Áp lực môn “học thuộc lòng”
Tại Dự thảo phương án tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố để lấy ý kiến của xã hội, Lịch sử sẽ là môn thi bắt buộc thứ 4, cùng với Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ trong Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Nếu phương án này được triển khai từ năm 2025, những học sinh đang theo học lớp 10 năm học này, cũng là những học sinh thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, sẽ là những thí sinh đầu tiên tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT theo phương án tổ chức thi mới.
Bùi Thanh Trà, học sinh lớp 10, Trường THPT chuyên Ngoại ngữ (thuộc Trường đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: “Chương trình học môn Lịch sử vốn khá nặng với nhiều nội dung. Vì thế, việc thêm Lịch sử vào môn thi bắt buộc khiến em cảm thấy áp lực. Em sẽ phải dành nhiều thời gian và công sức hơn để ôn tập thêm môn này”.
Nguyễn Duy Quang, học sinh lớp 10, Trường THPT Phan Đình Phùng (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết: "Phải ghi nhớ quá nhiều sự kiện trong tiến trình lịch sử Việt Nam và thế giới là trở ngại lớn nhất với em. Ở lớp, em học tốt các môn tự nhiên nên với các môn xã hội như Lịch sử, Địa lý, em thường chỉ cố gắng học thuộc lòng”.
Nguyễn Thị Hà Vy, học sinh lớp 10 Lý, Trường THPT chuyên Sư phạm Hà Nội cũng cho rằng việc có thể phải thi thêm môn Lịch sử sẽ khiến em phải dành thời gian nhiều hơn cho môn này, nhưng về cơ bản sẽ không ảnh hưởng nhiều đến những dự định và kế hoạch của bản thân trước đó. “Em nghĩ 2 năm là đủ để kịp chuẩn bị kiến thức”, Hà Vy nói.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Minh Hồng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Việc đưa Lịch sử trở thành môn thi bắt buộc sẽ giúp học sinh có cái nhìn đúng đắn hơn về giá trị môn học. Qua đó, góp phần thay đổi quan niệm giáo dục về các môn khoa học xã hội, cho thấy sự cân bằng trong nhận thức của mỗi cá nhân.
“Từ trước đến nay, nhiều người vẫn xem Lịch sử là môn tự chọn cho nên khi trở thành môn thi bắt buộc, phản ứng đa chiều của dư luận về sự thay đổi này là lẽ tất yếu”, Phó Giáo sư Hà Minh Hồng nói.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Minh Hồng, với những học sinh sẽ thi Lịch sử là môn bắt buộc ở năm đầu tiên, khó khăn là điều không thể tránh khỏi. Bởi nhiều bạn vẫn chưa hình dung được mình sẽ thi như thế nào, nội dung trọng tâm là gì.
Cần thay đổi để khơi gợi sự yêu thích của học sinh
Nhiều học sinh được hỏi dù còn băn khoăn về những thay đổi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, nhưng các em cũng cho rằng, đã là môn thi bắt buộc thì dù yêu thích hay không cũng sẽ cố gắng để vượt qua.
Tuy nhiên, cũng theo các học sinh, để đạt được đúng mục đích ý nghĩa trong việc giáo dục, xây dựng và bồi dưỡng nhân cách cho mỗi cá nhân thông qua việc dạy sử, học sử, thì cần phải khơi dậy được niềm hứng thú, sự yêu thích của học sinh đối với môn học này.
“Để nhớ lâu và hứng thú hơn với Lịch sử, em mong phương pháp dạy ở trường có thể khơi gợi thêm niềm yêu thích của chúng em đối với môn học”, học sinh Nguyễn Thị Hà Vy chia sẻ.
Giáo viên Lịch sử cũng cần đổi mới về phương pháp giảng dạy, áp dụng những bài học lịch sử vào cuộc sống hằng ngày, làm cho tri thức trở nên sinh động và thiết thực hơn, từ đó tránh được cách học thuộc lòng khô khan, máy móc.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Thị Thu Hương
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Thị Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho hay: “Lịch sử là môn học quan trọng trong nhà trường ở bậc phổ thông, giúp học sinh định hình những đặc điểm ban đầu về nhân cách, văn hóa; giáo dục tình yêu với gia đình, quê hương, đất nước; tôn vinh những giá trị nhân bản, tinh thần tự tôn dân tộc; bồi đắp khả năng cảm thụ nghệ thuật, thấu hiểu quá khứ và hiểu biết về bối cảnh của quốc gia cũng như thế giới”.
Đối với những môn Khoa học xã hội nói chung và Lịch sử nói riêng, người học cần ghi nhớ nhiều nội dung và sự kiện. Không ít học sinh đã sử dụng các phương pháp học như tái hiện kiến thức bằng sơ đồ tư duy, sơ đồ cây, học theo chủ đề, hay học theo cấu trúc đề thi… Nhờ đó, các bạn có thể nhớ lâu hơn và đạt hiệu quả ôn tập tốt hơn.
"Bên cạnh việc học sinh chủ động ôn tập, các giáo viên Lịch sử cũng cần đổi mới về phương pháp giảng dạy, áp dụng những bài học lịch sử vào cuộc sống hằng ngày, làm cho tri thức trở nên sinh động và thiết thực hơn, từ đó tránh được cách học thuộc lòng khô khan, máy móc", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Thị Thu Hương nêu quan điểm.
Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo Huỳnh Văn Chương cho biết: "Chúng tôi đang tiếp tục lắng nghe, phân tích, tổng hợp tiếp thu các ý kiến đóng góp cho Dự thảo phương án tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025".
Theo ông, trước khi quyết định đưa môn Lịch sử là một trong bốn môn thi bắt buộc như trong dự thảo, Bộ Giáo dục và Đào tạo cân nhắc rất kỹ và xin ý kiến đa chiều.
Việc Lịch sử trở thành môn học bắt buộc là triển khai thực hiện Nghị quyết số 63/2022/QH15 của Quốc hội khóa XV chỉ rõ “thiết kế môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục cấp THPT bao gồm cả phần bắt buộc và phần lựa chọn một cách hợp lý, khoa học, bảo đảm hiệu quả cao nhất trong việc giáo dục truyền thống và phát triển nhân cách cho học sinh".
“Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang nhận được khá nhiều ý kiến đồng thuận, đặc biệt từ các thầy cô giáo giảng dạy và học sinh trong trường phổ thông, nhưng các ý kiến cũng đề nghị cần thay đổi nhiều hơn cách ra đề cho môn học này", Cục trưởng Huỳnh Văn Chương thông tin.