định vị thế của đất nước, như một làn gió mát thổi vào người nhạc sĩ đã có ba chục năm sáng tác, khiến anh thấy mình trẻ lại, hừng hực khí thế, viết một mạch hàng chục ca khúc về biển đảo. Mong anh sáng tạo thêm nhiều 'nhánh lan rừng' mới cho đông đảo lớp trẻ, và công chúng hôm nay.