Người dân chung tay dọn dẹp đường phố

Bão số 3 cường độ rất mạnh, đổ bộ vào miền bắc nước ta trong ngày 7/9 đã ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều địa phương, trong đó có Thủ đô Hà Nội, gây gãy đổ nhiều cây xanh, bay tốc nhiều mái nhà... Ngay sau khi bão tan, nhiều người dân đã cùng các lực lượng chức năng dọn dẹp, khắc phục hậu quả sau bão.
0:00 / 0:00
0:00

Tối 7/9, nghe tin nhiều cây xanh ở các tuyến phố trung tâm thành phố Hà Nội bị gãy đổ do bão số 3, Trần Duy Tiệp, một bạn trẻ 18 tuổi ở huyện Sóc Sơn đã lên mạng xã hội kêu gọi mọi người cùng hỗ trợ lực lượng chức năng dọn dẹp đường phố. Tiệp cho biết, sau khi bão tan công nhân môi trường sẽ làm việc rất vất vả, cho nên em muốn kêu gọi các bạn trẻ cùng giúp đỡ khắc phục hậu quả cơn bão gây ra, gần chục bạn trẻ lập tức nhận lời.

Xuất phát lúc 1 giờ 46 phút từ huyện Sóc Sơn, đến 2 giờ 30 phút sáng 8/9, nhóm bạn trẻ đã có mặt ở phố Thụy Khuê (quận Tây Hồ). Ðường phố tối đen như mực vì hàng quán đóng cửa, cây cối trên đường nghiêng ngả, nhiều cây đổ rạp vì gió giật mạnh. Nhóm bạn trẻ tập hợp tại một địa điểm ở ven hồ Tây đúng lúc lực lượng chức năng bắt đầu làm nhiệm vụ. Tiệp chủ động đề nghị được tham gia hỗ trợ.

Trên các phố Trích Sài, Nguyễn Ðình Thi, các bạn trẻ thu dọn các cành cây gãy để xe chở đi, gom rác vào bao tải, giúp dịch chuyển cây xanh, cột đèn đường đổ chắn ngang đường. 6 giờ sáng 8/9, khi một số đoạn đường được dọn dẹp cơ bản để các phương tiện có thể lưu thông, các thành viên trong nhóm chia tay nhau để về nghỉ ngơi. “Ai cũng thấm mệt nhưng chúng em thấy rất vui vì làm được việc có ích’’, Tiệp nói.

Sáng chủ nhật 8/9, ông Nguyễn Văn Thành, 70 tuổi, ở quận Ðống Ða cùng 15 người khác trong tổ dân phố mang chổi, cào, bao tải... ra đường quét dọn, thu gom rác theo sự huy động của cán bộ tổ dân phố. “Cả đêm mất ngủ vì bão, nhưng thấy cây cối đổ rạp, gây cản trở giao thông, đường phố đầy rác, tôi không thể ngồi yên’’, ông Thành cho biết.

Họ chia thành các nhóm, đảm nhiệm từng nhiệm vụ khác nhau. Ông Thành và một số nam thanh niên khuân vác các cành cây gãy đổ đã được nhân viên cây xanh cưa gọn, xếp vào một góc. Các bà, các cô quét dọn lá cây rụng. Ðến buổi trưa, con phố trước cửa nhà ông Thành đã thoáng đãng và an toàn để các phương tiện di chuyển.

Cùng ngày, nhóm những người đam mê chạy bộ của chị Thu Hoa, 37 tuổi, ở Linh Ðàm cũng tập hợp nhau xuống đường. Thay vì chạy bộ như thường lệ, khoảng 30 người mang thêm chổi, găng tay, bao đựng rác để thu dọn rác, cây đổ trên đường phố. Nhóm chạy bộ hỗ trợ cơ quan chức năng quét dọn, khuân vác, dồn những cành cây đổ gãy ở dưới đường đưa tạm lên vỉa hè để tiện cho việc di chuyển của các phương tiện giao thông.

Dù công việc tốn nhiều công sức và thời gian, nhưng mọi người đều vui vẻ, hào hứng khi được góp sức khắc phục hậu quả sau bão. Không chỉ những bạn trẻ như Tiệp hay người dân ở khu chung cư của chị Thu Hoa và ông Thành, trên khắp các ngõ phố, đường lớn, rất nhiều người dân Thủ đô tình nguyện dọn dẹp, phát quang đường phố sau bão.

Nhà nghiên cứu văn hóa, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Ngọc Trung, nguyên Trưởng Khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đánh giá cao tinh thần chung tay giúp sức của nhân dân với chính quyền thành phố, đã góp phần sớm khắc phục hậu quả do bão gây ra: “Ðiều đó thể hiện tinh thần đoàn kết, ý thức tự giác của cộng đồng, sự gắn bó, tương trợ của chính quyền và nhân dân trong thiên tai’’.