Người dân thành phố Hòa Bình khốn khổ vì quy hoạch khu văn hóa tâm linh “treo” 17 năm

NDO - Tỉnh Hòa Bình quy hoạch khu văn hóa tâm linh, nhưng chủ đầu tư là Giáo hội Phật giáo thành phố Hòa Bình lại không có tiền giải phóng mặt bằng cho các hộ dân. “Dự án treo 17 năm” khiến người dân không sửa được nhà, không được xây mới, không mua-bán, không được làm các thủ tục chuyển đổi đất…, gây bức xúc cho 170 hộ dân ở tổ 8, phường Tân Thịnh, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. 
0:00 / 0:00
0:00
Theo Sở Xây dựng Hòa Bình, chỉ ngôi chùa Phật Quang (màu nâu ở giữa) là có giấy phép xây dựng. Còn lại các công trình chung quanh không có giấy phép xây dựng.
Theo Sở Xây dựng Hòa Bình, chỉ ngôi chùa Phật Quang (màu nâu ở giữa) là có giấy phép xây dựng. Còn lại các công trình chung quanh không có giấy phép xây dựng.

Bài 1: 17 năm đi không được, ở không xong

Người dân bức xúc

Có mặt tại tổ 8, phường Tân Thịnh, thành phố Hòa Bình, chúng tôi chứng kiến các gia đình sống trong cảnh chật chội, lụp xụp suốt 17 năm qua.

Tại đây, các gia đình không được phép xây mới hoặc sửa chữa ngôi nhà của mình. Nhiều gia đình con đã lớn mà không dám lập gia đình vì không đủ chỗ ở. Nhiều gia đình có thêm thành viên buộc phải đi thuê thêm nơi ở mới vì quá chật chội… Các gia đình là công nhân xây dựng Sông Đà được cấp đất và nhà tập thể có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 2006.

Theo các hộ dân, từ năm 2007, khu vực đồi Ba Vành thuộc phường Tân Thịnh, thành phố Hòa Bình được quy hoạch Xây dựng trụ sở và các công trình văn hóa tâm linh thành phố Hòa Bìnhdo Ban Đại diện Phật giáo thành phố Hòa Bình làm chủ đầu tư.

Ban đầu nhân dân rất phấn khởi, hy vọng cuộc sống tinh thần, văn hóa, tâm linh sẽ thêm phần tốt đẹp. Nhưng từ đó đến nay đã 17 năm, Ban Đại diện Phật giáo thành phố Hòa Bình không thực hiện theo kế hoạch xây dựng theo quy hoạch, khiến các hộ dân nằm trong quy hoạch rơi vào tình trạng đi không được vì không có tiền mua chỗ khác, ở không xong vì không được sửa chữa.

Người dân thành phố Hòa Bình khốn khổ vì quy hoạch khu văn hóa tâm linh “treo” 17 năm ảnh 1

Người dân dưới chân cổng chùa tại tổ 8, phường Tân Thịnh, thành phố Hòa Bình nằm trong quy hoạch công trình văn hóa tâm linh suốt 17 năm qua phải ở trong những ngôi nhà lụp xụp không được sửa, không được xây mới.

Tìm hiểu về vụ việc trên, được biết từ ngày 17/5/2007, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình ban hành Quyết định số 1167/QĐ-UBND về việc thu hồi đất và giao cho Ban Đại diện Phật giáo thành phố Hòa Bình do Chủ tịch Ủy ban nhân tỉnh Bùi Văn Tỉnh ký (nay ông Tỉnh đã nghỉ hưu).

Theo đó, tỉnh thu hồi 30.000m2 đất các loại tại Đồi Ba Vành, thuộc tổ 21 (nay là tổ 8), phường Tân Thịnh, thành phố Hòa Bình do Ủy ban nhân dân phường Tân Thịnh, cơ sở tôn giáo quản lý; do hộ gia đình, cá nhân quản lý cho Công ty Thành An thuê sử dụng và do các hộ gia đình, cá nhân quản lý sử dụng để giao cho Ban Đại diện Phật giáo thành phố Hòa Bình xây dựng trụ sở và công trình văn hóa tâm linh.

Theo đó, Ủy ban nhân dân thành phố Hòa Bình tổ chức việc bồi thường giải phóng mặt bằng; quyết định thu hồi đất, chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của từng hộ gia đình, cá nhân. Ban Đại diện Phật giáo thành phố Hòa Bình chi trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng theo quy định.

Tiếp đó, đến ngày 9/9/2010, Ủy ban nhân dân thành phố Hòa Bình ban hành Quyết định số 1340/QĐ-UBND thu hồi đất để giao cho Ban Đại diện Phật giáo thành phố Hòa Bình “Xây dựng trụ sở và các công trình văn hóa tâm linh thành phố Hòa Bình” do Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hòa Bình Trần Văn Hoàn ký (nay ông Hoàn đã nghỉ hưu). Theo đó, Ủy ban nhân dân thành phố Hòa Bình thu hồi 21.284m2 đất lâm nghiệp để giao cho Ban Đại diện Phật giáo Hòa Bình. Như vậy, tổng diện tích đất quyết định thu hồi của 2 đợt là 51.284m2.

Điều đáng nói là cả Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hòa Bình Trần Văn Hoàn đều ký ban hành quyết định giao đất và thu hồi đất, giải phóng mặt bằng khi thời điểm đó khu đất này chưa có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Theo Luật Đất đai năm 2003, tại khoản 1 Điều 39, quy định: Nhà nước thực hiện việc thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được công bố hoặc khi dự án đầu tư có nhu cầu sử dụng đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt. Việc thu hồi khu đất trên để giao cho Ban Đại diện Phật giáo thành phố Hòa Bình không có trong danh mục quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vi phạm Luật Đất đai.

Giao đất không đúng quy định

Khi tỉnh Hòa Bình và thành phố Hòa Bình đã ban hành quyết định giao đất và thu hồi đất đang sai luật, thì đến ngày 11/4/2016, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình tiếp tục ban hành văn bản số 306/UBND về chủ trương cho phép mở rộng thêm diện tích khu văn hóa tâm linh khoảng 7,2ha do ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ký (nay ông Quang đã nghỉ hưu), còn ông Bùi Văn Tỉnh lúc này chuyển lên làm Bí thư Tỉnh ủy.

“Dự án” đang chưa có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bồi thường giải phóng mặt bằng chưa xong, mốc giới chưa rõ ràng… mà tỉnh lại tiếp tục ký cho phép mở rộng thêm diện tích là sai quy định.

Người dân thành phố Hòa Bình khốn khổ vì quy hoạch khu văn hóa tâm linh “treo” 17 năm ảnh 2

Cổng chùa Phật Quang Hòa Bình.

Đến nay, chủ đầu tư là Ban Đại diện Phật giáo thành phố Hòa Bình mới chỉ bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng hơn 40.570m2 đất (chủ yếu là đất lâm nghiệp). Đối với phần đất do các hộ dân đang ở và sinh sống tiếp giáp với đường Nguyễn Văn Trỗi vẫn chưa chi trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng với lý do: Ban Đại diện Phật giáo thành phố Hòa Bình không có tiền để chi trả, không có tiền để bố trí thực hiện tái định cư cho các hộ dân bị thu hồi đất theo quy định luật đất đai.

Tại nhiều cuộc họp với chính quyền thành phố Hòa Bình, Ban Đại diện Phật giáo thành phố Hòa Bình (đại diện nhà chùa Phật Quang tự) đều cho biết là không có tiền để chi trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng, không có tiền để thực hiện dự án tái định cư cho các hộ dân bị thu hồi đất đất đợt 1 và đợt 2 nêu trên. Đồng thời, Ban Đại diện Phật giáo thành phố Hòa Bình đề nghị với tỉnh Hòa Bình và thành phố Hòa Bình có kế hoạch hỗ trợ kinh phí cho nhà chùa để chi trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng và xây dựng các khu tái định cư khi thu hồi đất. Chuyện này là không đúng quy định vì đây không phải là dự án của Nhà nước.

Liên quan vấn đề trên, ngày 23/1/2023, Thượng tọa Thích Đức Nguyên, thay mặt Thường trực Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hòa Bình có văn bản gửi Sở Xây dựng Hòa Bình và các cơ quan liên quan. Theo đó, căn cứ văn bản số 2056/UBND ngày 26/1/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình đồng ý chủ trương xây dựng Khu văn hóa tâm linh chùa Hòa Bình Phật Quang tự với diện tích 12,1ha.

Tại hội nghị ngày 19/1/2021 do Sở Xây dựng chủ trì và các sở, ngành liên quan và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hòa Bình có trách nhiệm tổ chức kiểm tra trật tự xây dựng đối với các hộ dân khu văn hóa tâm linh chùa Hòa Bình Phật Quang tự trong khu vực 12,1ha. Việc này rất quan trọng trong chủ trương xây dựng khu văn hóa tâm linh chùa Hòa Bình Phật Quang tự. Đề nghị khi có kết luận sự việc này, Ủy ban nhân dân thành phố Hòa Bình chuyển cho sở, ngành và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hòa Bình.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hòa Bình đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Hòa Bình, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình hoàn thiện các thủ tục giao đất. Theo quy định của luật đất đai, đối với diện tích khoảng 5,3ha, phần diện tích này Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hòa Bình xây dựng khu văn hóa tâm linh chùa Hòa Bình Phật Quang tự đã phối hợp Ủy ban nhân dân thành phố Hòa Bình và các cơ quan liên quan, hỗ trợ đền bù thỏa đáng cho các hộ dân theo quy định pháp luật.

Theo các hộ dân nơi đây, cả các cấp chính quyền và Giáo hội Phật giáo thành phố Hòa Bình lùng nhùng trong việc thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư, quá trình thu hồi đất có nhiều vấn đề sai phạm, không đúng với quy định.

Cụ thể, công tác đo đạc, lập bản đồ phục vụ cho việc thu hồi đất mốc giới đất chưa được xác định rõ ràng, không minh bạch. Các hộ dân đã gửi đơn đến các cấp chính quyền của tỉnh Hòa Bình và thành phố Hòa Bình kiến nghị nhiều năm liền về việc xác định lại ranh giới, mốc giới đất đã có quyết định thu hồi, đã bồi thường giải phóng mặt bằng, đã giao cho Ban Đại diện Phật giáo thành phố Hòa Bình, tiếp giáp với phần đất của các hộ dân liền kề.

Nhưng đến nay ranh giới đất giữa các hộ dân vẫn không được làm rõ, đang bị chồng lấn giữa đất đã được thu hồi, đã được bồi thường giải phóng mặt bằng và đất chưa thu hồi, chưa bồi thường giải phóng mặt bằng, gây ra tình trạng quản lý sử dụng đất lộn xộn, khiếu kiện kéo dài nhiều năm nay mà vẫn chưa được giải quyết.

Theo người dân, quá trình thu hồi đất, giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, thực hiện xây dựng các hạng mục công trình có hàng loạt các sai phạm, nhưng không được chính quyền địa phương từ Ủy ban nhân dân phường Tân Thịnh và các phòng, ban liên quan của Ủy ban nhân dân thành phố Hòa Bình đến tỉnh Hòa Bình xem xét, xử lý.

Qua nhiều năm, nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của tỉnh, sở, ngành, thành phố, phường liên quan đã nghỉ hưu, nhưng người dân ở quanh khu vực đồi Ba Vành vẫn gửi đơn kiến nghị, mong mỏi các cấp chính quyền giải quyết.

Nhưng, phía các cấp chính quyền lại loay hoay, tỉnh cứ chỉ đạo xuống sở, ngành, thành phố; rồi sở, ngành, thành phố lại tham mưu lên tỉnh… cứ như thế diễn ra bao năm nay khiến vụ việc càng gây bức xúc nhân dân và dư luận.

(Còn nữa)