Người cầm bút phải dùng sức mạnh ngôn từ đem tới giá trị nhân văn cao quý

Lần đầu tôi được gặp nhà văn Phan Hồng Giang là ở thủ đô Moskva quãng năm 1985, khi ông mới ngoài 40 tuổi. Ông đeo kính, đội mũ nồi, vóc người cao lớn, hơi đậm, mặc chiếc áo khoác rộng và luôn cho tay vào túi áo. Từ ông toát ra dáng vẻ của một nhà khoa học: giản dị, điềm đạm, đôi khi lơ đãng, ít nói, nhưng khi nói ra điều gì thì thường thâm thúy, uyên bác.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà văn Phan Hồng Giang. (Ảnh NGUYỄN ÐÌNH TOÁN)
Nhà văn Phan Hồng Giang. (Ảnh NGUYỄN ÐÌNH TOÁN)

Ông đưa tôi lên phòng nghiên cứu của mình trong Trường đại học Tổng hợp Lomonosov. Một căn phòng nhỏ, cổ kính và uy nghiêm, chứa rất nhiều sách vở, nơi ông chuẩn bị hoàn thành luận án Tiến sĩ khoa học Ngữ văn: "Tính cách quốc tế của văn học Nga" - một đề tài sau này được các học giả Nga và quốc tế đánh giá rất cao từ cách phát hiện, tiếp cận vấn đề cũng như sự am hiểu sâu sắc của ông về văn học Nga.

Phong thái trò chuyện nhỏ nhẹ, thân ái, bình đẳng của ông trái ngược với hình dung của tôi về một dịch giả văn học nổi tiếng, khiến tôi hoàn toàn bị chinh phục. Sau này tôi còn được gặp ông nhiều lần, nhưng lần nào ấn tượng về sự ấm áp, tin cậy, luôn được bao dung và giải đáp, vẫn vẹn nguyên như lần đầu.

Nhà văn Phan Hồng Giang (tên khai sinh là Nguyễn Ðức Hân) sinh ngày 2/3/1941, con trai của tác giả Thi nhân Việt Nam, nhà văn Hoài Thanh (Nguyễn Ðức Nguyên) và em trai của nhà văn Từ Sơn (Nguyễn Ðức Dũng). Trong khoảng nửa thế kỷ công tác, ông đã trải qua nhiều công việc: lý luận phê bình, biên tập báo chí, xuất bản, dịch thuật văn học, giảng dạy, nghiên cứu văn hóa… Có lần tôi hỏi ông: Nếu được lựa chọn một trong rất nhiều danh xưng từ những công việc kể trên, ông thấy danh xưng nào phù hợp nhất? - "Nhà nghiên cứu văn hóa. Ðây là công việc của tôi những năm cuối cùng khi còn tại chức và là công việc bây giờ tôi vẫn làm khi đã 80 tuổi".

Nhà văn Phan Hồng Giang (tên khai sinh là Nguyễn Ðức Hân) sinh ngày 2/3/1941, con trai của tác giả Thi nhân Việt Nam, nhà văn Hoài Thanh (Nguyễn Ðức Nguyên) và em trai của nhà văn Từ Sơn (Nguyễn Ðức Dũng).

Nhưng nói đến Phan Hồng Giang, trước hết phải nhắc đến danh xưng dịch giả. Nhiều độc giả yêu văn chương hẳn sẽ nhớ ngay đến những bản dịch tuyệt vời các kiệt tác văn học Nga như "Truyện ngắn Chekhov", "Daghestan của tôi" (Raxun Gamzatov), "Một mình với mùa thu" (Paustovsky), "Nàng Lika" (Ivan Bunhin), "Cánh buồm đỏ thắm" (Alexandr Grin)…

Biết tiếng Nga, lại là tiếng Nga văn học, từ rất sớm (những năm 1960-1964, Phan Hồng Giang là sinh viên khoa Ngữ văn Trường đại học Tổng hợp Lomonosov), ông có điều kiện nghiên cứu nhiều tác phẩm văn chương Nga, đặc biệt là giai đoạn thế kỷ XIX, vốn được coi là thời kỳ đỉnh cao của văn học Nga.Ông dịch vì muốn chia sẻ những kiệt tác này với độc giả, đặc biệt là người viết văn trong nước.

Theo ông, đó không chỉ là kiến thức, tình yêu văn chương, sự truyền cảm hứng, mà đọc những áng văn tuyệt diệu ấy rồi, hẳn người viết sẽ phải tự nâng bút lực của mình lên. Quả thật, nhiều thế hệ cầm bút ở Việt Nam đã được "hưởng lợi" từ những tác phẩm dịch này. Ðây có thể coi là đóng góp quan trọng của Phan Hồng Giang cho văn học nước nhà. Qua những bản dịch của ông, đất nước, văn hóa và nền văn học vĩ đại của Nga đã đến với độc giả Việt Nam bằng đôi cánh kỳ diệu của ngôn từ. Ông đã đem lại một vẻ đẹp khác cho ngôn ngữ Việt thông qua việc chuyển ngữ các văn bản văn chương Nga.

Từng trải qua nhiều cương vị công tác và "thành danh" trong lĩnh vực dịch thuật, nhưng Phan Hồng Giang chỉ nhận danh xưng là một người nghiên cứu văn hóa. Từ năm 1997 đến lúc nghỉ hưu vào năm 2002, ông đảm đương cương vị Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia.

Ông tham gia vào những đề án lớn của Trung ương về văn hóa; nghiên cứu, chấp bút nhiều văn kiện về Chiến lược phát triển văn hóa, từ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng con người, đáp ứng yêu cầu phát triển mới của xã hội, đất nước trong đó tập trung vào xây dựng đạo đức, lối sống; xây dựng môi trường văn hóa, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc; chủ động hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nước ngoài và quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới; xây dựng thể chế và các thiết chế văn hóa phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân...

Sau khi rời Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia, ông tiếp tục công việc nghiên cứu văn hóa, là Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Phó Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch (Hội nhà văn Việt Nam), Ủy viên Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng Viết văn Nguyễn Du…

Từng trải qua nhiều cương vị công tác và "thành danh" trong lĩnh vực dịch thuật, nhưng Phan Hồng Giang chỉ nhận danh xưng là một người nghiên cứu văn hóa. Từ năm 1997 đến lúc nghỉ hưu vào năm 2002, ông đảm đương cương vị Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia.

Ông đã được nhận nhiều giải thưởng văn học: Bằng khen của Hội nhà văn Liên Xô cho dịch giả có nhiều đóng góp giới thiệu văn học Xô-viết; Giải thưởng văn học dịch của Hội nhà văn Việt Nam cho cuốn "Daghestan của tôi" (1987); Tặng thưởng cho dịch phẩm hay nhất của nhà xuất bản Tác phẩm mới cho cuốn "Nàng Lika" (1988); Giải thưởng Nhà nước về Văn học, nghệ thuật (2012) cho các cuốn sách "Ghi chép về tác giả và tác phẩm", "Chung quanh một số vấn đề về văn hóa, nghệ thuật"… Chia sẻ suy nghĩ về nghề văn, ông viết: "Trước và trong khi cầm bút, người viết văn cần phải là một công dân biết buồn, vui, lo toan cùng đất nước, cùng mỗi số phận con người và biết dùng sức mạnh ngôn từ góp phần đem tới cho người đọc giá trị nhân văn cao quý".

Về đời tư, ông có một người con trai cũng từng học Ngữ văn tại Trường đại học Tổng hợp Lomonosov, nay định cư tại Liên bang Nga. Người bạn đời của ông là nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát. Tình yêu văn chương và thi ca đã gắn bó ông bà với nhau trong một tình yêu lớn, như những câu thơ bà viết tặng ông cách đây đúng 30 năm: "Cảm ơn ngày ta tìm lại được nhau/Tìm lại được mình sau quãng đời mất mát/Mưa đã tạnh và trái tim lại hát/Muôn bài ca chỉ riêng tặng cho mình".

Sau một thời gian lâm bệnh nặng, vào hồi 6 giờ 57 phút ngày 10/9, đúng Rằm Trung thu năm 2022, nhà nghiên cứu văn hóa, dịch giả Phan Hồng Giang đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng, hưởng thọ 81 tuổi. Tang lễ của ông được tổ chức vào ngày 12/9/2022 tại Nhà tang lễ Bệnh viện 354, Hà Nội ■