Ngay khi biết thông tin Sở Xây dựng Hà Nội thông báo tiếp nhận hồ sơ bán và cho thuê nhà ở xã hội đợt một tại dự án Khu nhà ở cho người thu nhập thấp tại khu đô thị Sài Ðồng (quận Long Biên), anh Nguyễn Văn Bình, sinh sống tại phường Bồ Ðề (quận Long Biên) đã khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, với mong muốn có được chỗ ở vừa gần nhà bố mẹ đẻ, vừa tiện cho việc đi làm của hai vợ chồng và việc học hành của hai con. Mặc dù có đủ các điều kiện mua nhà, nhưng anh Bình rất lo lắng vì số lượng căn hộ ít, trong khi nhu cầu của người dân lớn; liệu anh có phải bốc thăm quyền thuê, mua nhà; việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi mua nhà; tiến độ đóng tiền sẽ như thế nào?…
Theo tìm hiểu của chúng tôi, dự án nhà ở dành cho người thu nhập thấp NO 7-1, NO 7-2 tại khu đô thị Sài Ðồng gồm hai tòa nhà cao chín tầng, tầng 1 có chức năng làm dịch vụ thương mại, nhà để xe. Từ tầng 2 đến tầng 9 có tổng số 144 căn hộ, trong đó 29 căn hộ thương mại, 86 căn bán cho các đối tượng xã hội và 29 căn để cho thuê. Thời gian tiếp nhận hồ sơ từ ngày 20-4 đến 20-5, thời gian dự kiến ký hợp đồng mua bán căn hộ trong quý II và bàn giao căn hộ trong quý III năm nay. Giá bán nhà ở xã hội (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng và phí bảo trì) là gần 13,8 triệu đồng/m2; giá cho thuê (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng và phí quản lý hằng tháng) là 59 nghìn đồng/m2/tháng. Mức giá bán nhà ở xã hội nêu trên, nếu cộng cả thuế, phí bảo trì, tổng giá thành gần 15 triệu đồng/m2, là mức giá rất cạnh tranh, rẻ hơn mặt bằng chung khoảng 20%, trong khi dự án vẫn được hưởng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khá đồng bộ của khu đô thị. Vì thế việc cạnh tranh bốc thăm lựa chọn quyền mua nhà tại đây rất có thể xảy ra.
Trước đó, tại TP Hà Nội có nhiều dự án nhà ở xã hội mở bán, như dự án nhà ở xã hội tại khu đô thị Ðại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, với 307 căn hộ, trong đó 245 căn bán, 62 căn cho thuê. Mức giá khoảng 17,5 triệu đồng/m2, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng và phí bảo trì. Dự án nhà ở xã hội IEC, huyện Thanh Trì và dự án Ecohome (quận Bắc Từ Liêm) với mức giá từ 16 đến 17 triệu đồng/m2. Thậm chí, tại dự án nhà ở xã hội IEC đã xuất hiện tình trạng "cò" môi giới nhà đất quảng cáo, rao bán nhà ở xã hội như nhà ở thương mại để trục lợi.
Theo đánh giá của Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), nhu cầu nhà ở xã hội của người thu nhập thấp tại Hà Nội ngày càng lớn, với hơn một triệu m2 sàn. Trong giai đoạn 2016 - 2020, thành phố dự kiến đầu tư xây dựng, hoàn thành 15 dự án nhà ở xã hội, nhưng đến nay chưa có dự án nào hoàn thành, dẫn đến nguồn cung hạn chế. Theo kết quả kiểm toán nhà nước về chương trình nhà ở xã hội tại Hà Nội vừa công bố, trong tổng số 15 dự án nhà ở xã hội, có hai dự án chưa triển khai, bảy dự án chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư, một dự án không có thông tin tình hình triển khai; hai dự án dừng triển khai và ba dự án đã được chấp thuận chuyển đầu tư sang nhà ở thương mại.
Trong khi đó, có một nghịch lý là nhu cầu mua, thuê của người dân Hà Nội rất lớn, tuy nhiên không ít dự án nhà ở xã hội đã mở bán nhiều năm, nhưng đến nay vẫn ế ẩm hàng trăm căn hộ. Ðiển hình như dự án Tổ hợp nhà ở xã hội và dịch vụ thương mại AZ Thăng Long (tên thương mại là Bright City) tại xã Kim Chung, huyện Hoài Ðức, gồm bốn khối nhà, với gần 1.500 căn hộ, diện tích từ 44 đến 70 m2, khởi công xây dựng từ năm 2014. Theo hợp đồng, chủ đầu tư dự kiến bàn giao nhà cuối năm 2017, nhưng đến giữa năm 2019 mới bàn giao và đến nay còn nhiều hạng mục dang dở, hệ thống phòng cháy, chữa cháy chưa được cơ quan chức năng nghiệm thu. Vì thế, tại đợt mở bán đầu năm nay, với hơn 350 căn hộ bán, hơn 320 căn cho thuê, người thu nhập thấp cũng hết sức cân nhắc. Hay, tại dự án nhà ở xã hội Bamboo Garden, huyện Quốc Oai, được đầu tư xây dựng từ năm 2014, với gần 350 căn hộ để bán, gần 90 căn hộ cho thuê, với mức giá chưa đến 10 triệu đồng/m2, sau 20 đợt mở bán kéo dài bốn năm, đến nay vẫn còn 20 căn hộ chưa bán được. Các căn hộ cho thuê còn nguyên. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nhiều dự án không có khách mua là do vị trí xây dựng chưa phù hợp đối tượng sử dụng, hoặc nằm cách trung tâm thành phố, hạ tầng chung quanh dự án chưa đồng bộ, thiếu tính kết nối.
Để giải bài toán phát triển nhà ở cho các đối tượng xã hội, UBND thành phố cần chỉ đạo các sở, ngành đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện các dự án dang dở. Tập trung triển khai xây dựng năm dự án khu nhà ở xã hội tập trung đã được phê duyệt. Cùng với đó, đề nghị Chính phủ tiếp tục triển khai các gói cho vay ưu đãi với lãi suất thấp hỗ trợ người mua nhà; đồng thời xem xét cắt giảm các điều kiện, thủ tục đăng ký thuê, mua nhà ở xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng xã hội tiếp cận, ổn định cuộc sống.