“Cơn mưa điểm 10”
Theo phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022 mà Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố, điểm trung bình Lịch sử là 6,34 điểm. Điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 7 điểm, trong khi số thí sinh có điểm <= 1 chỉ chiếm tỷ lệ 0,01%. Năm 2021, tỷ lệ thí sinh có điểm dưới trung bình chiếm hơn 52% nhưng năm nay chỉ ở mức 19,34%. Phân tích phổ điểm cho thấy, điểm thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử năm nay cao hơn nhiều so với năm ngoái. Đặc biệt, năm nay có tới 1.779 bài thi đạt điểm tối đa, tăng hơn 6 lần so với năm 2021.
Nói đến cấu trúc đề thi năm nay, nhiều giáo viên đánh giá cao về tính vận dụng, liên hệ thực tế và việc thay đổi tỷ lệ kiến thức lớp 11, lớp 12 giúp thí sinh không quá trầy trật khi làm bài. Lượng kiến thức căn bản chiếm gần 80% thông qua các câu trắc nghiệm về nhận biết, thông hiểu, phần còn lại là kiến thức chuyên sâu, phân hóa thí sinh. Theo ông Lê Văn Chương, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An, nguyên chuyên viên môn Lịch sử thuộc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh, điểm thi Sử năm nay cải thiện phụ thuộc vào nhiều nguyên nhân, trong đó thấy rõ nhất là sự thay đổi trong cấu trúc đề.
Cụ thể, nếu như trước đây lượng kiến thức lớp 11 trong đề thi Sử bao giờ cũng chiếm gần 30% thì năm nay chỉ dao động ở mức 10%. Kiến thức lớp 11 cũng tiệm cận với kiến thức lớp 12, giúp thí sinh thuận lợi hơn cho việc kết nối, liên tưởng. Các câu hỏi cũng giảm bớt tính đánh đố với số liệu, dữ liệu lẻ tẻ mà tập trung vào phần luận. Như vậy, thí sinh nếu có đủ kiến thức căn bản, nắm bắt tốt các từ khóa trong chuỗi sự kiện, được dạy cách suy luận, phân tích, liên hệ thì sẽ hoàn thành tốt phần yêu cầu chung.
Cần chiến lược dài hơi
Tuy nhiên, nhìn vào phổ điểm khá đẹp của môn Lịch sử năm nay, nhiều chuyên gia nhận định, đó không thể là thước đo cho chất lượng giáo dục. Việc nâng chất Lịch sử, khiến học sinh thích thú với môn học quan trọng này đòi hỏi một chiến lược dài hơi với sự thay đổi đồng bộ từ chương trình, người dạy cho đến người học. Bà Nguyễn Thị Kim Quyên, Tổ trưởng tổ bộ môn Lịch sử, Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP Hồ Chí Minh) cho rằng, muốn nâng cao chất lượng dạy Sử, trước hết phải nhận thức đúng vị trí để thấy rõ vai trò của môn học. Do vậy, giáo viên phải là nhóm cần được tạo điều kiện để thay đổi nhiều nhất.
Đồng quan điểm, ông Chương cho rằng, muốn chất lượng môn học này đi lên và người học thích học, bản thân mỗi giáo viên phải thay đổi để linh hoạt thật sự trong cách truyền đạt kiến thức thay vì chỉ chuyển từ đọc - chép sang chiếu - chép như nhiều người vẫn làm lâu nay. “Đổi mới là trong tư duy và phương pháp dạy học. Có những sự kiện thầy cô không phải diễn giải dài dòng mà chỉ cần đặt ra câu hỏi, tạo tình huống khơi gợi và hướng cho học sinh tư duy phân tích, suy luận thay vì cứ học thuộc lòng”, ông Chương lý giải.
PGS, TS Hà Minh Hồng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP Hồ Chí Minh cho rằng, nếu biết cách khai thác thế mạnh của ba bộ sách giáo khoa mới thì việc nâng chất môn Sử trong thời gian tới là rất khả thi. Nhưng quan trọng nhất vẫn là khai thác cho bằng được tính chủ động, sáng tạo ở cả người dạy lẫn người học dựa trên khung chương trình mới. Ông Hồng nhận định: “Học Sử không phải học thuộc lòng, phải học để hiểu, để khám phá và cần có cái đối chiếu với cuộc sống. Vấn đề là giáo viên tổ chức việc dạy như thế nào cho hiệu quả thật sự”.
Theo ông Hồng, thay vì mang tính đại diện như hiện nay, cần tập huấn cho tất cả giáo viên để ai cũng nắm được tinh thần đổi mới của chương trình mới. Và điều quan trọng là phải thay đổi tư duy cũ rằng “học sát đề thi” vì giờ đây cách ra đề đã khác, sách cũng nhiều bộ, cái cần là theo khung chương trình và gợi mở những cái hay để kích thích nhu cầu tìm tòi, học hỏi của học sinh.