Nhà văn, dịch giả Phan Hồng Giang qua đời

NDO - Theo thông tin từ Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn, dịch giả Phan Hồng Giang đã qua đời sáng 10/9 tại Hà Nội ở tuổi 82.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà văn, dịch giả Phan Hồng Giang. (Ảnh: Hội Nhà văn Việt Nam)
Nhà văn, dịch giả Phan Hồng Giang. (Ảnh: Hội Nhà văn Việt Nam)

Nhà văn, dịch giả Phan Hồng Giang tên thật là Nguyễn Đức Hân, sinh ngày 2/3/1941, quê ở Nghi Trung, Nghi Lộc, Nghệ An. Ông là Tiến sĩ khoa học ngữ văn và là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1981.

Từ năm 1960-1964, ông là sinh viên Khoa Ngữ văn, ĐH Tổng hợp Moskva mang tên M. Lomonosov. Từ năm 1964-1974, ông đảm nhiệm công việc biên tập viên Tạp chí Văn học, Tạp chí Tác phẩm mới. Từ năm 1974-1986, ông là cán bộ Trường Viết văn Nguyễn Du (có 6 năm đi tu nghiệp tại Liên Xô).

Từ năm 1986 – 1996, ông làm Trưởng phòng Biên tập Nhà xuất bản Văn học, Nhà xuất bản Thế giới (Ngoại văn cũ), rồi làm Phó Giám đốc Nhà xuất bản Thế giới kiêm Tổng biên tập Tạp chí đối ngoại New Vietnam. Ông đảm nhiệm chức vụ Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật, Ủy viên Hội đồng Chính sách khoa học & công nghệ quốc gia từ năm 1997-2002.

Từ năm 2002-2006, ông là Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương; Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Viết văn Nguyễn Du thuộc Hội Nhà văn Việt Nam (2005-2007). Ông còn là Ủy viên Hội đồng Lý luận phê bình của Hội (1989-1995), Phó Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch của Hội (1995-2010).

Tác phẩm của nhà văn, dịch giả Phan Hồng Giang đã xuất bản gồm: “Sêkhov” (1979), “Ghi chép về tác giả và tác phẩm” (1996), Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc (viết chung); “Chung quanh một số vấn đề văn hóa nghệ thuật” (Phần I:2007, Phần II: 2018); “Văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội” (Chủ biên,1999); “Đời sống văn hóa ở nông thôn đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long” (Chủ biên, 2005); “Quản lý văn hóa Việt Nam trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế” (Đồng chủ biên, 2013).

Nhà văn, dịch giả Phan Hồng Giang cũng từng chuyển ngữ nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng, được bạn đọc Việt Nam yêu mến như “Truyện ngắn Sê khov”, 2 tập (1978-1979), “Ngày phán xử cuối cùng” (1973), “Đaghestan của tôi”, 2 tập (Bằng Việt dịch phần thơ,1979-1983), “Cánh buồm đỏ thắm” (1983), “Một mình với mùa thu” (1983), “Nàng Lika” (1988); “Quản lý văn hóa Việt Nam trong trong đổi mới và hội nhập quốc tế” (nghiên cứu, 2012)…

Ông từng đạt được nhiều giải thưởng, tặng thưởng về văn học như Bằng khen của Hội Nhà văn Liên Xô cho dịch giả có nhiều đóng góp giới thiệu văn học Xô Viết (1983), Giải thưởng Văn học dịch của Hội Nhà văn Việt Nam cho cuốn “Đaghestan của tôi” (1987), Tặng thưởng cho dịch phẩm hay nhất của Nhà xuất bản Tác phẩm mới năm 1988 cho cuốn “Nàng Lika”, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2012 (cho các cuốn: “Ghi chép về tác giả và tác phẩm”; “Chung quanh một số vấn đề văn hóa nghệ thuật”).