Nghiên cứu, giảng dạy môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới

NDO - Ngày 26/8, Trường đại học Sư phạm Hà Nội; Hội Giáo dục Lịch sử Việt Nam; Quỹ phát triển Sử học Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học quốc gia “Môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới: Vấn đề đặt ra đối với nghiên cứu, giảng dạy”. Đông đảo các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học tham dự hội thảo.
0:00 / 0:00
0:00
Đại biểu tham luận tại hội thảo.
Đại biểu tham luận tại hội thảo.

Theo PGS, TS Nguyễn Mạnh Hưởng, hiện nay môn Lịch sử ở cấp Trung học phổ thông (THPT) là môn học thuộc nhóm Khoa học xã hội, gồm hai phần: Phần bắt buộc đối với tất cả học sinh và phần lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp. Năm học 2022-2023, việc dạy, học môn Lịch sử được triển khai đối với lớp 10 trong bối cảnh sách giáo khoa chưa kịp điều chỉnh và biên soạn mới theo quy định. Nhiều thầy, cô giáo với tình yêu lịch sử, năng lực chuyên môn và phương pháp tốt đã rất cố gắng vận dụng những lí luận mới, kết hợp kinh nghiệm vào thực tiễn để không ngừng nâng cao vị thế và chất lượng dạy học lịch sử theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh.

Trong quá trình triển khai, nhiều khó khăn, rào cản, các hình thức và biện pháp tháo gỡ khó khăn,… đã được các nhà nghiên cứu và cộng đồng giáo viên chia sẻ trên nhiều diễn đàn xã hội. Tuy nhiên, vẫn chưa có hội thảo khoa học nào ở cấp quốc gia tập hợp được những bài viết, kết quả nghiên cứu, ý kiến trao đổi, chia sẻ, thảo luận của các nhà khoa học và giáo viên toàn quốc về đổi mới việc dạy, học lịch sử đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Hội thảo quy tụ các nhà nghiên cứu, giáo viên Lịch sử trên toàn quốc có dịp chia sẻ thông tin, kết quả nghiên cứu, ứng dụng của mình trong việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông môn Lịch sử năm 2022. Đánh giá những điểm tích cực, hạn chế và khó khăn trong việc đổi mới hình thức, phương pháp dạy, học, kiểm tra đánh giá môn Lịch sử theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Vấn đề đổi mới đào tạo giáo viên Lịch sử ở các trường đại học, ở các khoa sư phạm có đào tạo giáo viên Lịch sử nhằm đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới hiện nay.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, giáo viên đã bàn chia sẻ, thảo luận, đánh giá chủ đề “Từ vị thế môn Lịch sử trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới đến sách giáo khoa môn Lịch sử ở cấp THPT”; “Đổi mới việc đào tạo giáo viên Lịch sử đáp ứng yêu cầu Chương trình Giáo dục phổ thông mới”; “Đổi mới hình thức tổ chức, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá lịch sử nhằm đáp ứng yêu cầu Chương trình Giáo dục phổ thông mới”.